Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cao điểm M&A ngân hàng: Chờ thương vụ tự nguyện
Thùy Liên - 15/04/2015 09:32
 
Sẽ có thêm 6 ngân hàng biến mất nếu các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng diễn ra “êm đẹp” trong mùa đại hội đồng cổ đông đang vào cao điểm từ nay đến cuối tháng. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu những thương vụ M&A tự nguyện và có nhu cầu thật sự.

Thêm 6 ngân hàng sắp biến mất?

Trong tuần này, thị trường chứng kiến đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nóng bỏng của 5 ngân hàng, đều liên quan đến vòng xoáy M&A là VietinBank, PGBank, BIDV, MHB và NamABank.  

Ngoài ĐHĐCĐ của VietinBank và PGBank diễn ra hôm qua (ngày 14/4), cùng với phương án sáp nhập PGBank vào VietinBank, ĐHĐCĐ của cặp ngân hàng được quan tâm tiếp theo là BIDV - MHB sẽ diễn ra vào ngày 17/4/2015.

Eximbank được đồn đoán sẽ sáp nhập vào NamABank
Eximbank được đồn đoán sẽ sáp nhập vào NamABank

 

Trong tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ công bố mới đây, MHB cho hay, từ quý IV/2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai việc xây dựng đề án sáp nhập MHB vào BIDV theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, đến nay, BIDV vẫn chưa lên tiếng về thương vụ này.

Khác với hai cặp ngân hàng trên, ĐHĐCĐ của NamABank - Eximbank lại không diễn ra cùng ngày, dù hai ngân hàng này đang được đồn đoán sẽ sáp nhập. NamABank tổ chức ĐHĐCĐ vào cuối tuần này (ngày 17/4), trong khi ĐHĐCĐ của Eximbank diễn ra vào tuần sau (ngày 22/4). Mặc dù vậy, nhiều nguồn tin cho biết, phương án sáp nhập hai bên sẽ được đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại ĐHĐCĐ năm nay. Hiện Tổng giám đốc NamABank, ông Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc vừa thôi nhiệm của NamABank đã ứng cử thành viên HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020. 

Từ nay đến cuối tháng, hàng loạt ĐHĐCĐ của nhiều ngân hàng liên quan đến sáp nhập cũng sẽ diễn ra, định đoạt thêm số phận của nhiều ngân hàng. Cụ thể, ĐHĐCĐ của Sacombank diễn ra vào ngày 21/4, Eximbank vào ngày 22/4, Vietcombank ngày 24/4 (khả năng sáp nhập SaigonBank), ABBank ngày 27/4 (khả năng sáp nhập DongA Bank)…

Nếu các thương vụ trong “tầm ngắm” trên được thông qua, cộng với thương vụ MaritimeBank - MDB đã được “chốt” từ tháng 3/2015, thị trường sẽ rút bớt được 7 ngân hàng. Nếu GPBank và OceanBank không sớm tìm được phương án tự trục vớt chính mình, khả năng hai ngân hàng này sẽ bị quốc hữu hóa.

Đầu năm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm nay, NHNN sẽ cố gắng xử lý 6-8 ngân hàng. Cho đến nay, danh tính của các ngân hàng này đã dần lộ diện.

Cần thêm thương vụ tự nguyện

Câu hỏi đặt ra là, liệu mục tiêu sáp nhập 6 ngân hàng ngay trong năm 2015 có quá gấp gáp? Theo ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao về Dịch vụ tài chính - ngân hàng của Ernst & Young khu vực châu Á Thái Bình Dương, nếu M&A ngân hàng chỉ để hợp thức hóa sở hữu chéo, quá trình sáp nhập sẽ diễn ra rất nhanh. Chính Ernst & Young đã từng hỗ trợ Sri Lanka sáp nhập 3 ngân hàng chung chủ sở hữu chỉ trong vòng 3 tháng.

Trên thực tế, tại Việt Nam, theo nhận xét của các chuyên gia, từ cuối năm 2011 đến nay, hầu như tất cả các thương vụ M&A ngân hàng đã, đang và sắp diễn ra đều do NHNN “định hướng”, do có chung sở hữu chéo, hoặc buộc phải “gánh” ngân hàng yếu. Chưa có thương vụ M&A tự nguyện đúng nghĩa.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng vẫn đánh giá cao nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng của NHNN, song cũng cảnh báo, nếu quá vội vàng, các ngân hàng chỉ sáp nhập được về mặt hình thức, còn các vấn đề nội tại vẫn chưa thể xử lý.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng - Công ty Ernst & Young Việt Nam cũng kỳ vọng, thị trường sẽ có thêm những thương vụ M&A tự nguyện.

“Tất nhiên, trong thời gian trước mắt, để tạo được niềm tin cho người dân vào hệ thống ngân hàng, thì vẫn cần sự trợ giúp, chỉ đạo sát sao của NHNN. Nhưng thời gian tới, cần thêm những thương vụ tự thân, thay vì bắt buộc, bởi khi đó, người chơi trên thị trường sẽ tạo ra luật chơi dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, thay vì bị áp đặt và phải tuân theo”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.

Theo định hướng của NHNN, đến năm 2017, sẽ chỉ còn 15 ngân hàng. Như vậy, ngoài những thương vụ M&A bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, thời gian tới, dự báo sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A tự nguyện.

Ông Keith Pogson cho rằng, với quy mô thị trường Việt Nam, chỉ cần 5 ngân hàng trụ cột quốc gia, tất nhiên vẫn cần những ngân hàng ngách.

Được biết, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan…, hiện chỉ có 2-5 ngân hàng lớn. Tuy nhiên, để hình thành các ngân hàng lớn, trước đó, các ngân hàng này đã trải qua nhiều lần M&A. Một trường hợp thu gọn hệ thống ngân hàng mà Việt Nam có thể tham khảo là Malaysia 20 năm trước với hơn 40 ngân hàng, nay chỉ còn 10 ngân hàng.

Soi điểm nóng mùa đại hội ngân hàng
Chưa bao giờ các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng được chờ đợi nhiều như năm nay khi có nhiều điểm “nóng” sẽ được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư