Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
“Chê phóng viên xấu, già mồm, không tiếp” là cản trở tác nghiệp và xúc phạm báo chí
Hồng Chuyên (infonet) - 10/06/2016 09:47
 
Đó là quan điểm của luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luât sư TpHCM) xung quanh chuyện “trưởng phòng chê phóng viên xấu, già mồm, không tiếp.

Trước đó, báo chí đưa tin, một nữ phóng viên ở Huế trong quá trình tác nghiệp đã bị vị trưởng phòng chê xấu, già mồm nên không tiếp. Không những vậy, người này còn xưng hô mày tao, dùng những lời lẽ khiếm nhã nói với PV. Câu chuyện này đã gây bức xúc trong dư luận, không chỉ riêng với báo giới.

Cản trở báo chí (Ảnh: Người đưa tin)

Để giúp bạn đọc hiểu sự việc này dưới góc nhìn pháp lý, PVđã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luât sư TpHCM)về vấn đề này.

 

Thưa luật sư, gần đến ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ngoài những câu chuyện đáng vui của giới báo chí truyền thông thì câu chuyện cản trở tác nghiệp, xâm phạm quyền của các nhà báo càng được nhắc đến nhiều hơn. Luật sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Mỗi ngành nghề đều cần được tôn vinh, nghề báo cũng vậy, bởi nhờ có lực lượng đội ngũ báo chí thì mỗi cá nhân, gia đình, xã hội mới được tiếp nhận và đón đọc những thông tin nhanh chóng, kịp thời và có cơ sở. Gần đây có rất nhiều vụ liên quan tới câu chuyện tác nghiệp xâm phạm quyền của các nhà báo như vụ “phóng viên báo Hà Nội mới tố cáo bị công an phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM hành hung khi tác nghiệp” hay như mới đây vụ việc đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận đó là trường hợp “Vị Trưởng phòng chê phóng viên xấu lại già mồm nên... không tiếp”

Là chiến sĩ trong mặt trận thông tin, nhà báo, phóng viên chịu rất nhiều áp lực và rủi ro để đưa các thông tin khách quan đến với bạn đọc nhằm tiến tới xã hội minh bạch và dân chủ. Do đó, pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật, các hội đoàn của các nhà báo cần khẩn trương, tích cực bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với các hoạt động cản trở xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Câu chuyện "chê phóng viên xấu, già mồm" không tiếp, theo quan điểm của luật sư, có là cản trở tác nghiệp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm phóng viên, nhà báo không?

Với vụ việc “chê phóng viên xấu, già mồm” không cho vào văn phòng của doanh nghiệp theo quan điểm của tôi đó là hành vi cản trở tác nghiệp, xúc phạm danh dự nhân phẩm nhà báo, vấn đề này pháp luật đã có quy định. Cụ thể, từ Luật Báo chí năm 1989, đến Luật báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999 đều đã quy định bảo vệ nhà báo. Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 quy định: “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” (Điều 15, Luật Báo chí 1999).

Tiếp thu quan điểm bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí, tại Điều 9 Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 (sau đây gọi là Luật Báo chí mới) nghiêm cấm các hành vi sau: “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Từ việc so sánh giữa quy định trên chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng pháp luật ngày càng nâng cao mức độ bảo vệ nhà báo trong phạm vi tác nghiệp, đối với quy định pháp luật mang tính “cấm chỉ” là đã nâng mức độ bảo vệ báo giới cao hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng và bản thân phóng viên, nhà báo bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí.

Do đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm pháp luật này để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Các công ty tư nhân, cổ phần lấy lý do là địa phận của họ, không phải cơ quan nhà nước, ngăn cản báo chí tiếp cận vấn đề người dân phản ánh, có đúng luật không?

Nhà báo, phóng viên là những cá nhân có quyền và trực tiếp tiếp cận với nguồn thông tin. Việc phóng viên, nhà báo tiếp cận các tổ chức, cá nhân để lấy tin được quy định cụ thể trong Luật Báo chí, việc các công ty tư nhân lấy lý do là địa phận của họ để ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của phóng viên, nhà báo là vi phạm và đánh tráo khái niệm của các công ty tư nhân.

Theo quy định của pháp luật, thì đúng là chỗ ở, nơi làm việc của công dân, tổ chức là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, cần phân biệt việc xâm chiếm, lấn chiếm chỗ ở, nơi làm việc của công dân khác với hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí. Các công ty tư nhân vẫn phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời cơ quan báo chí khi có yêu cầu cụ thể từ các cơ quan này. Nếu một số hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí cần thiết phải đến hiện trường, địa phận cụ thể thuộc quyền quản lý của các công ty này thì họ cũng phải tại điều kiện thuận lợi, tốt nhất để phóng viên, nhà báo tác nghiệp, việc từ chối phải có lý do rõ ràng theo quy định của Luật Báo chí.

 Luật sư có nghĩ rằng, người dân đòi hỏi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng nhận thức về quyền tác nghiệp, quyền tự do báo chí còn hạn chế, còn có biểu hiện cản trở báo chí không?

Hiện nay, việc một số tổ chức, các nhân còn hạn chế và có biểu hiện cản trở báo chí là có thật. Bởi lẽ, trước đây báo chí đa phần là cơ quan truyền thông của nhà nước, chủ yếu tuyên truyền và phản ánh các thông tin từ chính cơ quan đơn vị chủ quản này. Nhiều tòa soạn báo ngành, địa phương “bị” theo lối mòm, giống hình thức XIN – CHO thông tin.

Càng về sau, với sự hội nhập của thế giới thì chức năng và nhiệm vụ của báo chí cũng ngày được nâng cao. Việc thông tin, truyền thông của báo chí ngày cần đa chiều, đa dạng hơn đối với người dân, do đó báo chí phải tự mình tìm tòi, và qua đó cũng đụng chạm đến quyền và lợi ích của một số người, một nhóm người khác. Từ đó, trên cơ sở mong muốn bảo vệ lợi ích hoặc hành vi vi phạm pháp luật của mình, không ít cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở sự tác nghiệp của báo chi.

Vậy, theo luật sư, cần phải làm gì để nhận thức này được nâng cao?

Để nâng cao nhận thức về hoạt động tác nghiệp của báo chí, trước tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức, sau đến là cần có biện pháp xử lý thích đáng và đủ mạnh để răn đe các hành vi cản trở hoạt động báo chí. Đối với các cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nếu có hành vi cản trở hoặc xúc phạm báo chí thì sẽ làm ảnh hưởng không chỉ uy tìn cá nhân người có hành vi hoặc lời nói thô thiển mà còn có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức của nhà nước, làm sút giảm niềm tin trong nhân dân.

Chính vì vậy, có quy chế phát ngôn đối với các cơ quan nhà nước là thủ trưởng hoặc người được thủ trưởng cơ quan ủy quyền phát ngôn. Nhưng đối với những doanh nghiệp, cá nhân tư nhân, việc họ ngăn cản báo chí tác nghiệp sẽ làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động, hình ảnh công ty của họ, thiếu tính chuyên nghiệp, điều này khiến họ phải trả giá có khi là cả sự tồn vong của một doanh nghiệp và trường hợp xấu có thể dẫn đến bờ vực phá sản doanh nghiệp.

Vì vậy, việc phát ngôn nên từ người chủ sở hữu tài sản đại diện của doanh nghiệp đó. Bởi lẽ báo chí là kênh thông tin tốt nhất để họ quảng bá hình ảnh cho cá nhân, công ty họ, vì vậy các cá nhân,tổ chức, cần có thái độ trọng thị và tạo điều kiện cho phóng viên, báo chí tác nghiệp trong điều kiện tốt nhất để phản ảnh tốt nhất về vấn đề mà dư luận quan tâm, điều đó cũng tránh gây ra những trường hợp đưa tin thiếu và sai sự thật dẫn đến sự phẩn nộ của dư luận đối với một sự kiện nào đó của doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà báo gặp phải tình huống cản trở tác nghiệp, thưa luật sư?

Các phóng viên tự trang bị cho mình các kiến thức nghiệp vụ, cũng như về môi trường, hoàn cảnh tác nghiệp, để có hướng xử lý tốt nhất để bảo vệ chính mình cũng như mang đến cho người đọc những thông tin chính xác, kịp thời.

Bên cạnh đó, mỗi phóng viên phải tìm hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình tới đâu để tránh trương hợp vi phạm trong quá trình tác nghiệp. có phản ánh kịp thới tới cơ quan có thẩm quyền về những trường họp cản trở tác nghiệp của báo chí như: các đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương…

Xin cảm ơn luật sư! 

 

Công an truy tìm kẻ dọa nữ nhà báo ‘mua quan tài ngay’
Công an Hà Nội đã nhận được đơn của nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư