Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ xem xét phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco
Thanh Hương - 17/08/2016 09:20
 
Ngoài 10 doanh nghiệp lớn được xem xét thoái vốn trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành liên quan diễn ra sáng nay còn có 2 doanh nghiệp khủng trong ngành bia cũng được xem xét là Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cho biết, Sabeco và Habeco đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước. Việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Kế hoạch thoái vốn tại Sabeco, Habeco cũng thu hút được nhiều quan tâm của giới đầu tư và dư luận bởi đây là 2 doanh nghiệp lớn, đứng số 1 và số 3 trong ngành bia hiện nay, tính theo sản lượng.

Cũng không lâu trước đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Sabeco và Habeco kiến nghị các doanh nghiệp này phải thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước. VAFI cũng có rằng việc “thoái hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco sẽ giúp giá trị doanh nghiệp đạt được giá tối đa. Còn nếu nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia hội đồng quản trị, giá bán sẽ giảm và như vậy thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều.

Sabeco và Habeco đã thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm. Trong đề án cổ phần hóa của Sabeco và Habeco đều từng nói rõ việc cổ phần hóa gắn với niêm yết theo chủ trương của nhà nước, nhưng trên thực tế dường như Sabeco và Habeco lại tìm cách trốn tránh việc niêm yết. “VAFI đã nhiều lần giục Bộ Công thương cũng như HĐQT tại 2 doanh nghiệp này là cần phải thực hiện niêm yết để cải thiện quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên kết quả vẫn không có gì thay đổi”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI nhận xét.

Hiện Nhà nước đang nắm 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco và 82% vốn điều lệ tại Habeco.

Bộ Công thương cũng đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Cụ thể, hai phương án được đưa ra để bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco gồm giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai hoặc thoái phần vốn Nhà nước tại Sabeco làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán 13,59%.

Hiện Bộ Công thương là đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại hai ông lớn ngành bia này và đang dính phải câu chuyện lùm xùm quanh việc cử các đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với những nhân sự được cho là không có kinh nghiệm quản lý và kinh doanh như trường hợp ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với vị trí Phó tổng giám đốc, ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch HĐQT Habeco. 

Hôm nay Chính phủ họp phương án thoái vốn 10 doanh nghiệp nhà nước
Nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cho hay, sáng nay (17/8), Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ họp về phương án thoái vốn nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư