Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chính sách hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp
P.V - 20/06/2019 15:34
 
Ngày 18/06, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”. Diễn đàn góp phần tạo không gian để các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến đa chiều, thảo luận về tình hình phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Chương trình có sự tham gia đồng hành của: Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty CP Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South).

.
.

Tham dự Diễn đàn có TS Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa Việt Nam,… cùng hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại Diễn đàn, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau thảo luận, phân tích nhiều nội dung, mang lại bức tranh toàn cảnh về phát triển doanh nghiệp; thực trạng đổi mới và phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế mới;  làm rõ ảnh hưởng của chính sách và môi trường kinh doanh đến phát triển của doanh nghiệp.

Diễn đàn tập trung thảo luận về 2 nhóm chủ đề chính, gồm: “Chính sách hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận định về tình hình đổi mới và phát triển doanh nghiệp: “Năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. Xu hướng năm 2019 sẽ có số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhẹ, thu hút vốn FDI khó có khả năng tăng mạnh do sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực và mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước chỉ còn hơn 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Để đẩy mạnh đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, chủ trương và hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Phần lớn các doanh nghiệp trong nước ở quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn hạn chế. Trong khi đó, mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định đúng đắn, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia cạnh tranh trên thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam cũng cho rằng chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp. Có nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là khả năng tiếp cận vốn, thủ tục tài chính thuế, đầu tư nước ngoài còn nhiều rào cản và khu vực ngân hàng còn rất chặt chẽ, khó khăn trong việc cấp tín dụng,...

Theo đó, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần phải xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn. Cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị cho doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung đầu tư công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, cần khai thác hiệu quả hơn mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để góp phần giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu nông sản ngày càng cạnh tranh khốc liệt
Nhiều đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV lo ngại trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư