Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 30 tháng 08 năm 2024,
Chắp cánh khởi nghiệp bằng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học
Nhung Bùi - 29/08/2024 20:52
 
Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học giúp các công trình nghiên cứu dễ dàng thương mại hóa, xóa bỏ khoảng cách giữa lý thuyết khoa học và thực tế.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển giao trí thức và hỗ trợ khởi nghiệp, ngày 29/8, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức cho ra mắt 2 doanh nghiệp spin-off (mô hình khởi nghiệp từ các viện nghiên cứu, trường đại học, PV).

Đó là Công ty cổ phần Greentech công nghệ xanh của nhóm nghiên cứu TS Bùi Thị Thanh Hương (thuộc trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) và Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh vật (thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học).

Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt 2 mô hình doanh nghiệp spin-off.

PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết việc phát triển các mô hình khởi nghiệp từ các trường đại học không chỉ đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong đời sống mà còn tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới, giải quyết các bài toán từ thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Đào Thanh Trường đánh giá trong những năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng quá trình chuyển giao tri thức, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học vẫn còn nhiều khó khăn.

“Vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, đưa đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội”, ông Trường khẳng định.

Tại sự kiện, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký hợp đồng ươm tạo với 5 dự án khởi nghiệp để các dự án có thể tiếp tục hoàn thiện công nghệ, trở thành doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cụ thể, Dự án Nanogel - gel tự nhiên kết hợp nano bạc giúp tạo màng bảo vệ vết thương hở thay thế da trước khi vết thương lành; Dự án 3SR - siêu thị mini xanh thông minh, máy tự động cho phép bán lẻ các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng, tự động bán các loại chất lỏng và triển khai EPR cho các nhà sản xuất thông qua hệ thống thu gom bao bì tự động, tích điểm đổi hàng; Dự án Duachua24h – công nghệ muối chua rau củ sạch; Dự án Ladee - các sản phẩm nước giặt chuyên dụng cho đồ lót, dành riêng cho vấn đề sinh lý phái nữ; Dự án Bizmatee - nền tảng tìm kiếm đối tác, đồng sáng lập phù hợp sử dụng công nghệ gợi ý AI.

TS Hoàng Văn Hà, giảng viên Khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chủ nhiệm dự án Nanogel bày tỏ các nhà khoa học rất muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của bản thân. Bởi theo ông, không có gì hạnh phúc hơn khi được thấy sản phẩm do mình nghiên cứu được phục vụ cộng đồng và người dân.

“Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng. Đó là những hạn chế rất cần nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo hỗ trợ để thương mại hoá đứa con tinh thần là sản phẩm khoa học công nghệ mình tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm đó vào thị trường", ông Hà nêu.

Hiện tại, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang thành lập Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình doanh nghiệp trực thuộc trong trường đại học. Vườn ươm đặt mục tiêu trở thành đơn vị ươm tạo hàng đầu khu vực phía Bắc trong 3-5 năm tới, với nhiều hoạt động như: hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, kết nối với các quỹ đầu tư, tổ chức khởi nghiệp,…

Chủ tịch FPT chia sẻ nhiều bài học tại buổi gặp gỡ Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024
Ông Trương Gia Bình nhắn nhủ rằng khởi nghiệp là con đường mà mỗi doanh nhân cần học hỏi không ngừng, vượt qua rào cản để đạt được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư