Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến khốc liệt nơi tâm dịch
Mộc An - 02/09/2021 08:53
 
Tham gia trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề, TS. Phan Thảo Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E mong đây là trận chiến cuối cùng, bởi những mất mát, tổn thất mà dịch Covid-19 gây ra quá lớn.
TS. Phan Thảo Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E (thứ 2, từ trái sang) cùng đồng nghiệp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM

Được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Bệnh viện E khi đang nỗ lực từng ngày giành sự sống cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, TS. Phan Thảo Nguyên cười hiền khi tôi hỏi: nên gọi anh là tân Phó giám đốc hay Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn. Anh nói, tôi có thể gọi anh theo cách nào mà tôi cho là thuận tiện nhất, vì dù ở cương vị nào, thì anh vẫn là một bác sĩ lấy chữa bệnh, cứu người làm mục đích tối thượng.

Với TS. Nguyên, bác sĩ là một danh xưng cao quý mà mỗi người làm nghề y đều tự hào. Được bổ nhiệm cương vị mới vào ngày 8/8/2021, nhưng anh vẫn chưa cầm trên tay quyết định chính thức, do đang ở tâm dịch. “Cuộc chiến với Covid-19 tại TP.HCM còn nhiều cam go, căng thẳng, nên niềm vui ấy sẽ dành cho ngày trở về, khi dịch tạm yên”, bác sĩ Nguyên nói.

Sau câu chuyện về chức danh, là những trải lòng của bác sĩ Nguyên về hành trình tại tâm dịch với những câu chuyện buồn vui, những ký ức mà có lẽ trong suốt quãng đời còn lại, anh vừa “không muốn nhớ”, nhưng cũng không bao giờ có thể quên.

Nơi chiến trường không tiếng súng

Bác sĩ Nguyên từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm đẹp với TP.HCM suốt thời tuổi trẻ. Cuối tháng 7 vừa qua, trở lại TP.HCM với cương vị Trưởng đoàn Công tác của Bệnh viện E tới trợ giúp công tác chống dịch Covid-19, anh khựng lại trước sự “lặng yên” đến đáng sợ của Thành phố, kèm theo đó là cảm giác xót xa.

Là một bác sĩ tim mạch thuộc thế hệ 7X với hơn 10 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, TS. Nguyên đã gặp rất nhiều ca bệnh nặng, cũng từng chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhiều lúc, anh và đồng nghiệp phải cúi đầu bất lực bởi giới hạn y khoa cũng như kiến thức con người.

Nhưng khi vào TP.HCM trực chiến điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Ung bướu 2, bác sĩ Nguyên càng hiểu hơn sự khắc nghiệt của dịch bệnh. Trước cơn bạo bệnh, tính mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió. Bác sĩ Nguyên bảo, nếu ai đó chủ quan cho rằng, không nên quá lo lắng và sợ hãi trước virus gây ra cúm mùa, thì người đó có lẽ chưa hiểu hết sự khốc liệt do dịch bệnh gây ra, chưa trải nghiệm những đớn đau mà bệnh nhân Covid-19 đang trải qua, cũng như chưa tận mắt chứng kiến những cuộc sinh ly - tử biệt ở nơi chiến trường không tiếng súng mà vô vàn đau thương này.

Khi đến địa điểm điều trị bệnh nhân Covid-19, để hành lý xuống, bác sĩ Nguyên và các đồng nghiệp của Bệnh viện E, không ai bảo ai, nhanh chóng bắt tay vào công việc, góp phần xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 với quy mô 1.000 giường.

Dịch bệnh phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM lên tới vài ngàn ca mỗi ngày, áp lực đè nặng lên tất cả các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Ung bướu số 2 - nơi TS. Nguyên và nhiều đồng nghiệp Bệnh viện E đang thực hiện nhiệm vụ - có khoảng 700 bệnh nhân đang điều trị và đều là những ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào, khiến các y, bác sĩ luôn trong tình trạng trực chiến căng thẳng.

Dù TP.HCM đã nỗ lực cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, song do nhu cầu quá lớn, nên đôi lúc, đôi chỗ vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm. Với bác sĩ điều trị Covid-19, thì đây thực sự là nỗi lo, giống như chiến sĩ ra chiến trường mà không có vũ khí. Khi ấy, chiến sĩ áo trắng không những không cứu được bệnh nhân, mà bản thân cũng đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh và thành trì cuối cùng chống dịch sẽ bị chọc thủng.

Khi có sức mạnh của cộng đồng, không khó khăn nào là không thể vượt qua.

- TS. Phan Thảo Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E

Bác sĩ Nguyên cũng bày tỏ sự bất an khi nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị đều chưa được tiêm vắc-xin. Do vậy, hơn lúc nào hết, anh mong mỏi người dân sẽ được tiêm vắc-xin đầy đủ, bởi đây chính là chìa khóa giúp họ có thể thoát khỏi bàn tay thần chết nếu không may mắc bệnh.

Dù đã nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, song việc phải chứng kiến bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng là khó tránh do nhiều ca bệnh nặng và diễn biến nhanh. Kể lại với phóng viên việc bất lực trước một bệnh nhân Covid-19 tử vong khi chỉ mới 26 tuổi, bác sĩ Nguyên không giấu được cảm giác xót xa.

“Bệnh nhân còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước, nỗi đau này với gia đình em và người thân, bạn bè là quá lớn. Là bác sĩ, nhưng trước hết là con người, chúng tôi không thể cầm lòng trước cảnh người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh”, bác sĩ Nguyên xúc động nói.

Anh cho biết, sự khắc nghiệt của dịch Covid-19 lần này với biến chủng Delta thể hiện ở chỗ, nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, tử vong dù đang ở độ tuổi sung sức và không có bệnh nền. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 hiện không chỉ tấn công vào phổi của bệnh nhân, mà còn tấn công vào các cơ quan khác, gây ra tình trạng viêm cơ tim, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, nhồi máu não...

Chứng kiến nhiều mất mát, đau thương, áp lực công việc nặng nề khiến bác sĩ Nguyên và đồng nghiệp đôi lúc cảm thấy stress, bất lực. Tuy vậy, những phút giây đó chỉ là thoáng qua, họ lại tiếp tục nỗ lực “chiến đấu”, bởi sau lưng là biết bao bệnh nhân đang chờ.

Trong chuỗi những ngày tháng u ám với áp lực điều trị hàng ngàn ca bệnh nặng, chỉ cần có ca bệnh tiến triển tốt, được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản, đôi mắt của các y, bác sĩ nhìn nhau qua tấm kính chống giọt bắn cũng hiện rõ niềm vui, hạnh phúc, phấn khởi.

Bác sĩ Nguyên kể, những ngày qua, anh và nhiều đồng nghiệp không có khái niệm ngày và đêm, chỉ có lịch làm việc được phân công theo ca kíp, người này ngủ thì người khác thức. Cứ như vậy, đội ngũ y tế thay nhau thức cùng bệnh nhân thâu đêm, suốt sáng để theo dõi và xử trí khi cần thiết.

Có những y, bác sĩ nữ sau gần cả tháng trời chiến đấu căng thẳng, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đôi mắt đã thâm quầng, những vết nhăn nơi khóe mắt thêm lằn sâu. Còn với bác sĩ nam, thì tóc đã bạc thêm vài phần, râu không kịp cạo, tóc dài cũng không có thời gian cắt.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”

Lựa chọn Nam tiến theo tiếng gọi của thiêng liêng của Tổ quốc, của đồng bào, với bác sĩ Phan Thảo Nguyên, đó không phải là việc gì lớn lao, bởi anh nghĩ rằng, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ biết nhường phần ai. Cũng bởi rất thích câu hát trong bài Một rừng cây, một đời người của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nên anh tin rằng, trong cuộc chiến với đại dịch, khi có sức mạnh của cộng đồng, không khó khăn nào là không thể vượt qua.

Ngoài việc trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu 2, bác sĩ Nguyên còn tư vấn điều trị qua điện thoại, Zalo cho nhiều F0 đang cách ly, điều trị tại nhà ở TP.HCM và bệnh nhân tiến triển tốt từng ngày.

Kể lại một trường hợp đáng nhớ, bác sĩ Nguyên nhắc tới một cán bộ công an có cả ba, mẹ mắc Covid-19 và người mẹ đã không qua khỏi, nên cán bộ này rất hoang mang, gọi cho anh để được tư vấn.

Nhận được điện thoại của người con vừa mất mẹ, lại có nguy cơ mất cả ba, bác sĩ Nguyên rất đau xót. Anh hiểu cảm xúc mà người chiến sĩ công an đang trải qua, nên đã tận tình hướng dẫn và hỗ trợ chiến sĩ ấy trong chăm sóc, điều trị cho ba, bất kể ngày đêm. Nỗ lực kết nối từ xa, sự bấu víu hy vọng của chiến sĩ công an đã được bù đắp khi bệnh tình của ba anh đã cải thiện rõ rệt và ở thời điểm bác sĩ Nguyên chia sẻ câu chuyện này, thì người cha ấy đã lành bệnh. Mỗi khi bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, là bác sĩ Nguyên lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc, anh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục cuộc hành trình.

Khi được hỏi về gia đình, về những người thân yêu ở Hà Nội, bác sĩ Phan Thảo Nguyên cho hay, ngày 11/8 vừa qua là sinh nhật con gái anh - một sinh nhật đặc biệt trong suốt quãng đời làm cha của anh, vì phải thổi nến và chúc mừng sinh nhật con qua Zalo.

Những năm trước, dù có bận rộn công việc ra sao, thì anh cũng tranh thủ về nhà, ôm con thơ bé bỏng vào lòng và chúc mừng sinh nhật con, nhưng năm nay, anh chỉ có thể gửi lời chúc qua điện thoại. Dù vậy, anh cũng cảm thấy được an ủi vì con gái đã lớn, thấu hiểu công việc của bố và tự hào khi bố mình là chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

Bản thân anh cũng vừa đón sinh nhật lần thứ 42 nơi tâm dịch. Sinh nhật không hoa, không nến, không bánh kem, nhưng anh không cảm thấy buồn hay trống trải, bởi nơi đây đang có những đồng nghiệp, cùng anh sát cánh chiến đấu giành sự sống cho bệnh nhân. Nơi đây cũng có các bệnh nhân Covid-19, dù họ không giao tiếp được, nhưng anh tin rằng, họ đang rất cần anh.

Và ở phương xa, anh còn có tình yêu của người vợ tảo tần, sự kính trọng, tự hào của con thơ và tình thương bao la của cha mẹ. Tất cả những điều đó đã tiếp thêm động lực giúp bác sĩ Phan Thảo Nguyên có thêm niềm tin và năng lượng để tiếp tục đồng hành cùng nhân dân TP.HCM chiến đấu chống lại dịch bệnh, đem lại sự bình an cho nhân dân và cũng để đường về nhà với các y, bác sĩ được gần thêm. 

Sau hai lần xuất quân “Nam tiến”, đã có 67 nhân viên y tế của Bệnh viện E đang làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại khu vực phía Nam. Trong đó, 45 y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Ung bướu 2 (TP.HCM); 22 y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Vừa qua, khoảng 50 cán bộ y tế của Bệnh viện E đã tiếp tục lên đường chi viện cho các tỉnh phía Nam.
Những “Chiến sĩ áo trắng” quả cảm, kiên cường
Đằng sau thành quả, sự cảm phục của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 là sự hy sinh thầm lặng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư