Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Chờ bước đột phá của ngành đường sắt
Anh Minh - 07/09/2024 09:03
 
Những kết quả tích cực từ đợt vận chuyển cao điểm trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua không chỉ mang lại doanh thu lớn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mà còn là tín hiệu cho thấy người dân ngày càng ưu tiên lựa chọn di chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là những cự ly trung bình.

Mặc dù chưa chốt được số liệu cuối cùng, nhưng tại khu vực phía Nam, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (từ ngày 30/8 đến 3/9), Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức chạy tổng cộng 84 chuyến tàu, bao gồm cả tàu chạy hàng ngày và tàu lập thêm. Các chuyến tàu vào những ngày, giờ cao điểm như chiều đến tối ngày 30/8, sáng ngày 31/8 và tối mùng 2/9, sáng 3/9 gần kín chỗ, đưa kết quả vận chuyển cả đợt được 63.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ 2023.

Đặc biệt, hành khách lên tàu từ khu vực các ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đến các điểm du lịch rất đông, như tàu đi Phan Thiết có đến 2.400 hành khách, chiều về 2.800 hành khách; tàu đi Nha Trang có khoảng 4.200 hành khách, chiều về khoảng 4.400 hành khách; tàu đi Đà Nẵng khoảng 500 hành khách, chiều về 500 hành khách.

Tại phía Bắc, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã tổ chức chạy 145 chuyến tàu đi các tỉnh phía Nam, Hải Phòng và Lào Cai, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số chuyến tàu đều kín chỗ, nhiều chuyến có hệ số sử dụng chỗ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Trên thực tế, xu hướng người dân dần quay lại với đường sắt bắt đầu từ 2 năm nay, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các đoàn tàu không chỉ sạch đẹp, đúng giờ, mà cơ chế tiếp thị, bán vé ngày một linh hoạt, thuận lợi.

Việc ngành đường sắt ngày một đổi mới không chỉ cung cấp thêm sự lựa chọn trong di chuyển cho người dân, mà còn trực tiếp góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ trong những dịp cao điểm.

Đối với hàng hóa, cự ly ngắn (nhỏ hơn 300 km), ưu thế thuộc về đường bộ; còn với cự ly trung bình (300 - 800 km) và lớn hơn 800 km, thì ưu thế thuộc về đường thủy, hàng hải, đường sắt.

Đối với hành khách, cự ly ngắn, ưu thế thuộc về đường bộ. Với cự ly trung bình, thì đường sắt và đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế; cự ly dài thì chia đều cho hàng không và đường sắt tốc độ cao.

Đây là lý thuyết vận tải cơ bản. Song, do hạ tầng vá víu được đầu tư cách đây hơn 140 năm, nên năng lực vận chuyển đường sắt còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga.

Thực tế cho thấy, năng lực của tuyến và ga hiện không đồng bộ; mạng lưới đường sắt quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế. Ngay cả khi đã và đang được đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo hạ tầng, thì tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu cũng khó có thể vượt qua giới hạn 25 đôi tàu/ngày đêm.

Đây là lý do khiến ngành đường sắt Việt Nam khó có thể cải thiện thị phần vận tải hiện ở mức trên dưới 1%, dù nhu cầu đi lại bằng đường sắt của người dân ngày một tăng.

Yêu cầu đặt ra lúc này là kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây hơn 1 năm, với những lộ trình đầu tư cho 11 tuyến đường sắt ưu tiên, có tổng nhu cầu vốn lên tới 240.000 tỷ đồng cùng các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực có nhiều tiềm năng này, cần được triển khai nhanh và mạnh hơn nữa. Điều này sẽ  giúp mở ra cơ hội mới, cứu cánh mới cho ngành đường sắt.

Yêu cầu lớn nhất với Bộ Giao thông - Vận tải và ngành đường sắt khi triển khai Kế hoạch chính là phải quan tâm chuẩn bị thật tốt dự án đầu tư mới, làm rõ cơ chế huy động vốn tư nhân cho các dự án ưu tiên, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện), kết nối liên vận quốc tế…

Đây chính là nền tảng quan trọng để ngành đường sắt tăng tốc, có bước nước rút về đầu tư hạ tầng trong “thập kỷ bùng nổ đầu tư đường sắt giai đoạn 2025 - 2035” và cũng là nhân tố quan trọng giúp định vị lại ngành đường sắt, trở thành phương tiện di chuyển nhanh, an toàn và tiện lợi hàng đầu của người dân trong 5 - 10 năm tới.

Ngành đường sắt chuẩn bị khai thác tuyến tàu khách du lịch giữa Huế và Đà Nẵng
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy hàng ngày 2 đoàn tàu khách du lịch giữa ga Huế đến ga Đà nẵng và ngược lại, theo hình thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư