Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
CEO, nhà sáng lập Delta X Đoàn Hồng Trung: Theo đuổi sứ mệnh sản xuất robot “made in Việt Nam”
Nhung Bùi - 01/02/2024 09:42
 
Từng được đề nghị mua lại công ty với giá 5 triệu USD, nhưng Đoàn Hồng Trung vẫn từ chối để theo đuổi ước mơ sản xuất thương hiệu robot của riêng Việt Nam.
Trải qua 5 năm phát triển, Delta X đã cho ra đời 3 mẫu robot Delta made in Vietnam, trong đó doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới bán hàng.
Trải qua 5 năm phát triển, Delta X đã cho ra đời 3 mẫu robot Delta made in Vietnam, trong đó doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới bán hàng.

Robot công nghiệp giá hợp lý nhất thế giới

“Chúng tôi vẫn còn sống”, nhà sáng lập Đoàn Hồng Trung đã viết như vậy trên bài đăng gần đây của website Delta X, xuất bản vào cuối tháng 9/2023. Đây cũng là thời điểm Delta X công bố mẫu robot công nghiệp phiên bản thứ 3 với tên gọi Delta X S, được cải tiến đáng kể so với hai phiên bản robot trước đó.

Robot Delta là thuật ngữ để chỉ loại robot gồm 3 cánh tay được nối với các khớp quay ở bệ cố định, thường sử dụng trong công việc gắp thả và đóng gói trong nhà máy vì chúng di chuyển rất nhanh. Trên thế giới, robot Delta đã xuất hiện khoảng vài chục năm trước, tuy nhiên, nhược điểm là giá thành khá cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện trang bị.

Nhà sáng lập sinh năm 1995 cho biết, trung bình một cánh tay robot Delta của thế giới được bán với giá 25.000 USD, các mẫu rẻ hơn từ Trung Quốc cũng có giá khoảng 15.000 USD. Đây chính là cơ hội cho các mẫu robot của Đoàn Hồng Trung vươn lên cạnh tranh, khi giá thành ước tính rẻ hơn 3-10 lần so với đối thủ quốc tế, mà hiệu suất tương đương 60-80%.

Trải qua 5 năm phát triển, Delta X đã cho ra đời 3 mẫu robot Delta “made in Vietnam”, trong đó doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất, cho tới bán hàng.

Mẫu đầu tiên, Delta X1, được thiết kế với mã nguồn mở và cũng là mẫu đơn giản nhất, phù hợp cho hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên hoặc dùng trong các phòng thí nghiệm. Mẫu thứ 2, Delta X2, được cải thiện so với mẫu 1, nên có thể sử dụng trong các dây chuyền sản xuất nhỏ.

Trải qua 5 năm phát triển, Delta X đã cho ra đời 3 mẫu robot Delta made in Vietnam, trong đó doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới bán hàng.

Hiện đại nhất là mẫu robot công nghiệp Delta X S, với khả năng đảm nhiệm các công việc đòi hỏi tốc độ, độ chính xác cao, đồng thời chịu được các yếu tố môi trường không thuận lợi như nhiễu điện từ, nguồn điện không ổn định, nóng, lạnh, nước, bụi… Vì vậy, Delta X S có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cụ thể như đóng gói thực phẩm, linh kiện điện tử, phân loại rác thải, phân loại nông sản dựa theo chất lượng, kích thước…, từ đó cải thiện năng suất đáng kể so với sức người.

Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất tổ yến, công nhân nhặt lông từ tổ yến thô bằng tay (dùng nhíp) thì 1 giờ được 100 gram và ngày làm 8 giờ. Trong khi đó, robot Trung Quốc nhặt nhanh gấp đôi nhặt thủ công, độ sạch đạt 70-80%, nhưng giá lên tới hơn 25.000 USD. Còn robot Delta X S hiện có thể nhặt sạch 90-95%, mà giá chỉ 7.000 USD và tốc độ nhanh hơn robot Trung Quốc 30%.

“Tôi khẳng định, robot Delta công nghiệp do chúng tôi sản xuất có giá cả hợp lý nhất trên thế giới”, Đoàn Hồng Trung nói, đồng thời tiết lộ, đội ngũ Delta X cũng phát triển các phần mềm trí tuệ nhân tạo cho robot hoạt động và tùy chỉnh theo nhu cầu khách hàng. Nhờ vậy, sản phẩm duy trì được độ cạnh tranh, thay vì phải đặt mua phần mềm từ bên ngoài với mức giá cộng thêm có thể lên tới 4.000 USD/robot. 

Đau đáu với sứ mệnh làm robot “made in Việt Nam”

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, CEO Đoàn Hồng Trung cho biết, mình đam mê robot từ nhỏ. Sau này lớn lên, đôi khi bận rộn khiến Trung quên mất đam mê đó. Tình cờ một lần xem bộ phim “Ba chàng ngốc” của Ấn Độ, nhà sáng lập nhận ra niềm đam mê với robot vẫn còn nguyên, trở thành ngọn hải đăng thôi thúc anh tiến về phía trước.

Vậy nên, ngay từ những ngày tháng còn là sinh viên năm thứ nhất ngành cơ điện tử (Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng), Trung đã tiết kiệm tiền để mua linh kiện, thiết bị về học tập, nghiên cứu. Sang đến năm thứ 3, Trung kết hợp với một số người bạn thành lập đội thi tham gia Robocon - Cuộc thi chế tạo robot dành cho sinh viên các trường đại học. Bước ra từ cuộc thi, họ tiếp tục nghiên cứu các dự án tiềm năng trong mảng robot, để rồi chọn một dự án khả thi nhất và cùng nhau phát triển mạnh hơn, chính là robot Delta.

“Nhiều người nói, Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít. Vậy nên, mong muốn ngay từ những ngày đầu của chúng tôi là tạo ra một công ty robot “made in Việt Nam”, từ đó góp phần nâng cao nền tự động hóa của đất nước”, nhà sáng lập nhấn mạnh.

Thành lập từ năm 2019 với 70 triệu đồng và 4 thành viên tham gia, Delta X trải qua những ngày tháng vô cùng gian nan: thiếu vốn, thiếu sự tin tưởng của người thân, cộng đồng, thiếu kiến thức kinh doanh, không được giới khởi nghiệp đánh giá cao… Nhưng bù lại, start-up may mắn nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đến nay, các mẫu robot của thương hiệu Việt đã có mặt tại 45 quốc gia trên thế giới.

Trung tiết lộ, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt chưa đánh giá cao mô hình của anh, thì có những khách hàng nước ngoài sẵn sàng trải nghiệm các mẫu robot của một thương hiệu mới như Delta X, sau đó lại chân thành góp ý với start-up về vấn đề cần khắc phục. Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19, chuỗi logistics toàn cầu bị đứt gãy khiến Delta X không thể bán hàng ra nước ngoài, đồng nghĩa không có doanh thu. Vậy nhưng, nhiều khách quốc tế sẵn sàng chuyển tiền trước để start-up đủ sức duy trì hoạt động. “Đó là lý do dù không chạy marketing, không nhận đầu tư, nhưng chúng tôi vẫn sống sót qua 5 năm”, nhà sáng lập chia sẻ.

Thực tế, nếu không kiên trì đến mức cực đoan với giấc mơ làm robot hoàn toàn “made in Việt Nam”, chặng đường khởi nghiệp của Trung sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Từ 2 năm trước, anh đã nhận được nhiều lời đề nghị xây nhà máy tại Mỹ, châu Âu, song Trung đều từ chối. Sau này, cũng có nhà đầu tư trong nước đồng ý rót vốn, với điều kiện Trung chuyển phần sản xuất sang Trung Quốc để tối ưu hóa lợi nhuận và hiệu quả, doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào thiết kế sản phẩm và bán hàng. “Nếu làm vậy, chỉ 1 năm sau, đối tác nắm được công nghệ, họ sẽ sản xuất hàng loạt”, Trung giải thích lý do cho lần từ chối nhận vốn đó.

Hấp dẫn nhất có lẽ là lời đề nghị mua lại start-up với giá 5 triệu USD của một công ty robot Hà Lan. Nếu đồng ý, nhà sáng lập 9x hoàn toàn có thể thu về cả trăm tỷ đồng khi chưa đầy 30 tuổi. Nhưng rồi Trung vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, bởi theo anh, “start-up không phải chỉ dừng ở sản phẩm, mô hình kinh doanh, mà phải thực hiện một sứ mệnh dài 10 - 20 năm”.

Trên hành trình đó, đội ngũ Delta X vẫn chắt chiu từng đồng doanh thu, dần phát triển sản phẩm và mở rộng nhà xưởng. Từ căn phòng trọ chật hẹp, họ đã xây dựng nhà xưởng riêng tại Đà Nẵng với diện tích 700 m2. Nếu nhiều start-up đối diện với vấn đề tìm kiếm đơn hàng, thì ngược lại, ở Delta X, lượng đơn hàng đang vượt quá khả năng sản xuất. Năm 2024 là năm Delta X cố gắng sản xuất hàng loạt để sẵn sàng chuyển hàng đi ngay khi có đơn, thay vì đợi khách hàng đặt cọc trước rồi mới tiến hành sản xuất như hiện nay.

“Bao nhiêu lợi nhuận bán robot đều đem tái đầu tư hết, nên vốn lưu động gần như không đáng kể. Chúng tôi vẫn mong tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp, còn nếu không, doanh nghiệp sẽ tự xoay vòng vốn, mở rộng dần dần, kiểu gì cũng đến đích”, CEO Đoàn Hồng Trung tin tưởng.

Doanh nhân Hồ Nguyễn Kim Sỹ, nhà sáng lập thương hiệu YSG: Không ngừng nỗ lực để chinh phục ước mơ
Hướng đến mục tiêu đưa thời trang doanh nhân Việt Nam ra thế giới, Hồ Nguyễn Kim Sỹ dành toàn bộ tâm huyết để sáng tạo, thiết kế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư