Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi nghiệp ở Việt Nam, tại sao không?
CEO Hoàng Công Cát: Mong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp thực tế hơn
Hồ Hạ - 11/03/2021 08:03
 
“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế hơn nữa”, CEO Hoàng Công Cát chia sẻ.

Doanh nhân Hoàng Công Cát, CEO Công ty Hoàng Gia, đơn vị vận hành thương hiệu Tempura tại Việt Nam về nước khởi nghiệp sau thời gian dài học tập và khẳng định năng lực trong các công ty của Nhật Bản.

CEO sinh năm 1985 cho biết, về nước khởi nghiệp và đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn nếu khởi nghiệp ở Nhật Bản. Anh khẳng định, các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hiện khá tốt. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, CEO Công ty Hoàng Gia mong muốn nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế hơn nữa trong tương lai.

Nhân duyên với đất nước Nhật Bản

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội theo định hướng của gia đình là trở thành một giáo viên mẫu mực. Thế nhưng, với tính cách hoạt bát, đam mê giao lưu và khám phá đã dẫn đường CEO Hoàng Công Cát vào mối “nhân duyên” với “xứ sở hoa anh đào”.

Vì sinh ra trong một gia đình làm nông thuần túy tại huyện Mê Linh, Hà Nội, lại đông anh em nên Cát tự lập từ rất sớm. Thời gian sinh sống và học tập tại Nhật Bản, anh phải tự lực cánh sinh. Đó cũng là những tháng ngày hun đúc ý chí, tài năng của chàng trai sinh năm 1985. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Công Cát trải qua nhiều công việc và luôn khẳng định được phẩm chất, ý chí con người Việt Nam chịu khó, nỗ lực vươn lên và có vị trí trong các công ty của Nhật Bản.

“Tôi cảm thấy nhân duyên với đất nước, con người Nhật Bản đã cho tôi thật nhiều thứ quý giá. Trong đó, quãng thời gian kết nối đưa người Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật Bản là công việc phù hợp và khiến tôi cảm thấy say mê, hạnh phúc nhất”, Cát bộc bạch.

.
Doanh nhân Hoàng Công Cát, CEO Công ty Hoàng Gia, đơn vị vận hành thương hiệu Tempura tại Việt Nam (Ảnh: Hồ Hạ).

Không ngại đi ngược chiều nếu thấy tương lai

Tuy nhiên, sau 2 năm miệt mài làm việc, nhu cầu tuyển lao động Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng lớn. Khối lượng công việc đồ sộ, cộng thêm độ trễ và sự vênh nhau về chính sách giữa hai quốc gia, trong khi sợi dây liên kết ở Việt Nam quá lỏng lẻo khiến Cát buộc phải chia đôi thời gian, nửa tháng làm việc ở Việt Nam rồi lại sang Nhật Bản.

“Cứ như thế suốt một thời gian dài, tôi nhận thấy, phải ở Việt Nam, trực tiếp chăm sóc khách hàng thì công việc mới đảm bảo. Do đó, Tôi quyết định về nước, thành lập Công ty Hoàng Gia năm 2018”, CEO tuổi Sửu chia sẻ và cho biết: “Thật không may, hơn một năm sau khi thành lập, hoạt động đang trên đà khởi sắc thì đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vỡ vụn. Một số lĩnh vực của công ty bị tác động mạnh và thậm chí tạm dừng hoạt động chờ thị trường phục hồi”.

Thế nhưng, “trong nguy có cơ”, CEO Hoàng Công Cát đã dành nhiều tâm sức cho dự án đầu tư chuỗi nhà hàng Tempura chuyên biệt tại Việt Nam, do anh cùng ông Kato, một khách hàng thân thiết trong lĩnh vực nhân sự “thai nghén” từ năm 2019.

CEO Hoàng Công Cát cho hay, tháng 10/2020, nhà hàng Tempura đầu tiên tại Việt Nam nằm trong khuôn viên Resort Mikazuki Đà Nẵng đã khai trương và hoạt động. Ngày 14/3, nhà hàng thứ hai sẽ ra mắt tại Trung tâm thương mại Lotte (số 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội). Dự kiến tháng 10/2021, nhà hàng thứ ba sẽ khai trương tại TP.HCM.

.
Ngoài kết nối giao thương, văn hoá Việt Nam – Nhật Bản, Công ty Hoàng Gia còn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác như: quản lý và hỗ trợ sản xuất công nghiệp, bất động sản công nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, xử lý môi trường… (Ảnh: Hồ Hạ)

“Đến nay đã là năm thứ 11 tôi được học tập, làm việc và hoạt động tại Nhật Bản và các đối tác người Nhật. Tempura là một trong những món ăn tôi yêu thích nhất và đã thưởng thức món ăn này rất nhiều lần, ở quán nhậu, quán ăn bình dân cho đến nhà hàng cao cấp. Tuy nhiên, không đâu ngon bằng nhà hàng chuyên biệt món Tempura của ông Kato tại chân núi Phú Sĩ đã có 20 năm tuổi.

Món Tempura ở đây là sự hòa quyện diệu vời của hương vị, độ ngọt của tôm, vị thanh của rau củ và nước chấm đậm đà, khác biệt hoàn toàn so với tempura ở những nơi khác. “Được trải nghiệm những điều tuyệt vời đó, không có lý do gì không đưa một món ăn trứ danh Nhật Bản về cho người Việt Nam thưởng thức. Nhất là khi chủ nhân thương hiệu tempura chuyên biệt, ông Kato lại cùng chung ý tưởng này. Bản thân ông cũng rất yêu thích con người và đất nước Việt Nam”, anh Cát chia sẻ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ như du lịch, nhà hàng bấp bênh, thậm chí có thời điểm đóng băng, nhưng Cát lại có suy nghĩ rất khác. “Khi Covid-19 khiến du lịch quốc tế đóng băng, không cần phải du lịch Nhật Bản, người Việt vẫn có thể trải nghiệm món ăn truyền thống của Nhật Bản sẽ là điều tuyệt vời. Nhiều người nói tôi đi ngược chiều, hay ngược xu hướng… nhưng tôi không ngại điều đó nếu nhìn thấy tương lai sáng lạn”, Cát chia sẻ.

Anh tin rằng đại dịch sẽ được kiểm soát và nhà đầu tư ẩm thực phải tính đường dài hàng chục năm chứ không phải tính toán thiệt hơn trong ngắn hạn. CEO tuổi Sửu nhấn mạnh: “Càng lúc khó khăn càng phải tỏa sáng như những chú đom đóm trong đêm để làm nên những giá trị đích thực và sự khác biệt”.

Để mang đến món Tempura đúng điệu với hương, sắc, vị, màu, mùi chuẩn bản vị, chạm đến trái tim thực khách, quá trình thi công, lắp đặt thiết bị cho nhà hàng được thực hiện rất công phu. Đơn cử, việc ốp gạch vào chân tường trong bếp phải làm lại đến lần thứ ba. Ngay cả nước dùng để rửa và nấu đồ ăn cũng phải trải qua nhiều lần xét nghiệm để đảm bảo không lẫn tạp chất nào. Nồi chiên phải nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản để đảm bảo nhiệt độ của dầu ăn khi rán.

.
CEO Hoàng Công Cát mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế hơn nữa trong tương lai.

Mong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế hơn

CEO Hoàng Công Cát nhận định, bức tranh ẩm thực ở Việt Nam đã tương đối phong phú và lần này chúng tôi mong muốn góp thêm một gam màu mới tươi sáng, khác biệt và sinh động hơn. Dự kiến trong 3 – 5 năm nữa, chuỗi nhà hàng tempura sẽ phủ khắp các thành phố lớn của Việt Nam và có thương hiệu vững mạnh.

Hiện nay, Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ rất sâu rộng. Thông qua ẩm thực, chúng tôi mong muốn tạo không gian giao lưu văn hóa giữa hai nước và xóa bỏ suy nghĩ của nhiều người Việt Nam rằng, đồ ăn Nhật Bản rất đắt đỏ. Chúng tôi sẽ mang đến cho thực khách dịch vụ chuyên nghiệp nhất, sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền của mọi người.

- CEO Hoàng Công Cát

“Chúng tôi không giữ bí quyết mà mong muốn nhượng quyền kinh doanh cho những nhà đầu tư có tiềm lực tại Việt Nam. Sau khi triển khai thành công tại Việt Nam, tôi và ông Kato có tham vọng phát triển chuỗi các nhà hàng Tempura ở các nước Đông Nam Á và Đông Á.

Giá trị cốt lõi của chuỗi nhà hàng Tempura chuyên biệt là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, dịch vụ cao cấp, chuyên nghiệp, hoàn hảo. Con người là trung tâm, tài sản lớn nhất của công ty nên sẽ liên tục được đào tạo để phát triển đội ngũ kế cận. Tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, thoải mái, gần gũi và gắn kết với tất cả các thành viên. Tạo không khí vui tươi giúp thực khách cảm giác thoải mái như ở nhà. Đề cao tính bền vững, sự chuyên nghiệp.

Triết lý kinh doanh của Tempura là luôn cải tiến và sáng tạo về cách thức nhưng phải giữ được hương vị thuần khiết của món ăn. Sự hài lòng của thực khách là thước đo của doanh nghiệp. Nỗ lực mang đến lợi ích cho khách hàng và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội. Thông qua sự chân thành, nhiệt tình để tạo niềm tin cho các đối tác, doanh nghiệp khác cùng phát triển hệ sinh thái chung vững mạnh.

CEO sinh năm 1985 cho hay: “Là người Việt Nam từng học tập, sinh sống ở Nhật Bản, sau đó về nước khởi nghiệp và đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản thì chúng tôi sẽ thuận lợi hơn. Bởi trước tiên, doanh nghiệp sẽ không bị sốc văn hóa, tránh bị trật đường ray. Đồng thời, tận dụng được những ưu đãi, thuận lợi nhà nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Ngoài kết nối giao thương, văn hoá Việt Nam – Nhật Bản, Công ty Hoàng Gia còn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác như: quản lý và hỗ trợ sản xuất công nghiệp, bất động sản công nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, xử lý môi trường…

Anh khẳng định, các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hiện khá tốt. Ở góc độ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vị CEO cũng nỗ lực và cố gắng để tận dụng tốt những chính sách này để phát triển và góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế chung của đất nước và đẩy mạnh hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

“Đối với doanh nghiệp, cơ chế của nhà nước và các thông tin về thị trường, xu thế kinh doanh là hai yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến hoạt động, sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế hơn nữa trong tương lai”, CEO Hoàng Công Cát bày tỏ.

Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.

Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.

Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.

Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?

Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: [email protected].
Doanh nhân Hồ Quốc Lực, CEO Thực phẩm Sao Ta: Thành công chỉ dành cho người nỗ lực siêng học, siêng làm
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đạt doanh số kỷ lục trong 24 năm hoạt động, với hơn 4.400 tỷ đồng. Ông Hồ Quốc Lực nói rằng, đó là kết quả của...
Bình luận bài viết này
  • linh.anhnguyen 11:04 | 12-03-2021
    Anh có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về mở hàng cho người nước ngoài tại Việt Nam không? Nếu có dự án mở nhà hàng cho người nước ngoài ở Việt Nam có tiềm năng, triển vọng, anh có sẵn sàng xem xét, hợp tác không? Xin cảm ơn và mong nhận được phản hồi.
  • Yamamoto 14:21 | 11-03-2021
    Những trăn trở, xoay xở để tìm được lối đi trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid 19 của bạn thật đáng khâm phục. Nhưng câu chuyện của bạn cũng cho thấy, trước khi trở về khởi nghiệp ở Việt Nam, bạn cũng đã có một thời gian lăn lộn ở Nhật Bản. Có lẽ đó là mô hình gợi ý cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, rằng cần thử thách một môi trường khác trước khi về VN?
  • Minh Ước 09:45 | 11-03-2021
    Trong khi các ngành nghề của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid, nhiều doanh nghiệp sợ không dám mở rộng kinh doanh nhưng bạn doanh nhân này vẫn mạo hiểm đầu tư vào thị trường ẩm thực. Rất đáng ghi nhận. Đúng là tuổi trẻ nghĩ vẫn khác. Chúc bạn thành công.
  • laiquangduy 09:38 | 11-03-2021
    Anh nói rất trúng vấn đề của khởi nghiệp ở Việt Nam. Chính sách hỗ trợ, định hướng hỗ trợ thì đã rất nhiều, nhưng cần thực tế hơn, đúng và sát thực tiễn hơn. Các Dn cũng cần mạnh dạn nói rõ, nêu rõ cái gì chưa đúng, chưa phù hợp để các nhà làm chính sách có thể điều chỉnh kịp thời. Ngược lại, các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý cũng cần lắng nghe Dn, tìm hiểu thực tiễn để có những chính sách hỗ trợ mà Dn thực sự cần, chứ không phải những chính sách nghe rất hay nhưng đều ở đâu đó, không phải trong đời sống, trong hoạt động của Dn. Dn chờ đợi những chuyển biến như thế.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư