Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chặn buôn lậu vào Thủ đô: “Sóng ngầm” từ những cửa khẩu
Hạnh Quỳnh (vietnam+) - 05/01/2016 14:20
 
Nhưng trong sự tấp nập đó là những “sóng ngầm” bởi thời điểm này chính là mùa cao điểm làm ăn của giới buôn lậu dịp Tết Nguyên đán.
Hơn 7 tấn mỹ phẩm và hương liệu phụ gia thực phẩm nhập lậu bị đoàn liên ngành thu giữ tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Nỗi lo ở nhà ga mới

Từ khi Nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 đến nay, gần 4 vạn chuyến bay với xấp xỉ 5 triệu lượt hành khách đã thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh tại nhà ga hiện đại này.

Với diện tích sàn hơn 139.000m2 được lắp đặt hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, tiêu chuẩn quốc tế, công suất 10 triệu hành khách/năm, khả năng mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm, Nhà ga T2 đã góp phần giảm tải cho Nhà ga T1 để nhà ga quốc nội này tập trung phục vụ các chuyến bay nội địa.

Theo ông Trần Lương Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội), sau tự hào về một nhà ga hiện đại nhất Việt Nam và khu vực với cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ soi chiếu tân tiến giúp lực lượng hải quan giám sát các chuyến bay, đảm bảo an toàn, kịp thời phát hiện hành vi phạm pháp luật cũng như sự thông thoáng, thuận lợi trong làm thủ tục hải quan là bao nỗi lo, áp lực đè nặng.

Hiện nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh vốn đã tăng cao và sau 4 năm nữa, theo tính toán dự kiến có thể tăng đột biến gấp 2 đến 3 lần so với trước.

"Đến năm 2020, vào giờ cao điểm có thể lên tới 3.000 hành khách/giờ, số chuyến bay xuất nhập cảnh là 75.400 chuyến bay/năm, cao điểm là 23 chuyến bay/giờ. Khối lượng làm thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa, hành khách là rất nặng nề. Không nói cũng thấy rõ nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu", ông Trần Lương Bắc lo ngại.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì mới đây, hàng loạt các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm đã bị phát hiện, bắt giữ tại Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài; trong đó, chiều 16/4/2015, Hải quan Nội Bài phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 65,42 kg ngà voi và sừng tê giác trên chuyến bay số VN 18, từ Pháp về Hà Nội.

Theo đánh giá của lực lượng chống buôn lậu, vụ vận chuyển hàng cấm này cho thấy đang có những diễn biến phức tạp với các thủ đoạn buôn lậu mới của các đối tượng tội phạm. Bởi thay vì “cung đường truyền thống" cho mặt hàng này là từ châu Phi về nội địa thì đối tượng vận chuyển từ Pháp về Hà Nội.

Nhiều hình thức tinh vi

Không chỉ tuồn vào nội địa qua tuyến đường hàng không, lợi dụng đặc thù của tuyến đường bưu điện-chuyển phát nhanh, thời gian gần đây, các đối tượng vi phạm có những thủ đoạn tinh vi để vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào nội địa hoặc chuyển ra nước ngoài.

Theo Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu và gian lận thương mại thành phố Hà Nội, các đối tượng buôn lậu có xu hướng lợi dụng triệt để tâm lý cho rằng, hàng chuyển phát nhanh thường là những đơn hàng không có giá trị thương mại và đặc thù hàng hóa chuyển phát nhanh là có yêu cầu phải được thông quan nhanh chóng… để thăm dò, mở đường vận chuyển mới vào nội địa hoặc ra nước ngoài.

“Cung đường đen” là từ các nước như Trung Quốc, châu Phi, Pháp về Việt Nam và từ trong nước đi Mỹ, Australia. Mặt hàng thường là ma túy, tiền chất ma túy, các loại tân dược được gây nghiện, hướng thần. Việc Hải quan Hà Nội phối hợp với Công an thành phố bắt 11 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 11,477kg cocain, 1,45kg heroin, 2,7kg tiền chất; trong đó có 7 vụ là vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh cho thấy những diễn biến phức tạp này.

Tuyến đường sắt cũng “nóng” không kém và gần đây, giới buôn lậu lợi dụng chuyển khẩu kiểm hóa tại ga đường sắt quốc tế Yên Viên để bày ra mánh khóe mới. Thay vì tập kết hàng hóa tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai rồi chuyển về ga Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Yên Viên, Giáp Bát, Đông Anh, sau đó đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ như trước, các đối tượng đưa thẳng hàng lậu từ Trung Quốc về ga Yên Viên, từ đó tung ra thị trường Hà Nội tiêu thụ.

Đánh giá về những diễn biến phức tạp của công tác chống buôn lậu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, Trương Quốc Định cho biết, dù có giảm so với trước song hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và bưu chính ở Hà Nội.

Trên tuyến hàng không-bưu điện xuất hiện những thủ đoạn mới tinh vi của đối tượng buôn lậu nhằm tuồn hàng vào nội địa kiếm lời. Giới buôn lậu hình thành đường dây, tổ chức chặt chẽ, triệt để lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm.

“Nhằm tránh bị xử lý hình sự, các đối tượng nhập lậu hàng từ nước ngoài về Nội Bài rồi vận chuyển đi các chuyến bay nội địa Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng, sau đó lại quay về Nội Bài để đưa vào Hà Nội tiêu thụ.

Hàng hóa vi phạm chủ yếu trên tuyến hàng không, bưu điện là các mặt hàng có giá trị kinh tế cao như vàng bạc, đá quý, ngoại tệ, sừng tê giác, điện thoại di động, đồng hồ, máy ảnh…” - ông Định nói.

Nhưng đáng ngại hơn, chiếc “áo giáp” nơi cửa khẩu của lực lượng chức năng có dấu hiệu bị “đánh thủng” khi chính một số cán bộ hải quan lại tiếp tay cho buôn lậu.

Tháng 8/2015 vừa qua, Nguyễn Trung Công (sinh năm 1982), nguyên Đội trưởng Đội Tài liệu và Hướng dẫn chất xếp của Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, lĩnh án 2 năm tù treo về tội “buôn lậu” và Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 1974) cùng Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1978), nguyên cán bộ hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài, phải chịu hình phạt về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” do tham gia đường dây buôn lậu đưa hơn 6 tấn yến sào vào Việt Nam./.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm buôn lậu
Tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong 10 tháng năm 2015 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư