Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Chấm dứt kiểu ngân hàng “hàng xấu, giá cao”
Hà Tâm - 06/09/2017 09:03
 
Tình trạng ngân hàng yếu, giá cao sẽ không còn diễn ra, bởi việc bưng bít thông tin tài chính, “lừa” nhà đầu tư sẽ chấm dứt.

Ngân hàng yếu được bán giá hời?

Sau 3 năm được phê duyệt phương án tự tái cơ cấu, một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội vẫn đang chật vật tìm cách tồn tại trên thị trường. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, nhóm cổ đông mới khi tiếp nhận lại ngân hàng này từ nhóm cổ đông cũ với giá không hề rẻ đã bị sốc khi phát hiện ra khoản nợ xấu khoảng 4.000 tỷ đồng (nghi là sân sau của nhóm cổ đông cũ) không nằm trong hồ sơ. Khoản nợ xấu này phát sinh ngay trong thời điểm hai bên đang hoàn tất thủ tục mua bán, nên chưa được ghi nhận vào báo cáo và bên mua không hề biết.

.
.

Câu chuyện tương tự từng xảy ra với ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh khi bỏ hơn 4.000 tỷ đồng mua lại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) của nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn - một ngân hàng âm vốn, lỗ hơn 6.000 tỷ đồng. Một trong những lý do khiến ông chủ Thiên Thanh sa lầy ở ngân hàng này là TrustBank (sau đổi tên là VNCB), giống như đa phần ngân hàng nhỏ thời điểm đó, không công khai, minh bạch tình hình tài chính. Trả lời trước tòa trong đại án VNCB, ông Danh từng cay đắng nói: “Tôi bị lừa”.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các ngân hàng quá yếu kém vẫn trở thành một món hàng trên thị trường mà không có cảnh báo cho nhà đầu tư mới? Theo kết luận thanh tra việc thực  hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được Thanh tra chính phủ công bố, thì công tác thanh tra, giám sát của NHNN thời gian qua còn nhiều bất cập.

NHNN khẳng định, thời gian tới, sẽ nâng cao khả năng cảnh báo sớm với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, chất lượng thanh tra, giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN chưa cao. Một số tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm, nhưng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý ngăn chặn. Chất lượng giám sát từ xa chưa cao trong việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng, chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống…

Từng bước siết chặt

Không phải ngẫu nhiên mà tuần qua, NHNN ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, phải đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của mình như thực trạng (tồn tại và hạn chế), mục tiêu cơ cấu lại, các giải pháp xử lý nợ xấu và tái cơ cấu… 

Có thể thấy, trong hơn một năm qua, NHNN đang dần từng bước siết lại đánh giá tình trạng vốn thực của các ngân hàng, bao gồm tài sản nợ, tài sản có, chất lượng tài sản, các tỷ lệ an toàn hoạt động… Động thái này được coi là chuẩn bị tiền đề để ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình tái cơ cấu, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém cùng xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng: Chúng ta có những bài học quan trọn ng tái cơ cấu giai đoạn vừa qua. Hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã bước vào giai đoạn II với bối cảnh khác, đòi hỏi phải xử lý triệt để sở hữu chéo ngân hàng, đảm bảo vốn của ngân hàng là vốn thực có, chứ không phải vốn ảo.

NHNN thừa nhận, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng thời gian qua bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đặc biệt, khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế và khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. 

Tuy vậy, điều đáng mừng là, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đang được NHNN cải tổ. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2017, NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Cơ quan này cũng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện để ban hành các quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

NHNN khẳng định, thời gian tới, cơ quan này sẽ nâng cao khả năng cảnh báo sớm với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, tới đây, nếu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua, với các quy định về chống sở hữu chéo, cổ đông lớn thao túng, thì việc giám sát xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, nhất là xử lý ngân hàng yếu kém sẽ triệt để và minh bạch hơn. Tình trạng ngân hàng yếu, giá cao sẽ không còn tồn tại, thậm chí các ngân hàng này sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Cần nhanh, mạnh hơn trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu
Trong quá trình tái cơ cấu có thể thấy, xử lý nợ xấu là một bước đột phá, là xuất phát điểm có ý nghĩa thực tiễn, làm khởi động và tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư