Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Canh tác nông nghiệp bền vững để “cứu” dòng sông Mekong
Nhung Bùi - 06/09/2023 18:06
 
Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân đã chuyển đổi và thích nghi với các mô hình canh tác theo hướng bền vững, thay vì chỉ tập trung trồng lúa như trước đây.

Con lạch nhỏ chạy dọc theo hàng vú sữa và sầu riêng của ông Hồ Văn Hồng, chỉ đủ rộng cho một chiếc xuồng lướt qua. Người đàn ông thoăn thoắt múc nước từ đây để tưới cho vườn cây ăn quả của mình, nơi trước đó từng là một trong những cánh đồng lúa ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Nikkei Asia, vựa lúa của Việt Nam đang bị đe dọa bởi tình trạng đất đai sụt lún, sói mòn và mất dần chất dinh dưỡng. Vì vậy, gia đình ông Hồng từ bỏ nghề canh tác lúa gạo để chuyển sang trồng trái cây, với mong muốn phần nào đối phó với tình trạng đất đai cạn kiệt và các vấn đề môi trường khác ở Việt Nam.

Không chỉ gia đình ông Hồng, hàng triệu người khác trên khắp dòng sông Mekong đang tìm cách thích nghi trước thực tế đáng lo ngại, khi nhà cửa, làng mạc dần bị nước biển nuốt chửng. Các nhà khoa học cho biết một nửa vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nhấn chìm trước khi thế kỷ này kết thúc.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, chia sẻ với Nikkei Asia: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chìm xuống ở mức đáng báo động và thủy triều đang quay lưng lại với con người”.

“Chúng tôi nhận thấy có nhiều sáng kiến trồng trọt được triển khai để giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo dựng cơ sở hạ tầng với khả năng chống chịu tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một cách tiếp cận vấn đề theo hướng toàn diện".

Nikkei Asia đánh giá dòng sông Mekong đang bị bao vây tứ phía, từ các con đập của Trung Quốc ở phía Bắc bóp nghẹt tài nguyên thiên nhiên, cho đến tình hình nước biển dâng cao tràn vào từ phía Nam. Hoạt động khai thác cát và bơm nước ngầm cũng làm trầm trọng thêm tình hình.

Ông Hồng nhớ lại trước đây, sông Mekong giàu có, dồi dào đến nỗi chỉ cần nhảy vào ruộng lúa là ông đã có món cá cho bữa tối. “Ngày xưa tôi có thể bắt được những con cá lớn và thưởng thức ngon lành. Bây giờ phải bỏ tiền mới mua được”.

Cuộc sống không hề dễ dàng với những người sống cùng dòng sông, khi nước biển ngày càng dâng cao. Các con đập ở thượng nguồn đã kìm hãm dòng trầm tích, phù sa và các loại thủy sinh chảy về hạ nguồn, những yếu tố góp phần mang lại sức sống cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cân bằng độ mặn của nước biển. 

Những nguồn tài nguyên bị suy giảm này, kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, hoạt động canh tác, đánh bắt quá mức và nhiều hành vi khác của con người, khiến vùng đồng bằng được ví von như cái bóng của mình trước đây.

Tại trạm thủy văn Tân Châu (An Giang), vào năm 2000, mực nước đạt đỉnh ở mức 5m trong khi vào năm 2020, con số này chỉ vượt quá 2 mét.

Mô hình trồng sen để thích ứng với mùa lũ tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng vẫn chưa quá muộn để hành động, bằng cách thúc đẩy những loại hình sinh kế mới. Người dân sống bên dòng Mekong đang sẵn sàng cho sự thay đổi của tương lai, từ chỗ nuôi tôm trong nước mặn, trồng lúa mùa nổi tại những vùng đồng bằng ngập nước, cho đến trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đất và kết hợp nuôi cá, nuôi vịt.

Ngay như mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau của ông Hồng, cũng là một cách để làm đất màu mỡ trở lại. Nếu trước đây, du khách nghĩ đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua hình ảnh cánh đồng lúa và người nông dân chân lấm, tay bùn thì nay, bên cạnh ruộng lúa là những vườn trồng thanh long, sầu riêng, vú sữa đủ màu sắc rực rỡ, những ao nuôi tôm, nuôi cá rô phi, cá tra. 

Ông Nguyễn Văn Phong, chủ một trang tại tại Cần Thơ, cho biết trong vài năm qua, nhiều nông dân chọn cách tăng lượng phân bón lên 40% nhưng ông lựa chọn giải pháp thiên nhiên để thay thế cho hóa chất. Tại trang trại của ông, cá bơi bên dưới còn bên trên trồng rau cải và xà lách romaine; từ đây chất thải của cá sẽ là nguồn dinh dưỡng làm cho rau tươi tốt hơn. Ông Phong hy vọng việc thích ứng dựa vào thiên nhiên sẽ giúp dòng sông Mekong hứng chịu ít độc tố hơn.

“Tôi từng tắm trên dòng sông, lặn ngụp dưới đó và dùng cả nước sông để nấu ăn, đó là chuyện bình thường. Giờ nhiều khúc sông đen kịt như không còn sự sống nữa”, ông Phong ngậm ngùi.

Không chỉ ông Phong, nhiều nông dân cũng đang chuyển mình với thời cuộc. Thay vì trồng 3 vụ lúa một năm, họ chuyển một vụ sang nuôi cá. Bên cạnh việc giảm bớt tình trạng độc canh vốn làm cạn kiệt đất và bị sâu bệnh đe dọa, sự chuyển đổi này còn giúp người nông dân giữ được nước lũ, giúp hạn chế xâm nhập mặn ở hạ lưu trong mùa khô.

Đồng Tháp, một trong 12 tỉnh đồng bằng sông Cửa Long, đã làm việc với Ngân hàng Thế giới để giúp 62.000 người dân địa phương nuôi vịt, cá rô phi và tôm trong ruộng lúa của họ. Kết quả cho thấy năng suất cao hơn khi người nông dân loại bỏ một vụ lúa, lợi nhuận tăng ít nhất 20%, đồng thời giúp cắt giảm chu kỳ sâu bệnh, góp phần làm sạch nước và làm giàu cho đất.

Trồng sen, trồng lúa nổi cũng là một cách khách để nông dân thích ứng với nền canh tác dựa vào mùa lũ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu hàng chục sản phẩm làm từ sen ra thị trường, từ hạt sen sấy khô ăn liền cho đến sợi sen để dệt vải. Củ sen được dùng trong chế biến đồ ăn còn một số bộ phận khác có thể dùng làm rượu vang và mỹ phẩm. Xuất khẩu sản phầm từ sen đã mang về nguồn thu mới, đặc biệt tại các thị trường như Hàn Quốc và Mỹ. 

Trong khi đó, giống lúa nổi có khả năng mọc cao nên chống chịu được lũ lụt, lại không cần thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và không bị sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, gạo thu được từ vụ lúa nổi được đánh giá là không ngon bằng những loại gạo khác. Vậy nên, các nhà khoa học của Viện biến đổi khí hậu thuộc Đại học An Giang đang cố gắng thay đổi điều này.

Với gia đình ông Hồ Văn Hồng, việc chuyển đổi sang trồng trái cây trong khi một số người hàng xóm vẫn duy trì trồng lúa, đã giúp anh có thu nhập tốt hơn. Em trai ông, Hồ Thanh Tùng, nói rằng có những thời điểm, năng suất lúa giảm bởi lượng nước ngọt và phù sa của vùng bị giảm đi. Tuy nhiên, khi được hỏi về tương lai, họ thừa nhận môi trường xung quanh đang thay đổi, đồng nghĩa cuộc sống của họ có thể phải bắt đầu lại một lần nữa.

“Chúng tôi trồng vú sữa và sầu riêng, đó là những gì mang lại thu nhập cho chúng tôi. Nhưng trong 5, 10 năm tới chúng tôi cũng không biết chắc loại cây nào sẽ phù hợp nhất”, Hồ Thanh Tùng bày tỏ. "Thôi khi nào đến lúc đó, chúng tôi sẽ tìm ra cách".

TP.HCM muốn hỗ trợ 100% lãi suất để thay đổi nền nông nghiệp đô thị
TP.HCM muốn hỗ trợ từ 60% tới 100% lãi suất vay để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư