Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm
D.Ngân - 31/01/2024 07:43
 
Trong dịp tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tăng cao, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ.

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, thời điểm này các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành đang tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh.

Nhận định chung của Đoàn kiểm tra khi tiến hành công việc tại Quảng Ninh và Hải Phòng cho thấy Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm các cấp tại các tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, các tỉnh còn nêu ra một số vấn đề khó khăn, bất cập tại địa phương như: Đối với các tỉnh có đường biên giới có nhiều cửa khẩu, địa hình miền núi phức tạp, chia cắt nhiều đường mòn, lối mở, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, trong đó có thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Trong dịp tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tăng cao, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, không thực hiện được đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ còn rất khó khăn.

Ngoài ra, còn một số bộ phận người dân vẫn mua, bán và sử dụng thực phẩm theo thói quen, thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ. Nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn mỏng, chưa hệ thống.

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành và tăng cường hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm;

Xử lý nghiêm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên địa bàn; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin về cơ sở chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, cơ sở bán thực phẩm an toàn để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.               

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp và Phát triên nông thôn các tỉnh phối hợp đẩy mạnh hướng dẫn, kiểm tra việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024;

Hướng dẫn, kiểm tra việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ như bánh mứt kẹo, đồ uống có cồn (rượu, bia…) sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024;

Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bố trí nguồn lực để đảm bảo kiểm soát ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị sẵn sàng kịch bản cấp cứu khi có ngộ độc thực phẩm. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện lỗ hổng vi phạm, hàng giả, hang kém chất lượng để có bện phát phòng ngừa, giáo dục và xử lý kịp thời.

Tăng cường, trang bị ý thức, kiến thức của người tiêu dùng để tránh mua phải hàng giả, hàng kèm chất lượng, không đảm bảo an toàn.

Được biết, cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn thực phẩm bẩn lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, là mối đe dọa thường trực của mọi gia đình.

Vậy nên, cứ vào dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Đối tượng thanh, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.

Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.

Đoàn kiểm tra chú trọng về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, chế độ bảo quản thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe nhân dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn cho người dân; tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Ngoài việc thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là bánh kẹo nhập khẩu. Nên tìm mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Với các loại rau, quả tươi, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Với thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn…

Đặc biệt, trong những ngày cận Tết, người dân cần lưu ý, hàng nhập khẩu phải có tem nhập khẩu, tránh tình trạng mua hàng xách tay nhưng thực ra lại đang tiêu thụ hàng giả, hàng “tẩy date” (thay đổi hạn sử dụng).

Nhiều chuyên gia nhận định, do lợi nhuận cao, nhiều chủ cơ sở kinh doanh kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì và dập hạn sử dụng mới.

Thậm chí, vào dịp Tết, những sản phẩm này thường được lồng vào các hộp quà tặng gói sẵn nên khó kiểm tra được hạn sử dụng. Do đó, người tiêu dùng khi mua các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, hoặc lựa chọn những sản phẩm có hạn sử dụng được dập nổi để tránh mua phải những hộp bánh kẹo đã hết hạn sử dụng từ lâu.

Qua việc triển khai đợt cao điểm Tết, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, số sản phẩm bị thu giữ và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu.

Đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bao gói sẵn, phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, qua kiểm tra có những trường hợp thực phẩm đã “hết date” nhưng chủ cơ sở không tiêu hủy. Thậm chí, không loại trừ khả năng có hiện tượng sản phẩm được tẩy date.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất thị trường cung ứng các mặt hàng thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm...

Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn hàng hóa tại các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; mua hàng có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất; đồng thời kiên quyết tẩy chay các mặt hàng thiếu thông tin, xuất xứ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư