Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CEO Viettel Lê Đăng Dũng: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel phải nhanh chóng trở thành số 1 về thanh toán số
P.V - 26/06/2019 14:57
 
Ngày 26/6, tại Lễ ra mắt Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Tổng Công ty thành viên thứ 8 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch - Tổng Gián đốc Viettel yêu cầu Tổng Công ty Dịch vụ số phải đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành doanh nghiệp số 1 về thanh toán số bởi vì "chỉ có số 1 mới đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của Tổng Công ty và của Viettel".

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch - Tổng Giám đốc Viettel cho biết, việc thành lập Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel thêm một lần nữa khẳng định  bước đi mạnh mẽ của Viettel trong chiến lược chuyển đổi số, quyết tâm chuyển mình từ một nhà khai thác viễn thông truyền thống trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Đồng thời đây tiếp tục là hành động của Viettel nhằm thực hiện hoá tầm nhìn mà Viettel đã đặt ra là đưa viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng số len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Cùng với việc xây dựng hạ tầng viễn thông rộng khắp, phủ sóng xấp xỉ 100% dân số Việt Nam, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để triển khai kết nối vạn vật, đầu tư các platform về Cloud, Big data, AI, triển khai hệ thống an ninh mạng, tạo nền tảng quan trọng cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Viettel cũng đã hoàn thiện hệ sinh thái của mình trên con đường tiên phong kiến tạo xã hội số. Theo đó, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp VT (VTS) cung cấp các giải pháp quản trị số cho doanh nghiệp và Chính phủ. Tổng Công ty Bưu chính Viettel (VT Post) cung cấp các dịch vụ logistic công nghệ. Công ty Viettel Media cung cấp các dịch vụ nội dung số. Công ty An ninh mạng cung cấp các giải pháp an ninh mạng, an toàn thông tin.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch - Tổng Giám đốc Viettel
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch - Tổng giám đốc Viettel phát biểu tại lễ ra mắt Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel.

Theo ông Dũng, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel nhằm cung cấp các giải pháp quan trọng nhất cho toàn bộ hệ sinh thái số là: thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, tiến tới thương mại điện tử trên nền thanh toán số. Thanh toán số (với hạt nhân là mobile money) được coi là nền tảng quyết định để kiến trúc nền kinh tế số, là cơ sở để bùng nổ các dịch vụ số khác.

"Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel là mảnh ghép hoàn thiện cho hệ sinh thái số của Viettel, đóng vai trò then chốt trong chiến lược chuyển đổi số Viettel cũng như công cuộc xây dựng kinh tế số Việt nam", ông Dũng đánh giá

Trên thực tế, vai trò của thanh toán số đã được Viettel đánh giá đặc biệt quan trọng và nghiên cứu từ 10 năm trước. Năm 2009, Viettel đã có một đội ngũ nghiên cứu giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt qua mạng di động. Sản phẩm thanh toán số của Viettel là BankPlus và Viettel Pay liên tục được cải tiến và giành được các giải thưởng trong nước và quốc tế. Sau 10 năm nghiên cứu, triển khai thử nghiệm hợp tác với các ngân hàng tại Việt Nam, Viettel đã triển khai kinh doanh dịch vụ ví điện tử tại 9 quốc gia trên thế giới. 

Theo phân tích của ông Dũng, nếu lưu thông tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế, thì thanh toán số là mạch máu của nền kinh tế số. Công cụ thanh toán phổ cập tới đâu, dịch vụ số sẽ phát triển đến đó và trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội. Nếu mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, đều có thể mua sắm, chuyển tiền thì  sẽ kích thích nền kinh tế tăng trưởng. 

"Người đứng đầu Chính phủ đã từng mong mỏi, “chúng ta cần nhanh chóng triển khai thanh toán điện tử để chống tiêu cực, tạo thuận tiện cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa”. Với số lượng điện thoại di động ở Việt Nam hiện đã đạt hơn 100% dân số thì việc triển khai Mobile money có thể thực hiện nhanh chóng trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ thị trường bị công ty nước ngoài chiếm lĩnh, sớm thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra", ông Dũng nói.

Trích dẫn lời nói của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân”, ông Dũng cho rằng, Mobile money sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội của người dân Việt Nam. Và chắc chắn đây cũng là chất xúc tác làm bùng nổ các công ty khởi nghiệp số.

"Và với vai trò là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có vai trò dẫn dắt trong ngành viễn thông, CNTT, Viettel nhận trách nhiệm tiên phong phát triển và tạo dựng niềm tin với Chính phủ, với xã hội về thanh toán số. Đây cũng là lời hứa, lời cam kết của Viettel trước căn dặn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của Tập đoàn: thực hiện tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào chuyển đổi số doanh nghiệp và xã hội", ông Dũng phát biểu.

Chúng ta đều biết rằng làn sóng công nghệ là cơ hội cho một doanh nghiệp bứt phá, phát triển bùng nổ, nhưng cũng có thể nhấn chìm bất cứ ai không sẵn sàng, không đón nhận. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp cũng là cơ hội và thách thức đối với đất nước. Chuyển đổi số toàn diện chính là cơ hội để Việt nam thu hẹp khoảng cách với thế giới tiên tiến.

 Nếu Viettel là đơn vị tiên phong trong kiến tạo xã hội số, thì Tổng Công ty Dịch vụ số chính là nguồn sinh lực để Viettel hoàn thành sứ mệnh tiên phong của mình.

Tại Lễ ra mắt, ông Dũng cho rằng,  phải là một công ty công nghệ, do đó, nền tảng công nghệ cho thanh toán số là yếu tố sống còn của Tổng Công ty, mọi hoạt động của Tổng Công ty đều phải dựa trên nền tảng đó, kể cả marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng. Cỗ máy đó phải hoạt động chính xác, bền vững, nhưng vẫn linh hoạt để đa dạng sản phẩm, phải luôn được cập nhật với các công nghệ tiên tiến nhất. Ít nhất 30% quân số của Tổng Công ty là những chuyên gia CNTT trình độ cao.

Tổng Công ty Dịch vụ số  là một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, do đó cần phải giỏi về nghiệp vụ, vững về pháp lý, mạnh về bảo mật. Tuyệt đối đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. 

Mặt khách, hiện tại cả tỉ lệ điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh của điện thoại tại VN vẫn còn thua kém các nước trong khu vực. Chính Tổng Công ty Dịch vụ số  sẽ là nhân tố khai phá Smart phone và thúc đẩy toàn bộ người dân VN dùng Smart phone. Các giải pháp thanh toán số của Viettel phải ĐƠN GIẢN – TIỆN LỢI – AN TOÀN – BẢO MẬT.

Ông Dũng cũng yêu cầu Tổng Công ty Dịch vụ số phải đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành doanh nghiệp số 1 về thanh toán số bởi vì chỉ có số 1 mới đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của Tổng Công ty và của Viettel.

 "Khi nói về App Store – dịch vụ chợ ứng dụng đầu tiên trên thế giới, vị Chủ tịch quá cố của hãng Apple, Steve Jobs đã khẳng định: “Hãy cho họ một công cụ, họ sẽ làm nên những điều tuyệt vời”. Niềm tin vào con người đó đã đem lại cho Apple hàng trăm tỷ đô la hàng năm. Chúng ta đã có mục tiêu xác định. Chúng ta cũng đã có chiến lược tường minh. Chúng ta đã có trong tay công cụ, bây giờ, chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào những con người của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel sẽ làm cho các ứng dụng số bùng nổ, giúp Việt Nam hùng cường trong thời đại CMCN 4.0. Viettel đã sẵn sàng, nhưng chúng tôi cũng rất cần Chính phủ nhanh chóng cấp phép Mobile money, nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để chúng tôi hiện thực hoá được lời hứa của mình", ông Dũng nói

Với mục tiêu “Khởi nguồn cuộc sống số”, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel được xác định là một công ty công nghệ tập trung trong ba lĩnh vực chính bao gồm Lĩnh vực Tài chính số: kiện toàn hệ sinh thái và ngân hàng số ViettelPay, triển khai thí điểm Mobile Money; Lĩnh vực dịch vụ dữ liệu: tập trung các lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, quảng cáo; Lĩnh vực thương mại điện tử.

Từ nay tới 2025, Tổng Công ty đặt hai mục tiêu trọng tâm lớn: Có 26 triệu khách hàng trên hệ sinh thái; phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ.

Thủ tướng đồng ý thí điểm mobile money
Trong phần phát biểu kết luận Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 15/1/2019, Thủ tướng Nguyễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư