Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chế biến - chìa khóa để nông sản Việt xuất ngoại
Thu Phương - 27/06/2020 11:18
 
Qua hành trình xuất khẩu vải sang Nhật Bản, có thể thấy, chế biến chính là chìa khóa để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt.
Trái vải Việt Nam đã hiện diện tại thị trường khó tính như Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh
Trái vải Việt Nam đã hiện diện tại thị trường khó tính như Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Câu chuyện xuất vải sang Nhật Bản

Ngày 24/6, có tiếp 2 tấn vải thiều Hải Dương lên máy bay xuất khẩu sang Nhật Bản, sau khi 2 tấn vải thiều Bắc Giang đầu tiên đã đến thị trường Nhật Bản vào bán hết trong 1 ngày.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều cho biết, giá doanh nghiệp bán sỉ cho các siêu thị tại Nhật Bản là 8 - 12 USD/kg (hơn 180.000 - 270.000 đồng).

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quả vải trước khi xuất sang Nhật phải trải được các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, đánh giá cũng như kiểm dịch, khử trùng cẩn thận.

Cụ thể, muốn xuất khẩu, bước đầu tiên, các vườn trồng phải được cấp mã số xuất khẩu. Các cơ quan của Bắc Giang, Hải Dương phải chủ động phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu lập hồ sơ, khảo sát cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản.

Điều kiện để nhận được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu là các vùng này phải quy hoạch thành vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng GlobalGap, hữu cơ.

Cùng với mã số vùng trồng, quả vải còn phải trải qua quy trình xông hơi khử trùng bằng khí methyl bromide theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hiện tại, đã có 3 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, có 5 tấn vải đã được kiểm nghiệm và sẽ tiếp tục được xuất sang Nhật trong những ngày tiếp theo. Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, khoảng 200 tấn vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Như vậy, sau 5 năm đàm phán và đáp ứng đầy đủ quy định khắt khe, vải thiều Việt Nam đã “hạ cánh” đất Nhật. Điều này cho thấy, để một nông sản Việt hiện diện tại một thị trường khó tính là không hề dễ dàng, song nếu biết đầu tư, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, thì nông sản Việt có thể xuất khẩu với số lượng lớn và giá trị cao.

Nâng chuẩn công nghệ, đầu tư chế biến sản phẩm

Theo ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia về nông nghiệp, thị trường nông sản đang có nhu cầu rất cao và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Nông sản Việt muốn chớp cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn, thì phải đầu tư khâu chế biến.

Thực tế, nông sản chế biến của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là sơ chế với giá trị gia tăng thấp, chỉ khoảng 15 - 30% sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy chế biến, doanh nghiệp kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là giải pháp chiến lược, tạo sức cạnh tranh cao, kịp thời chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới”, ông Sơn khuyến nghị.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, không có cách nào khác là phải đầu tư mạnh vào chế biến, xây dựng một chuỗi từ sản xuất, tới chế biến thực phẩm, gắn với phân phối, xây dựng thương hiệu.

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafood Group cho biết, để phát triển mạnh khâu chế biến, cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu trong việc chuẩn hóa quy trình.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ xác định tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án tổ hợp chế biến nông sản lớn, với ít nhất 4 nhà máy chế biến lớn sẽ khánh thành trong nửa cuối năm nay.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 7.500 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Riêng trong 2 năm 2018 - 2019, có 30 dự án chế biến nông sản mới, với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, đã được triển khai và đi vào hoạt động. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chế biến nông sản, như Công ty Đồng Giao, TH true Milk, Intimex…
“Bệ phóng” đưa nông sản Việt vào EU
Hàng hóa, đặc biệt là nông sản của những doanh nghiệp nhỏ, kể cả siêu nhỏ vẫn có cơ hội tăng xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) nếu sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư