Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cấp mã số ca bệnh cho người có kết quả dương tính qua test nhanh thế nào
D.Ngân - 29/09/2021 08:01
 
Từ ngày 20/8 đến nay, TP.HCM có khoảng 150.000 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 qua test nhanh kháng nguyên.

Theo thống kê, từ ngày 20/8 đến nay, TP.HCM có khoảng 150.000 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 qua test nhanh kháng nguyên. Tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay chỉ những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 khẳng định mới được lấy mã số.

Từ ngày 20/8 đến nay, TP.HCM có khoảng 150.000 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 qua test nhanh kháng nguyên. 

Ngày 28/9, Bộ Y tế có công văn trả lời đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về việc cấp mã số cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.

Theo đó, ngày 27/9, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế TP.HCM về việc cấp mã số cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Bộ Y tế cho biết ngày 3/4/2020, cơ quan này đã có hướng dẫn việc thông báo ca bệnh Covid-19 trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch Covid-19.

Ngày 20/8/2021, Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Văn bản nêu rõ, kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với những trường hợp được chỉ định cách ly tại nhà và chỉ thực hiện xét nghiệm RT-PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến các khu cách ly y tế tập trung. Số ca dương tính hàng ngày được thống kê bao gồm cả số ca test nhanh dương tính.

Theo Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm chủ động báo cáo ca bệnh Covid-19 thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động theo hướng dẫn. 

Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM làm rõ và cung cấp số liệu cụ thể về tổng số kết quả test nhanh dương tính, số trường hợp F0 được cách ly tại nhà và số trường hợp được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR trước khi vào cơ sở y tế điều trị hoặc khu cách ly tập trung.

Cũng theo Bộ Y tế, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Sở Y tế TP.HCM chưa có báo cáo ca bệnh Covid-19 (F0) có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động. 

Sau khi có văn bản ngày 20/8/2021 của Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM giải trình, rút kinh nghiệm về việc chậm trễ trong việc xin ý kiến và tổ chức thực hiện công tác báo cáo theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về giá test nhanh hiện qua tìm hiểu phóng viên được biết, trước 20/8, giá test nhanh khoảng 100.000-198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25/9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó mức giảm khoảng 20.000-70.000 đồng/test.

Về các loại test nhanh Covid-19, đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết cả nước có khoảng 90 loại test nhanh Covid-19 đang được lưu hành, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm (giá bộ test nhanh) và giá dịch vụ xét nghiệm.

Cũng theo vị này, hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. 

Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.

Theo đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, hiện giá các xét nghiệm nhanh dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.

Được biết, ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các địa phương cũng cần thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.

Các loại test nhanh dùng tại nhà có ưu điểm gì?
Các loại test nhanh dùng tại nhà (home test) lấy dịch ở mũi trước thay vì ở họng hầu được giới chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả và không gây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư