Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Chắp cánh cho tự chủ đại học
D.Ngân - 22/10/2023 14:39
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến góp ý đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030. Tại đây, nhiều trường thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập của quá trình này.

Nhiều rào cản

Khảo sát của Bộ Giáo dục và Ðào tạo năm học 2022 - 2023 đối với 232 cơ sở giáo dục đại học cho thấy có 32,76% số trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

13,79% số trường tự bảo đảm chi thường xuyên; 7,33% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 9,05% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên; 33,62% số trường hiện đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác; 3,45% số trường đang được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.

Nhiều rào cản đang tồn tại khiến quá trình tự chủ đại còn gặp khó khăn bộn bề.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng lớn ảnh hưởng rõ nét tới tiến trình tự chủ đại học của các trường.

Theo đại diện trường Đại học Thái Nguyên, hơn 10 năm qua nhà trường chưa nhận được sự đầu tư đáng kể nào. Trong khi đó, theo định hướng tự chủ, phí đầu tư của Nhà nước sẽ giảm dần, nhưng việc tuyển sinh của nhà trường còn hạn chế nên rất khó để tạo ra thế và lực để phát triển.

Lãnh đạo trường Đại học Hồng Đức cũng nêu khó khăn của nhà trường hiện nay khi đầu tư cho giáo dục đại học không thể chỉ từ nguồn thu học phí.

Đặc biệt, trong khi không được tăng học phí nhưng từ ngày 1/7 tăng lương, mà nguồn thu lại không được tăng. Làm sao vừa đảm bảo nâng cao chất lượng vừa đảm bảo chi trả cho giảng viên là bài toán khó với nhà trường.

Đại diện Trường Đại học Ngoại Thương cũng nêu thực tế, trong giai đoạn đầu thực hiện tự chủ, các quy định liên quan tới tự chủ tài chính còn thiếu và được ban hành chậm hơn so với thực tiễn.

Nhiều quy định còn chồng chéo, cùng một lúc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó cho nhà trường.

GS-TS.Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, việc thực hiện tự chủ đại học thời gian vừa qua còn một số vướng mắc khi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. Dù được tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ.

Cụ thể, chính sách học phí chưa theo kịp, trường bị cắt ngân sách nhưng học phí không được tăng. Đầu tư mua sắm không khác gì trường bình thường. Chính sách thuế của các trường tự chủ chưa rõ ràng.

“Các trường tự chủ như hiện nay giống như ném đá dò đường. Những vướng mắc này rất dễ dẫn đến tâm lý ngại tự chủ ở các trường chưa triển khai thực hiện”, GS-TS.Vũ nói.

Bệ đỡ tự chủ đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về Dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030. Nói về mục tiêu xây dựng tự chủ đại học trong tương lai, PGS-TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, quan điểm của đề án là đầu tư cho giáo dục đại học và đầu tư vào các cơ sở giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, mang lại hiệu quả cao, lợi ích lớn và lâu dài cho người học, gia đình và toàn xã hội.

Tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học là tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu; là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, lấy lợi ích của người học và xã hội làm mục tiêu cốt lõi.

Tự chủ đại học làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đại học nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục đại học và của các cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội.

Mục tiêu của đề án tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, thực sự trở thành nền tảng và động lực then chốt cho phát triển hệ thống giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao và khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Góp ý về đề án, GS-TS.Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cái gốc của tự chủ phải nói đến vấn đề phân quyền.

Theo đó, nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực trong nội bộ, dẫn đến xung đột trong tổ chức.

Đầu tiên nguyên tắc của phân quyền là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành khác nhau phải được chuyển vào các tổ chức đệm và hội đồng trường chính là tổ chức đệm đó.

“Hiện nay tổ chức hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Chỉ sử dụng một số quyền lực của đảng ủy, một số quyền lực của ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”, PGS. Nguyễn Quý Thanh phân tích.

Ngoài ra, theo vị này, nếu trường đại học 2 cấp (tức có hội đồng đại học và hội đồng trường mà không rõ phân định mối quan hệ giữa hội đồng đại học và hội đồng trường thì chắc chắn sẽ xu hướng li tâm xảy ra. Các đại học nên chỉ có một cấp hội đồng. Nếu có 2 cấp thì xem hội đồng đại học là hội đồng bao quát. Lúc đó mới có sự kết nối, thông suốt.

Đồng quan điểm, đại diện Trường Đại học Hà Nội cho rằng, cần có quan điểm hết sức rõ ràng về vị trí, nhiệm vụ của Hội đồng trường. Theo đó, Hội đồng trường là cơ quan quản trị, không nên tham gia vào công tác quản lý. Ví dụ như bổ nhiệm một trưởng khoa thì nên giao quyền cho Hiệu trưởng.

Cũng góp ý cho đề án, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị không nên ôm đồm, chỉ cần giải quyết 3 vấn đề là tự chủ về mức thu học phí; tự chủ về đào tạo và tự chủ về bộ máy, nhân sự. Khi đã tự chủ về tài chính, cơ sở giáo dục đại học được cho phép xây dựng định mức kỹ thuật và tự quyết định thu.

Còn Giám đốc Đại học Đà Nẵng băn khoăn về việc sắp tới, Nhà nước cấp ngân sách cho các trường đại học theo đặt hàng, giao nhiệm vụ.

“Cách làm thì rất hay nhưng các bước tiếp theo khi triển khai thì cần phải nghĩ đến những tình huống nảy sinh trong thực tế. Như Nghị định 116 hiện đang có nhiều vướng mắc mặc dù mục tiêu rất hay. Có thể Nhà nước cần khoán ngân sách cho các trường để các trường có thêm động lực”, PGS-TS.Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất.

Vẫn còn hiểu chưa đúng về tự chủ đại học
Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư