Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Câu chuyện thành công của ngành thủy sản Việt Nam
Anh Việt - 19/02/2015 09:41
 
Từ 300 triệu USD năm 1992, thủy sản đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD năm 2014. Câu chuyện thành công của ngành thủy sản Việt Nam có được nhờ sự bứt phá của những doanh nghiệp lớn, được ghi danh trong lĩnh vực thủy sản toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ra mắt website hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản
60 triệu cổ phần Seaprodex sắp bung hàng
Vua tôm Lê Văn Quang chinh phục thị trường toàn cầu

Bứt phá từ nội lực

Trong Báo cáo của Chính phủ tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam 2014 với sự tham dự của các nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất cho Việt Nam, có nhắc đến câu chuyện của ngành thủy sản và vai trò của những doanh nghiệp lớn. Bằng nhiều nỗ lực, họ đã vươn lên, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước. Ước tính khoảng 10% dân số Việt Nam có thu nhập chính từ ngành thủy sản.

Minh Phú đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đứng số một thế giới về chế biến tôm và chuẩn bị cán đích kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD

Nhắc đến sự bứt phá của các doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản, không thể không nói tới Minh Phú, doanh nghiệp đứng hàng đầu thế giới về chế biến tôm và số 1 Việt Nam về xuất khẩu thủy sản. Năm 2014, Minh Phú xuất khẩu hơn 47.713 tấn tôm với kim ngạch đạt 730,367 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 40,58% về giá trị so với năm 2013. Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc, giá cổ phiếu MPC thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong năm, đóng cửa phiên cuối năm 2014 đạt 107.000 đồng/CP.  

Trên bản đồ thủy sản thế giới, Minh Phú và cá nhân Chủ tịch Lê Văn Quang đã được giới chuyên môn nước ngoài ghi danh. Đơn cử, trong danh sách top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới năm 2014 được Undercurrentnews - tạp chí chuyên về thủy sản có trụ sở ở Anh công bố, Minh Phú đứng ở top trên của bảng xếp hạng - thứ 23, nhờ doanh thu tăng 41%. Theo thống kê của tạp chí này, 25 công ty lớn nhất chiếm hơn một nửa tổng doanh thu (57 tỷ USD).

Còn trong danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất ngành thủy sản toàn cầu theo bình chọn của Intrafish Seafood - tạp chí thủy sản nổi tiếng nhất thế giới, ông Lê Văn Quang xếp thứ 54. Tiêu chí bình chọn dựa trên nhiều yếu tố như: tầm quan trọng của các nhân vật trong danh sách đối với ngành thủy sản ở mỗi nước; mong muốn, hoài bão của họ đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản nước họ phát triển như thế nào; những quyết định của họ đã tạo ra thay đổi gì trong ngành thủy sản, cả ở hiện tại và tương lai…

Vậy nhưng nói về kết quả năm 2014, Chủ tịch Lê Văn Quang còn trăn trở. Ông chia sẻ rằng, kỳ vọng của MPC trong năm 2014 là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD. Cuối năm 2014, các đồng tiền yên Nhật, won Hàn Quốc, euro, đôla Úc… đều bị mất giá nghiêm trọng làm giá bán tôm ở các nước tăng quá mức, khiến người tiêu dùng phải cân nhắc và chuyển sang tiêu dùng các thực phẩm khác rẻ hơn, làm nhu cầu tiêu thụ tôm giảm đáng kể. Nhiều hợp đồng xuất khẩu MPC đã ký với khách hàng, song họ trì hoãn nhập hàng để đợi giá tôm giảm. “Nếu mình xử lý tốt tình hình và hỗ trợ các nhà nhập khẩu về giá cả từ sớm thì chắc sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu như kỳ vọng”, ông Quang kể.

Đầu năm 2015, giá tôm đã tăng và có xu hướng tăng tương ứng trở lại. Đây thực sự là tin vui đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Dẫn dắt sự thay đổi

Từ một doanh nghiệp địa phương với số vốn điều lệ 120 triệu đồng, sau 22 năm liên tục đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, Minh Phú đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đứng số 1 thế giới về chế biến tôm và chuẩn bị cán đích kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Minh Phú đã thành công với chiến lược liên tục đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ chế biến tôm để hợp lý hóa sản xuất, giảm những điểm thắt cổ chai để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, từ nhiều năm trước, Minh Phú đã chuyển mạnh sang sản xuất những mặt hàng tôm có giá trị gia tăng cao, tôm cao cấp, tôm ăn liền như tôm Ring, tôm Sushi, tôm tẩm bột, tôm nguyên con PTO tẩm bột, tôm Tempura, tôm tẩm gia vị, tôm Whole Cooked, tôm Bikini... Đây là những mặt hàng mà các đối thủ khác không sản xuất được hoặc không muốn, không dám sản xuất vì phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ cũng như con người. Tiên phong với những cách làm mới, Minh Phú đã đón đầu xu hướng khách hàng ưa chuộng các mặt hàng chế biến sâu trên thế giới.

Minh Phú đã và đang tạo động lực cho ngành nuôi tôm của Việt Nam phát triển. Hiện doanh nghiệp có hơn 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng tôm Minh Phú, đủ cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy của Minh Phú.

Tham gia chuỗi cung ứng tôm Minh Phú, hộ nuôi tôm sẽ được Tập đoàn cung cấp con giống chất lượng cao, chế phẩm vi sinh xử lý đầm ao, thức ăn, hướng dẫn quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi và mua sản phẩm cuối cùng. Lo lắng lớn nhất của người nuôi tôm bấy lâu nay là dịch bệnh, bởi vậy, Minh Phú AquaMekong   tầm soát, xử lý mầm bệnh, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, khi tôm thu hoạch được, Minh Phú mua lại tôm nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Người nuôi tôm được hưởng lợi rất lớn khi tham gia chuỗi cung ứng tôm bền vững này.

Tự tin tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Năm 2015, Minh Phú đặt mục tiêu xuất khẩu 60.000 tấn với kim ngạch 900 triệu USD và phấn đấu 1 tỷ USD. Ngay từ 1/1/2015, toàn hệ thống Minh Phú chính thức vận hành hệ thống SAP ERP để có một hệ thống quản trị vận hành đồng bộ và thống nhất.

Với việc vận hành hệ thống này, số liệu của tất cả các đơn vị được quản lý tập trung và chuyển lên trung tâm dữ liệu, giúp cho Ban lãnh đạo sử dụng các báo cáo quản trị thông minh để quản trị và điều hành Công ty chặt chẽ, nhanh chóng và ra quyết định chính xác. Không chỉ là chi phí hơn 5 triệu USD, câu chuyện lớn hơn là cả Tập đoàn phải thay đổi không ít thói quen làm việc lâu nay, từ những người lãnh đạo cao nhất.

Ông Quang cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, Minh Phú sẽ sắp xếp lại hợp lý các dây chuyền sản xuất của các nhà máy để tăng năng suất, vận hành tối đa công suất các nhà máy. Đồng thời, tổ chức và điều hành Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú tốt hơn, hiệu quả hơn để  hỗ trợ người nuôi tôm nuôi thành công. Việc này sẽ giúp MPC thu mua sản phẩm với chất lượng tốt hơn, số lượng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy.

Trong chiến lược phát triển dài hạn của mình, Minh Phú đặt mục tiêu trở thành một công ty đa quốc gia, công ty toàn cầu với chuỗi giá trị tôm được khép kín tất cả các mảng, bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu về khoa học – công nghệ và ứng dụng.

Minh Phú sẽ đầu tư trung tâm nghiên cứu gia hóa và tuyển chọn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, bố mẹ sạch bệnh, có khả năng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, giúp giảm giá thành tôm nuôi, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tiến tới chủ động được hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ có chất lượng cao. Tập đoàn cũng hợp tác với các nhà khoa học, các công ty hàng đầu thế giới về vi sinh để liên kết sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ các công ty thành viên nuôi trồng thủy sản và bán cho các hộ nuôi trồng.

Sự phát triển của Minh Phú gắn với câu chuyện thành công của cả ngành thủy sản, nhưng Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp như vậy. Sự thiếu vắng các doanh nghiệp lớn khiến Việt Nam ít có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu tôm và thủy sản phát triển, Chủ tịch Lê Văn Quang mong rằng, Chính phủ có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ thủy sản phát triển. Đó là công nghiệp sản xuất bao bì như bao bì giấy, bao bì nhựa PA/PE, bao bì khay nhựa, bao bì khay xốp; công nghiệp sản xuất bột cho sản phẩm tôm tẩm bột, sản xuất nước sốt, sản xuất gia vị, hương liệu, sản xuất hóa chất thực phẩm. Lâu nay, doanh nghiệp thủy sản thường phải nhập từ Thái Lan các sản phẩm phụ trợ này với chi phí cao cũng như thời gian làm thủ tục nhập khẩu kéo dài, khiến nhiều khi không đáp ứng kịp thời hạn giao hàng.

Tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam, cũng có rất nhiều khuyến nghị được đưa ra, như Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Với ngành thủy sản, đó là đầu tư cho nghiên cứu con giống, đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến thủy sản sử dụng nhiều lao động. Bởi vậy, rất cần chính sách ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ vốn và đất để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân.

Sự thành công trong phát triển của Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân. Những doanh nghiệp hàng đầu như Minh Phú đang đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho cả ngành cũng như nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư