Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ yêu cầu bảo đảm kinh phí cho vắc-xin tiêm chủng mở rộng
D.Ngân - 11/07/2023 07:45
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị, năm 2023, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho tất cả các địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

Ảnh minh hoạ.

Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vắc-xin theo từng chủng loại, cơ cấu vắc-xin cần thiết, danh mục, lộ trình tiếp nhận từng loại vắc-xin đảm bảo lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng theo Nghị quyết số 104/ NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ thống nhất trong toàn quốc, để làm cơ sở xác định nhu cầu, bố trí kinh phí; quản lý và sử dụng vắc-xin theo quy định.

Tổ chức mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời và an toàn.

Căn cứ kế hoạch, nhu cầu vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/7/2023 để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện.

Trong tháng 7/2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, báo cáo nhu cầu vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 gửi Bộ Y tế trước ngày 12/7/2023 để tổng hợp.

Chính phủ giao Bộ Tài chính, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, nhu cầu kinh phí mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 do Bộ Y tế báo cáo, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 162/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; thời gian trình trước ngày 20/7/2023.

Được biết, vừa qua tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng diễn ra trên diện rộng. Ở Nghệ An có thời điểm 2/13 vắc-xin tiêm phòng cho trẻ đang bị thiếu. Đó là vắc xin “5 trong 1” và vắc xin DPT. Cụ thể, vắc-xin “5 trong 1” hết từ tháng 2/2023 và vắc xin DPT hết từ tháng 4/2023.

Thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ ở Nghệ An sau khi sinh sẽ được tiêm phòng miễn phí 3 mũi  vắc-xin 5 in 1 ở các tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4.

Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại bằng vắc-xin DPT. Cả 2 loại vắc-xin này nhằm ngăn ngừa trẻ mắc 5 loại bệnh hết sức nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Tuy nhiên, thời điểm này, việc tiêm 2 loại vắc-xin nói trên cho trẻ ở Nghệ An đang bị ngừng lại do sự gián đoạn cung ứng vắc-xin. Trung ương không có vắc-xin để cung ứng cho tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung.

Việc gián đoạn cung ứng vắc-xin này trước mắt sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng ở Nghệ An. Những đứa trẻ sau khi sinh nếu không được tiêm rất dễ mắc các bệnh nói trên. Và nếu tình trạng gián đoạn kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện các ca bệnh và bùng phát thành dịch.

Tại Thanh Hóa, việc thiếu vắc-xin 5 trong 1 xảy ra từ cuối năm 2022 và từ tháng 2/2023, không còn vắc-xin này. Đối với vắc-xin 3 trong 1 thì bị gián đoạn cung ứng từ tháng 3/2023 đến nay.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đang thiếu hơn 81.000 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (5 trong 1) và hơn 64.000 liều vắc-xin DPT (3 trong 1) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván để tiêm cho trẻ.

Đaij diện Trung tâm Y tế TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), không có vắc-xin khiến việc tiêm chủng không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vắc-xin, không đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi việc gián đoạn cung ứng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng do số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng rất lớn.

Theo Sở Y tế TP. HCM, việc thiếu vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu diễn ra từ tháng 5/2022 và kéo dài cho đến nay.

Dù đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế, nhưng số lượng vắc-xin cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ nhỏ trên địa bàn.

Theo dự trù của Sở Y tế, từ nay đến tháng 6/2024, TP.HCM cần khoảng 1.553.000 liều vắc-xin các loại trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Tỷ lệ tiêm vét của khu vực phía Nam cũng rất thấp, năm 2022 chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét cho năm 2021 với 338.026 mũi.

Quý I năm 2023, chỉ có 18 tỉnh, thành phố tiêm vét cho năm 2022 với 123.498 mũi tiêm. Con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỉ lệ tiêm chủng ở khu vực miền Nam.

Đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhận định, thực trạng nêu trên khiến cho Việt Nam có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Đơn cử, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Việc thiếu vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ không phải vì thiếu kinh phí mà do cơ chế chính sách của ta chưa phù hợp, do thay đổi cách làm dẫn đến lúng túng từ nhiều phía. 

Và hệ quả là đã có rất nhiều trẻ em phải trì hoãn việc tiêm chủng hoặc chuyển sang tiêm chủng dịch vụ với chi phí đắt đỏ. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Nói về việc “khát” vắc-xin tại các địa phương, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thiếu vắc-xin 3 trong 1 DPT chủ yếu là trẻ đến lịch tiêm mũi 4.

Còn thiếu vắc-xin 5 trong 1, các bệnh tác động nhất là viêm gan B, ho gà và bạch hầu. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh cao. 

Đối với bạch hầu và ho gà, năm 2022 đã tiêm vắc-xin 5 trong 1 là một trong những vắc-xin có tỷ lệ tiêm cao nhất so với vắc-xin trong Tiêm chủng mở rộng, nghĩa là đã tiêm 90,6%.

Ước tính khoảng hơn 200 nghìn trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, đối với bệnh truyền nhiễm, ngoài vũ khí duy nhất là vắc-xin, giai đoạn này, đối với bệnh ho gà và bạch hầu, tăng cường các biện pháp giám sát phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng.

"Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã có hướng dẫn tiêm bù, đặc biệt chú trọng vùng lõi như 21 tỉnh miền núi đã có kế hoạch tiêm bù đầy đủ. Thời điểm này, cán bộ y tế sẽ rất vất vả, nhưng chính vất vả trong giám sát, phát hiện mới thấy được lợi ích tiêm chủng", GS Phan Trọng Lân nói. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói về thiếu vắc-xin và thuốc
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quốc hội cho bố trí nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện chương trình mở rộng, trong bối cảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư