Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ đã thành công trong kiềm chế bội chi
Mạnh Bôn - 01/11/2017 08:31
 
Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác khi tham gia thảo luận về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và kế hoạch năm 2018, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá rất cao việc Chính phủ giữ được mức bội chi ngân sách năm 2017 ở mức tối đa 3,5% GDP.
TIN LIÊN QUAN

Còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm tài khóa 2017. Ông có tin rằng, năm nay sẽ giữ được mức bội chi 3,5% GDP như Chính phủ dự kiến?

Mức bội chi năm nay được Quốc hội cho phép tối đa là 178.300 tỷ đồng, bằng 3,5% GDP trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% và tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

.
.

Đến thời điểm này, Chính phủ ước bội chi năm nay là 174.300 tỷ đồng, tức là giảm được 4.000 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4% thì vẫn có thể giữ được mức bội chi 3,5% GDP - đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Chính phủ giữ được mức bội chi theo yêu cầu của Quốc hội. Điều này rất đáng ghi nhận.

Càng đáng ghi nhận hơn nữa nếu năm nay, mức bội chi dưới 3,5% GDP, thưa ông?

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 10/2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, cả lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng rất cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2017 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 2,1%; chế biến, chế tạo tăng 22,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 10 vừa qua tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước như ti vi tăng gần 31%; sắt, thép thô tăng 28,4%; thép cán tăng gần 20%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,3%; phân urê tăng 15,7%...

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng của năm tăng 20,7%; nhập khẩu tăng 22%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 10 rất khả quan, đạt 28.300 tỷ đồng, nâng tổng số vốn giải ngân 10 tháng lên 221.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Với những yếu tố tích cực kể trên, nhiều khả năng, năm nay, GDP sẽ tăng trên 6,7%, quy mô nền kinh tế cao hơn dự kiến (khoảng 5.094.385 tỷ đồng) thì tỷ lệ bội chi có cơ hội giảm xuống thấp hơn mức 3,5% GDP, cho dù về số tuyệt đối bội chi không thay đổi hoặc tăng đôi chút do đáp ứng đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA.

Như vậy, việc giữ được mức bội chi hay không phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV này, thưa ông?

Nhiều đại biểu Quốc hội đang chờ đợi kết thúc năm tài chính 2017 để kiểm chứng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ và việc tăng cường giám sát của Quốc hội trong kiểm soát bội chi, nợ công. Bội chi và nợ công có mối quan hệ chặt chẽ với nhau vì toàn bộ khoản bội chi là đi vay. Năm nay, ngân sách nhà nước dự kiến đi vay 330.345 tỷ đồng để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và dành cho đầu tư phát triển.

Kiểm soát được bội chi sẽ kiểm soát được nợ công. Đây là điều rất quan trọng, và điều quan trọng không kém là khi Chính phủ giảm số tiền vay trên thị trường (qua phát hành trái phiếu chính phủ) sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác huy động được vốn, tạo cơ hội giảm mặt bằng lãi suất, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài việc giữ được bội chi ở mức 3,5% GDP, nợ công xa dần ngưỡng trần cho phép (nợ công năm 2017 tương đương 62,6%), ông còn ấn tượng gì trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm nay?

Chi ngân sách năm nay ước chỉ tăng 1,7% so với dự toán, trong khi thu ước tăng 2,3% dự toán, tức là tốc độ tăng chi đã thấp hơn tốc độ tăng thu; dự toán thu - chi đã sát thực tế hơn; quản lý chi ngân sách đã chặt chẽ hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

Điều đáng mừng là năm 2017 - năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015, chính sách tài khóa đã được chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Tài chính và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Điều rất đáng mừng nữa là năm 2017, Việt Nam phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu rất mạnh theo 10 hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã tham gia hoặc ký kết, nguồn thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm mạnh, số thu từ dầu thô ngày càng giảm, nhưng ngân sách nhà nước vẫn tăng thu chủ yếu là nhờ thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Hiện tại, thu nội địa đã chiếm 75% tổng thu ngân sách nhà nước, dự kiến năm 2018 chiếm 80% tổng thu và sẽ nâng lên mức 84 - 85% vào năm 2019 - 2020. 

Chi thường xuyên từ chiếm gần 70% tổng chi trong giai đoạn 2011 - 2015 đã được kéo xuống còn 64,9% trong năm nay, xuống 64,1% GDP vào năm 2018 và dưới 60% vào năm 2020. Ngược lại, chi đầu tư phát triển trong tổng chi mỗi năm một tăng. Năm 2017, ngân sách nhà nước đã dành 25,7% tổng chi cho đầu tư phát triển và sẽ tiếp tục nâng lên ở mức 26,2% vào năm 2018.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư