Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 08 tháng 11 năm 2024,
Chỉ định thầu rút gọn tại dự án đường vành đai 3 TP.HCM có thể rủi ro
Lê Quân - 02/07/2022 20:29
 
Hình thức chỉ định thầu rút gọn tại dự án đường vành đai 3, TP.HCM không phù hợp, có thể rủi ro theo khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngày 2/7, UBND TP.HCM chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM và công tác chuẩn bị dự án đường vành đai 4. Hội nghị được tổ chức để bàn các công việc tiếp theo, ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết đầu tư dự án này.  
Tại hội nghị, cho ý kiến tỉnh thành phố có dự án đi qua đều đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn và gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật theo phương thức rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể có rủi ro.
Dự án đường Vành đai 3
Dự án đường Vành đai 3

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các cơ chế chỉ định thầu đã được chấp thuận trong Nghị quyết của Quốc hội và thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Thế nhưng, khi áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn sẽ rủi ro cho thành phố bởi vì hình thức này chỉ áp dụng với các gói thầu nhỏ và không cần lập phương án.
Theo bà Thủy, hiện nay, quy trình bồi thường đã đơn giản, các địa phương nên cân nhắc, áp dụng theo điều 54, 55, 56 Nghị định 63 hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Nói rõ hơn về hình thức chỉ định thầu rút gọn, ông Trịnh Đức Trọng, Phó vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hình thức chỉ định thầu rút gọn chỉ áp dụng đới với gói thầu trị giá dưới 1 tỷ đồng.  Ông Trọng cũng khuyến nghị TP.HCM và các tỉnh nên cân nhắc và không nên áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn cho gói thầu tư vấn và gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật.
Nút giao Tân Vạn thuộc Vành đai 3
Nút giao Tân Vạn thuộc Vành đai 3.

Trong các công việc thực hiện thời gian tới, việc giải phóng mặt bằng được coi là khó khăn và mất nhiều thời gian. Về mốc thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng, TP.HCM đưa ra mốc thời gian từ tháng 8/2022 sẽ tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng. Dự kiến, thời gian bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2023 được tối thiểu 70% mặt bằng. Dự kiến đến tháng 4/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Để dự án đạt đúng tiến độ, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị do thời gian thực hiện rất ngắn nên các địa phương cần triển khai song song một số công việc. Trong khi trình Chính phủ ban hành nghị quyết thì phải làm song song các công việc khác như giải phóng mặt bằng, chọn đơn vị tư vấn.  
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng,  chỉ cần giải phóng được 70% mặt bằng  là có thể khởi công. Đồng thời, khởi công trước những đoạn đã có mặt bằng. 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Chính phủ trong tháng 7/2022. Đồng thời, TP.HCM  và các địa phương có dự án đi qua sẽ chủ động thực hiện song song các công việc để đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án để trình Chính phủ.
Để đảm bảo tiến độ dự án, tại hội nghị, lãnh đạo 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã ký kết quy chế, kế hoạch triển khai dự án vành đai 3 TP.HCM. 
[Infographic] Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu kết nối TP HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư