Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính sách cho TP.HCM vẫn tương tự như các thành phố khác, chưa đủ vượt trội
Khánh Linh - 08/06/2023 16:04
 
Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhiều đại biểu vẫn kỳ vọng cơ chế vượt trội hơn, đặc biệt hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu trên Hội trường chiều 8/6.

Là đại biểu đầu tiên đăng đàn trong phiên làm việc chiều 8/6, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đăk Nông đặt nhiều kỳ vọng vào cơ chế, đặc thù cho TP.HCM.

“Để Thành phố phát huy tối đã tiềm năng lợi thế mà địa phương khác không có. TP.HCM không chỉ cần cơ chế đặc thù, mà cần đặc biệt; không chỉ cần cơ chế vượt trội mà là cơ chế đi trước”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Viện dẫn mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) làm ví dụ cho yêu cầu cần cơ chế đặc biệt hơn, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho Công ty đang quy định trong Dự thảo Nghị quyết là chưa đủ.

“Về cơ bản, tôi tán thành với các cơ chế tài chính dành cho HFIC. Tuy nhiên, với cơ chế bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Công ty, tôi thấy là chưa đủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Vì mô hình công ty này là đầu tư vào các dự án lớn, như phát triển đường sát đô thị, cần nguồn lực lớn. Đại biểu đề nghị có cơ chế huy động tài chính đặc thù cho Công ty, như phát hành phiếu quốc tế để đầu tư một số chương trình, dự án cụ thể.

Hiện tại, theo quy định tại Dự thảo, các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho HFIC bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.

Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cùng trên nguyên tắc này, đại biểu một mặt đồng tình với việc áp dụng hình thức BOT trên những con đường hiện hữu, tuy nhiên, cần có cơ chế thực thi để đảm bảo hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Đây cũng là nội dung đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp muốn làm rõ khi phát biểu tại Hội trường. Mặc dù ông đồng tình với các chính sách đặc thù trong Dự thảo, với thời gian thực hiện 5 năm, để TP.HCM thực hiện được mục tiêu đầu tầu trong phát triển, song “tôi chưa nhìn thấy cơ chế đặc thù mang tính đột phá, mang tính dẫn dắt, vượt trội”.

“Chính sách cho Thành phố vẫn tương tự như các thành phố khác”, đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu. Như với cơ chế áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, nếu chỉ làm trên quy mô hiện tại mà không mở rộng thì không hiệu quả, nhưng đại biểu cũng nhắc đến những khúc mắc trong thực hiện các dự án BT thời gian qua tại TP.HCM để có sự cân nhắc trong xây dựng cơ chế hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Cũng đặt kỳ vọng nhiều hơn cho Nghị quyết này, Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre quan tâm đến thời gian thực hiện của Nghị quyết.

“Với TP.HCM, thời gian 5 năm là quá ngắn, trong bối cảnh quy hoạch thành phố và quốc gia chưa hoàn thiện. Để nghị kéo dài chính sách đến năm 2030 để đảm bảo hiệu quả, cùng phù hợp với kỳ quy hoạch phát triển của Thành phố và quy hoạch quốc gia là 2021-2030”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đặc biệt quan tâm đến các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược cho TP.HCM.

“TP.HCM khác các địa phương cũng ở chỗ là nhà đầu tư chiến lược. Không thể là nhà đầu tư thâm dụng vốn, ngang như Khánh Hòa, mà cần đi sâu vào các nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ nguồn...”, đại biểu nhấn mạnh.

Để tăng thêm nguồn lực phát triển cho Thành phố, ông Sơn cho rằng, cần có chính sách miễn giảm thuế cho các tập đoàn hàng đầu đang khuyến khích để họ đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam, không chỉ các nhà đầu tư tư nước ngoài mà cả đầu tư trong nước.  

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cũng nhắc đến vị trí của TP.HCM trong khu vực và nền kinh tế, nên các chính sách cho Thành phố sẽ không chỉ cho TP.HCM, mà còn cho cả nước, tác động đến cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân.

“Do đó, việc đánh giá tác động từng quy phạm trong các lĩnh vực là hết sức cần thiết”, đại biểu đặt vấn đề. Ông cũng cho rằng, nên cân nhắc việc kéo dài hay hạn chế thời gian 5 năm vì còn nhiều vấn đề vẫn phải bàn.

“Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây quy định là 5 năm, nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo lần này, thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. Vậy câu hỏi đặt ra là, tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới, liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất đưa cơ chế thu hút FDI vào Dự thảo Nghị quyết, vì với tư cách là đầu tàu kinh tế, trong tương lai sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực.

“Do đó, việc cho phép TP. HCM có cơ chế riêng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế là việc làm hết sức cần thiết”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Để nghị cơ chế giải quyết nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng BT của TP.HCM
Tổng diện tích của 7 quỹ đất thanh toán là 5,18126 ha, tuy không nhiều nhưng nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng của Thành phố đã tồn đọng trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư