Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
CEO Nguyễn Cảnh Bình: Tôi chỉ muốn đầu tư vào con người
Thanh Hương - 13/10/2020 21:24
 
Nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ vì sự phát triển bền vững của quốc gia là điều mà Viện Lãnh đạo ABG đang hướng tới.

Nuôi dưỡng các tài năng và mầm non trong bầu đất mà mình vun trồng, nhằm góp phần đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ học, mà còn hành, qua đó thay đổi được tư duy của nhiều người, của nền giáo dục và rồi tạo ra sự lan tỏa, giúp cho xã hội tốt lên là điều mà Viện Lãnh đạo ABG đang cần mẫn thực hiện. 

Nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ vì sự phát triển bền vững của quốc gia là điều ABG đang hướng tới.
Nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ vì sự phát triển bền vững của quốc gia là điều ABG đang hướng tới.

Chuyện của Cường

Nấu ăn, dinh dưỡng là lĩnh vực khác biệt hoàn toàn với Hoàng Quang Cường sau nhiều năm làm kỹ sư cầu đường. Quyết định chia tay với xây dựng và khởi nghiệp vào năm 2016 với việc giới thiệu cho các bố mẹ cách để cho con ăn dặm và tập hợp phương pháp riêng khi đã 30 tuổi, Cường nhanh chóng có được những thành tựu của riêng mình ngay trong năm 2017 - 2018.

Fanpage Ăn dặm 3in1 chia sẻ phương pháp ăn dặm do đầu bếp Hoàng Cường nghiên cứu kết hợp cả 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay là ăn dặm truyền thống - ăn dặm kiểu Nhật - ăn dặm bé chỉ huy, nhanh chóng đạt tới con số 165.000 người theo dõi.

“Ban đầu mọi người đến với mình để tìm một sản phẩm bán hàng và cũng dễ bán, nhưng khi quy mô tăng lên, cần thêm người thì phát sinh các vấn đề như quản lý nhân sự, tài chính, quản trị và định hướng lâu dài. Điều này làm mình khủng hoảng một thời gian”, Cường chia sẻ.

Khi chạm tới đáy của khủng hoảng và chỉ còn lại 1 nhân viên, trong khi trước đó có cả 10 chuyên gia và làm tất cả các mảng về trẻ em như ăn dặm, sữa mẹ, shop mẹ và bé... khiến Cường nhận ra ngoài chuyên môn phải có các kiến thức về quản trị, nên bắt đầu theo đuổi những khóa học liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Nhờ bổ sung kiến thức, kỹ năng kịp thời để khắc phục các nhược điểm, doanh nghiệp của Cường đã vượt qua khó khăn và lớn thêm.

Tuy nhiên, bộ máy càng lớn thì càng tiếp tục phải quản trị nhiều, khiến Cường lại mày mò đi tìm giải pháp. “Mình tình cờ biết khóa học lãnh đạo của ABG nên đã đăng ký. Lúc đầu chỉ đơn giản nghĩ là khóa học dạy kỹ năng lãnh đạo, nhưng sau 3 vòng phỏng vấn mình nhận ra, đây không phải là giúp học các kỹ năng. Từ khóa ở đây là kết nối với nhiều bạn khóa trước, các Mento (người hướng dẫn), các chuyên gia... giúp có nhiều kiến thức, mối quan hệ, kinh nghiệm của họ và có lời giải đáp cho các thắc mắc của mình. So ra, nó tuyệt vời hơn với ngồi học về các kỹ năng quản trị rất nhiều.

Hiện nay, team của Cường có gần 20 nhân viên đầy đủ các bộ phận từ marketing tới media, sản xuất, shop, có studio lẫn đào tạo. “Doanh nghiệp hoạt động một thời gian sẽ phải nghĩ đến sứ mệnh, tầm nhìn, nên mình muốn tìm những ai có sứ mệnh, tầm nhìn để cùng làm và mong có thể tìm được những mento để đi lâu hơn, xa hơn”, là chia sẻ của Cường trong lễ khai giảng khóa 6 của ABG mới đây.

Chuyện của Hoài

Tết năm 2017, bánh chưng Nương Bắc đã gây ra sự chú ý trên thị trường ẩm thực khi nâng tầm một mặt hàng quen thuộc như bánh chưng lên thành quà tặng sang chảnh dịp Tết. Đã vậy, mỗi cặp bánh chưng Nương Bắc có giá tới gần 600.000 đồng - số tiền đủ để mua cả chục chiếc bánh chưng truyền thống khác.

.
CEO Nguyễn Cảnh Bình.

Thế nhưng, cả ngàn chiếc bánh sang chảnh đã được bán sạch chỉ trong vòng 10 ngày. Chỉ một năm sau, số lượng người đặt hàng đã tăng gấp đôi, và đến Tết Nguyên đán 2019, hơn 4.000 hộp bánh chưng cao cấp với mức giá 600.000 đồng đến 1 triệu đồng và khoảng 16.000 chiếc bánh bình dân từ 60.000 - 200.000 đồng đã được bán ra.

Sau bánh chưng, bánh gio, xôi, quẩy, rồi bánh Trung thu cũng được Nguyễn Thu Hoài đưa vào sự nghiệp kinh doanh của mình. 

Năm 2020 được Hoài coi là đặc biệt khi có quá nhiều sự thay đổi đang diễn ra bởi dịch bệnh, khiến các doanh nghiệp chao đảo bởi sự sàng lọc nghiệt ngã.

“Cô giám đốc nửa mùa” như Hoài tự nhận, cũng đã từng rất lo lắng rằng mình sẽ chẳng trụ lại nổi. “Nếu là câu chuyện của cá nhân thôi thì chẳng có gì phải nói, nhưng đa số nhân sự làm cùng tôi lại là người thân. Cái cảm giác mà khi họ đã bỏ mọi thứ để lăn xả cùng tôi, nhưng một lúc nào đó tương lai của họ lại bị đe dọa, còn tôi thì hoang mang lo lắng... là một cảm giác bất lực không thể diễn tả bằng ngôn từ nào”, Hoài kể.

Có mặt tại lễ khai giảng ABG khóa 6, Hoài cho biết, cô muốn đi học tiếp và cảm thấy hứng thú khi được những người bạn đã từng tham gia các khóa học của ABG chia sẻ về điều có được khi gia nhập gia đình ABG.

“Tôi rất hứng thú khi biết khóa học sẽ nói về các vấn đề chính trị, thượng tầng - điều mà các khóa học về quản trị, kỹ năng kinh doanh từng tham gia chưa bao giờ nhắc tới. Tiếng là xa lạ với những món ăn mình kinh doanh, nhưng tôi lại nhận thấy các kiến thức này cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược phát triển của mình trong tương lai”, cô cựu sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ trong sự tiếc nuối vì không kịp nộp hồ sơ đăng ký để có cơ hội bước vào ngôi nhà ABG dịp này.

Chuyện của Bách

Là Giám đốc của Asia Lion, chuyên về dịch vụ marketing cho du lịch và xuất khẩu, đặc biệt nhắm tới thị trường quốc tế, Nguyễn Cường Bách cũng là người sáng lập ra Journey On Air, một trang web địa phương và du lịch đang được quảng bá với 8 thứ tiếng nhằm cập nhật những hình ảnh chân thực, những thước phim sống động và những thông tin đầy đủ nhất về điểm đến, văn hóa, con người Việt Nam để thu hút khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam trong tương lai.

Trước xu thế chuyển dịch số hóa tăng lên, khi hiện giờ có tới 66% khách đi du lịch book online và chỉ có 24,3% còn book qua các đại lý du lịch, điều Bách muốn mang tới cho cộng đồng làm du lịch Việt Nam là những kiến thức mới về marketing, số hóa, tạo dựng network lâu dài, hướng dẫn người dân địa phương làm du lịch cộng đồng và bán hàng… như những vũ khí cần thiết cho giai đoạn phục hồi của du lịch trong tương lai trong giai đoạn công nghệ không tránh đâu được.

“Việt Nam không thiếu sản phẩm tốt có thể xuất khẩu cạnh tranh với nước ngoài. Có tiếc là mảng thương mại, xúc tiến còn quá yếu. Dân mình còn quá sính Tây, sợ ngoại ngữ và nhút nhát trên trường quốc tế”, Bách chia sẻ về những điều mình đang nỗ lực làm cho cộng đồng với phương châm vì một Việt Nam tươi đẹp và tỏa sáng hơn, điều mà Bách đã học được từ ABG trong khóa 5 được tổ chức đúng giai đoạn Covid-19 hồi đầu năm.

Tinh thần lãnh đạo, truyền cảm hứng cho nhân viên và những người xung quanh hay cộng đồng hơn 2.000 thành viên để cùng tổ chức, cùng tham gia giải quyết vấn đề chung của ngành ở Bách đã khiến nhiều thành viên không còn “giấu nghề, giấu mánh” để kiếm thị trường riêng cho mình. Thay vào đó là sự chia sẻ, cùng muốn phát triển sâu hơn nữa và cạnh tranh được với thế giới.

Dù đã học chính trị - kinh tế ở Học viện Ngoại giao, nhưng vào ABG, Bách cũng nhận thấy phần kiến thức mình đang hụt hẫng chính là chính trị và kiến thức hàn lâm. “Dù không dùng được trong ngắn hạn, nhưng lại ảnh hưởng đến đường đi dài lâu của doanh nghiệp. Giờ là chủ doanh nghiệp rồi thì phải nhìn dài và xa hơn 3-6 năm nữa để còn đầu tư, vì tiền không phải lúc nào cũng sẵn”, Bách chia sẻ. 

Chuyện của ABG

Nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ vì sự phát triển bền vững của quốc gia là điều mà ABG đang hướng tới.

Chúng tôi chọn câu nói của Cicero “Non nobis solum nati sumus” (chúng ta sinh ra không chỉ vì mình) làm slogan cho ABG.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Nhà sáng lập Viện Lãnh đạo ABG

“Thế hệ trẻ ngày nay có kiến thức tốt, cùng với không gian phát triển rất rộng về tính cách, tri thức, ước mơ và sự nghiệp. Quan niệm của họ về cuộc sống, công việc, bạn bè, gia đình, sự nghiệp… cũng rộng mở. Nếu thế hệ chúng tôi hầu hết đều lo toan và bận rộn với các công cuộc mưu sinh, kiếm tiền, thì giới trẻ giờ đây có nhiều ước mơ hơn, cả không gian sống đã được mở ra cả về chiều rộng và chiều sâu”, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, người sáng lập Viện Lãnh đạo ABG (ABG Leadership Institute) - một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận với mục tiêu kết nối và phát triển các nhà lãnh đạo trẻ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam chia sẻ.

Truyền cảm hứng để các bạn trẻ hiểu, đích của học vấn không chỉ là câu chuyện điểm số. Tính cách, nghị lực, tư duy, đạo đức, sự kiên cường quan trọng hơn nhiều, điều mà ông Bình mong muốn là hướng giới trẻ đến những điều lớn lao, chú ý đến các vấn đề quốc gia dân tộc hay địa phương, cộng đồng nhiều hơn là những mơ ước cho cá nhân.

Ngoài tố chất lãnh đạo, học viên của ABG cũng sẽ được tiếp xúc thường xuyên với những người giỏi của thế hệ trước, được nghe và hiểu những thành công và thất bại, những rảo cản, hạn chế... của những người đi trước.

Không chỉ được học kiến thức chuyên môn, các học viên còn được đào tạo và giúp đỡ để có kiến thức rất rộng với cả những môn tưởng như xa lạ với cuộc sống bình thường, như văn hóa, lịch sử, địa lý, ngoại giao, nhà nước, thế giới. Thậm chí, học viên phải thực hiện cả yêu cầu rèn luyện sức khỏe, ý chí, sức chịu đựng như việc chạy bộ, leo núi và đi đường trường tới 50 km theo nhóm. 

Ước muốn ABG sẽ vận hành giống như nhiều tổ chức giáo dục có ý nghĩa khác trên thế giới như Đại học Harvard hay Học viện Matsushita, những người tham gia đóng góp cho Viện được xác định không phải để kiếm tìm lợi nhuận ở đây, cũng khiến ABG trung thành với nguyên tắc, học viên phải đóng một khoản học phí nhất định để có trách nhiệm với chính mình.

“Tôi ước ao Việt Nam sẽ tạo ra nhiều không gian, môi trường, cách thức để giúp cho những những nhà lãnh đạo trẻ có cơ hội phát triển toàn diện, thực hiện được những điều lớn lao, có ý nghĩa với xã hội. Khi xã hội có nhiều người giỏi hơn nữa cùng hội tụ, hỗ trợ lẫn nhau thì đất nước sẽ ngày càng tiến bộ và phát triển”, ông Bình chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư