Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cầu giảm, nhưng đơn hàng sẽ trở lại
Thế Hải - 06/02/2023 14:33
 
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và đơn hàng có chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022, nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023 giảm gần 7 tỷ USD so với cùng kỳ. Dù vậy, với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đây không phải điều quá lo ngại.

Xuất khẩu giảm gần 7 tỷ USD so với cùng kỳ

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng 12/2022 và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%.

Sự suy giảm này không quá bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. “Tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022”, Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay.

Cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 31,9 tỷ USD, tăng 11,6%. Như vậy, về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2023 giảm gần 7 tỷ USD.

Ngoài nguyên nhân từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài như thông lệ, đà suy giảm của hoạt động xuất khẩu trong tháng 1 còn bắt nguồn từ nhu cầu yếu tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, dẫn đến đơn hàng giảm từ cuối năm ngoái và tiếp tục kéo sang tháng 1. Dự báo, đà giảm đơn hàng sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2023.

Các nhà mua hàng toàn cầu không giảm đặt hàng, giảm mua ở tất cả doanh nghiệp. Họ chọn và ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp tốt, nên trong khó khăn chung, vẫn có những doanh nghiệp có nhiều cơ hội đón đơn hàng lớn…

Dù đã lường trước tình hình, nhưng ngành dệt may vẫn không khỏi lo lắng khi nhìn vào kết quả xuất khẩu tháng 1, kim ngạch chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, xuất khẩu giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 17,7%; xuất khẩu vali, túi xách giảm 18%; xuất khẩu xi măng giảm 40%; xuất khẩu sắt thép sau năm 2022 giảm sâu, đến tháng 1/2023 tiếp tục giảm 45% so với cùng kỳ...

Phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đều cho rằng, lúc này, rất khó dự báo kịch bản tăng trưởng năm 2023, do cầu vẫn thấp trong quý I và phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới.

Có thể thấy, đà giảm xuất khẩu trong tháng 1 thể hiện ở tất cả các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ điện thoại (giảm 18,6%), máy tính (giảm 11,5%), máy móc - thiết bị (giảm 25,2%)... cho tới thủy sản (giảm 30%), cà phê (giảm 29,2%), gạo (giảm 17,4%)...

Chỉ một số ít nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng trong tháng 1/2023, như dầu thô (tăng gần 10%), rau quả (tăng 3%), dây cáp điện và thiết bị (tăng 11,1% so với cùng kỳ).

Kết quả chung, trong tháng 1/2023, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm tích cực là cán cân thương mại ghi nhận thặng dư ở mức 3,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Cơ hội cho doanh nghiệp có vị trí trong chuỗi cung ứng

Tổng cầu tiêu dùng hàng hóa trên thế giới giảm do tác động của kinh tế suy giảm, lạm phát, ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, nhưng không hoàn toàn là gam màu xám cho xuất khẩu, nhất là với các ngành mà Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ cung ứng toàn cầu, có vai trò nhất định trong chuỗi cung ứng.

Đơn cử, với ngành dệt may, các doanh nghiệp kỳ vọng, khó khăn trên thị trường xuất khẩu chỉ kéo dài đến hết tháng 6/2023. “Cầu đang giảm, nhưng sẽ quay trở lại. Các nhà mua hàng toàn cầu không giảm đặt hàng, giảm mua ở tất cả doanh nghiệp. Họ chọn và ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp tốt, nên trong khó khăn chung, vẫn có những doanh nghiệp có nhiều cơ hội đón đơn hàng lớn…”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thông tin.

Do đó, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm nay, sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Theo ông Trường, doanh nghiệp Việt có đặc tính năng lực cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ, có thể đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đặc biệt là nhiều loại sản phẩm, kỹ thuật khó. Bởi vậy, đơn hàng nhỏ vẫn là xu thế trong thời gian tới.

Đối với ngành gạo, sau khi hoàn thành vượt mục tiêu xuất khẩu năm 2022 với 7 triệu tấn gạo xuất khẩu thành công, mang về 3,5 tỷ USD, các doanh nghiệp trong ngành đang có nhiều xung lực cho một năm mới. Do đó, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 không phải là điều đáng lo ngại.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) cho biết, doanh nghiệp đang phải tăng tốc chế biến để đủ hàng xuất cho khách theo các hợp đồng đã ký.

“Riêng hợp đồng mới nhất với đối tác Hàn Quốc, doanh nghiệp phải giao hàng đến tháng 4/2023 mới hoàn thành đơn hàng 20.000 tấn. Ngoài ra, thị trường EU vẫn tiếp tục có hàng xuất đi, Trung Đông và Mỹ cũng vậy”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ.

Hàn Quốc: Kim ngạch xuất khẩu ô tô đạt mức cao kỷ lục
Kim ngạch xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc tăng nhờ tình hình cung cầu chip bán dẫn dành cho ô tô được cải thiện, sự mở rộng nhu cầu xe ôtô thân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư