Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cạnh tranh... đi chợ thuê
Anh Hoa - 17/09/2019 10:00
 
Sự góp mặt của hàng loạt doanh nghiệp, start-up và cả những “ông lớn” công nghệ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đi chợ thuê cho thấy độ màu mỡ và tiềm năng, nhưng danh sách các đơn vị phải bỏ cuộc chơi cũng nói lên mức độ cạnh tranh và sự nghiệt ngã của thị trường ngách này.
Việc đi chợ, siêu thị khá tốn thời gian và là một áp lực đối với những phụ nữ có công việc bận rộn. Ảnh: Dũng Minh
Việc đi chợ, siêu thị khá tốn thời gian và là một áp lực đối với những phụ nữ có công việc bận rộn. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường ngách quá màu mỡ

Hoàng Lan (27 tuổi, sống tại Hà Nội) mới lập gia đình và luôn mong muốn có bữa cơm đầm ấm. Là dân công sở, nhưng do nhu cầu công việc thường xuyên phải đi sớm, về muộn, nên cô phải tìm cách nào đó để việc bếp núc nhẹ nhàng hơn.

“Để không tốn thời gian đi chợ, đi siêu thị, muốn mua gì, ở đâu, tôi chỉ cần alo thuê người đi chợ hộ, hoặc một cú click chuột, khi đi làm về, thì mọi thứ đã sẵn sàng ở nhà để chờ nấu”, Lan nói.

Với phí dịch vụ 25.000 - 50.000 đồng/lần đi chợ hộ, sơ chế và vận chuyển, Lan chỉ cần lên danh sách thực phẩm mình muốn mua cho ngày hôm sau hoặc lên thực đơn cho cả gia đình trong 1 tuần, đơn vị thực hiện dịch vụ đi chợ hộ sẽ  mua và giao hàng theo đúng yêu cầu.

Trong khi đó, chị Bùi Hằng, nhân viên Ngân hàng Techcombank (chi nhánh Hàng Đậu, Hà Nội) cho rằng, riêng thời gian dành cho cho việc đi chợ, sơ chế thực phẩm tốn ít nhất 1 - 2 tiếng/ngày. Với chị em công sở bận rộn hoặc phải đi làm xa, thì áp lực chuẩn bị thực phẩm cho cả gia đình lại thêm nặng nề.

“Các siêu thị online giúp tôi không mất thời gian xếp hàng, chờ đợi thanh toán trong các siêu thị đông nghịt người, nhất là vào giờ cao điểm. Tôi có thể lựa chọn mua thực phẩm, rau củ, thịt, hải sản, tươi sống ngay tại nhà chỉ với một cú click chuột cực kỳ nhẹ nhàng, đơn giản”, chị Hằng cho biết.

Giờ đây, chỉ cần truy cập Google, gõ từ khóa: “siêu thị online”, hay “đi chợ thuê”, “đi chợ hộ”, sẽ có hàng loạt địa chỉ buôn bán và vận chuyển thực phẩm, giao hàng cho các bà nội trợ tận nơi như thế. Mỗi loại thực phẩm đều niêm yết giá rất rõ ràng. Giá cả thực phẩm trên các trang này cũng không chênh lệch mấy so với giá thị trường, mà chất lượng được đảm bảo. Thời gian mua hàng và giao hàng cũng linh hoạt hơn. Khách hàng có thể chọn khung giờ giao hàng từ 7h30 đến 19h00. Trong vòng chưa đến 2 tiếng, nhân viên sẽ giao các món đã sơ chế sẵn cho khách tự nấu.

Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, rất nhiều phụ nữ đã khẳng định mình trong công việc và có bước đột phá trong sự nghiệp, bên cạnh đó, vẫn đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho bữa ăn của gia đình theo văn hóa người Việt. Tuy nhiên, đầu tư thời gian để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình là một thử thách lớn đối với họ. Thêm vào đó, việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng… cũng là một vấn đề lớn. Chính vì vậy, dịch vụ đi chợ thuê là thị trường ngách quá màu mỡ để nhiều tên tuổi trên thị trường tham chiến.

Thời gian qua, mô hình đi siêu thị thuê bắt đầu rộ lên với khá nhiều doanh nghiệp tham gia như Faly Mart, Citiship, Alocho, Suma.vn (VC Corp), Chopp.vn, VinMart, VinMart+, disieuthi.vn..., chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Thậm chí, “ông lớn” Grab cũng đã manh nha triển khai dịch vụ đi siêu thị thuê là GrabAssistant để cạnh tranh trực tiếp với Now, LosMart.

Mới đây, thêm một siêu ứng dụng (super app) tham chiến thị trường này của một start-up thuần Việt. Với định hướng trở thành một siêu ứng dụng giống Go-Jek tại Việt Nam, cùng với việc chính là ứng dụng giao hàng tức thì trong nội thành Hà Nội, TP.HCM, tháng 10/2019, Công ty cổ phần Công nghệ HeyU sẽ cho ra mắt nền tảng đa dịch vụ xoay quanh các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bao gồm: mua hộ hàng hóa, sai vặt, nạp/rút tiền ngân hàng 24/24 phục vụ tại nhà, giao đồ ăn và đi chợ hộ.

Sau 2 năm phát triển mạnh mạng lưới tài xế đối tác tại thị trường Hà Nội, HeyU ra mắt tại TP.HCM và kỳ vọng, đây sẽ là thị trường trọng điểm với nguồn đơn và số lượng khách hàng lớn gấp 3 lần thị trường Hà Nội, giúp nâng tổng số đơn hàng phục vụ hàng ngày lên con số 100.000.

Được biết, năm 2018, HeyU đã đạt được thỏa thuận đầu tư vòng hạt giống với Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group với tổng số tiền đầu tư là 500.000 USD. HeyU đang trong quá trình tiếp xúc với các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài cho vòng gọi vốn Series A, trị giá khoảng 3 triệu USD.

Giành nhau từng centimet

Động thái của HeyU được cho là đánh động đến thị trường ở mảng mua hộ hàng hóa, đi chợ hộ, dù HeyU chưa tiết lộ chiến lược cạnh tranh. Đặc biệt, định hướng trở thành một siêu ứng dụng giống Go-Jek tại Việt Nam khiến HeyU lại càng gây chú ý hơn. 

Tuy nhiên, Nguyễn Minh Trường, sáng lập Công ty TNHH MTV Chopp - start-up có mặt trên thị trường hơn 4 năm qua với dịch vụ đi chợ thuê, chuyên mặt hàng tươi sống không hề tỏ ra lo lắng. “Thị trường đi chợ hộ rất lớn và chưa có bên nào chiếm vị trí

số 1. Nhưng HeyU muốn phát triển thành super app mà chọn lĩnh vực đi chợ sẽ khó khăn, nếu chọn giao cho nhà hàng sẽ dễ hơn nhiều”, Trường nói.

Hiện Chopp đang là đối tác của hơn 50 siêu thị và cửa hàng tại TP.HCM, phục vụ hơn 11.000 giao dịch mỗi tháng. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng trung thành và quay lại đạt hơn 60% - tỷ lệ đáng tự hào cho một dịch vụ đầy rủi ro như đi siêu thị hộ mà Chopp đang theo đuổi.

Việc xây dựng app hay website bán hàng, thực hiện dịch vụ đi chợ thuê khá đơn giản, nhưng tập trung để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng mới khó. Mấu chốt là phải đem đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình, từ đó doanh nghiệp mới có thể tối ưu sản phẩm bán được cho khách

 Nguyễn Minh Trường, sáng lập Công ty TNHH MTV Chopp

So với nhiều start-up thương mại điện tử tập trung vào đa dạng hàng hóa và chương trình khuyến mãi, Chopp khôn ngoan hơn khi đầu tư kỹ lưỡng vào hệ thống vận hành. Có đến 80% khách của Chopp chọn hàng tươi sống - mặt hàng có thể nói là “khó nhai” nhất trong thị trường, vì vậy, nếu hàng tươi sống không giữ được chất lượng tốt khi vận chuyển, thì khách hàng sẽ không bao giờ quay lại.

Đó cũng chính là lợi thế cạnh tranh của Chopp. Trong tương lai, Chopp sẽ mở rộng địa bàn hoạt động đến các thành phố lớn tại Việt Nam; đồng thời, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác, nhà cung ứng thực phẩm uy tín cả trong và ngoài nước để mang đến thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu càng ngày càng cao của người tiêu dùng bận rộn. Mới đây, tên tuổi này cho ra mắt dịch vụ Chopp VIP - gói dịch vụ rất tiết kiệm được ưu tiên đặt giao trong khung 1 giờ, thay vì 2 giờ như khách thường.

Dịch vụ đi chợ thuê hấp dẫn là vậy, nhưng cũng khá nghiệt ngã. Cách đây 2 năm, ứng dụng di động cho phép khách hàng đặt mua rau và thịt đầu tiên tại Việt Nam là Greenbag.vn bị đóng cửa như một gáo nước lạnh đối với các doanh nghiệp đi siêu thị hộ trong bối cảnh thị trường đang cần lòng tin.

Greenbag.vn do Công ty Cùng Mua triển khai ở nội thành TP.HCM vào đầu tháng 12/2015. Sau hơn 1 tháng ra mắt, ứng dụng này đã có hơn 10.000 khách hàng cài đặt và sử dụng dịch vụ, khiến Cùng Mua kỳ vọng, trong vòng 1 năm sau đó sẽ nâng lượng khách lên con số 200.000. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, Greenbag.vn buộc phải dừng lại.

Trước đó, trong danh sách phải rút khỏi thị trường còn có FoodPanda Việt Nam - dịch vụ gọi món ăn nhà hàng qua ứng dụng di động tại 42 quốc gia được hậu thuẫn bởi Rocket Internet. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2012, đến tháng 12/2015, FoodPanda Việt Nam phải tuyên bố bán lại cho Vietnammm. Ngoài ra, nhiều dịch vụ nhỏ lẻ khác cũng đã phải rời bỏ cuộc chơi chỉ sau vài tháng manh nha, bởi có quá nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, khách hàng ở những địa bàn cách xa nhau nên thu không đủ bù chi…

Điều này cho thấy, “miếng ngon” luôn có nhiều người muốn gắp và sẽ giành nhau từng centimet. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đi chợ thuê ngoài việc phải thay đổi thói quen của khách hàng, còn đối mặt với các đối thủ không trực tiếp, như các siêu thị, chuỗi bách hóa xanh, bởi các chuỗi này đều đưa sản phẩm lên kênh trực tuyến, ứng dụng di động và có đội ngũ giao hàng riêng… Ngoài ra, các tên tuổi trong lĩnh vực thương mại điện tử như Lazada, Adayroi hay DeliveryNow cũng là những đối thủ rất “khó chịu”.

Đa số đơn vị tham chiến thị trường đi chợ thuê đều cho rằng, sự thành công trong thị trường ngách này phụ thuộc vào khả năng tài chính, vận hành và đội ngũ nhân viên. Hiện ở thị trường Việt Nam, khó có nhà đầu tư nào dám bỏ hàng trăm triệu USD để đầu tư cho các start-up trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, đây lại là lĩnh vực cần được đầu tư dài hạn, vì trong thời gian đầu, công ty sẽ phải chịu những chi phí cố định khá lớn, từ xây dựng hệ thống đến chi phí xây dựng đội ngũ nhân sự… Chỉ khi nào lượng khách hàng tăng lên con số vài trăm ngàn người cùng với việc thiết lập được sự liên kết của nhiều cửa hàng, siêu thị, thì công ty mới có thêm nhiều nguồn thu để có lãi.

Start-up Việt tham gia tranh tài tại Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu 2019, Hoa Kỳ
Chung kết quốc tế Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu Thử thách Việt (VietChallenge) 2019 diễn ra ngày 7/9/2019 tại Trường đại học MIT, Hoa Kỳ với sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư