Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Chờ đón cú thoát hiểm của BIDV
Hà Tâm - 26/04/2018 15:06
 
Sắp bị nhiều ngân hàng TMCP tư nhân vượt mặt về lợi nhuận, BIDV hy vọng sẽ lấy lại vị thế của một ông lớn sau thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến diễn ra ngay trong năm 2018.

Thương vụ hoàn tất trong năm 2018?

So với các “đại gia” khác trong lĩnh vực ngân hàng, BIDV đang dẫn đầu về quy mô tổng tài sản (trên 1,2 triệu tỷ đồng) và huy động vốn. Tuy vậy, xét về lợi nhuận, BIDV lại “đội sổ”. Tổng tài sản lớn và tăng nhanh trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) đã chạm mức nguy hiểm đang khiến ngân hàng này chịu áp lực tăng vốn rất nặng nề. 

Trong bối cảnh thời điểm áp dụng Basel II đã cận kề, BIDV kỳ vọng sẽ “chốt” được thương vụ chào bán cổ phiếu lịch sử trong năm nay, giúp tăng vốn ngoạn mục lên 43.638 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, ngân hàng này đề ra nhiều phương án tăng vốn, nhưng đều không thể thực hiện.  

Thời điểm áp dụng Basel II đã cận kề, BIDV kỳ vọng sẽ “chốt” được thương vụ chào bán cổ phiếu lịch sử trong năm nay.
Thời điểm áp dụng Basel II đã cận kề, BIDV kỳ vọng sẽ “chốt” được thương vụ chào bán cổ phiếu lịch sử trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức mới đây, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BDIV thừa nhận, 3 năm qua, Ngân hàng đã không tăng được vốn như kế hoạch đề ra, hệ số CAR dần chạm mức giới hạn. Chính vì vậy, cả năm qua, Ban lãnh đạo ngân hàng này đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tính đến nay, đã có hơn 20 nhà đầu tư - chủ yếu là các định chế tài chính, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới - quan tâm. Trong số đó, có một nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm sâu sắc. 

Được biết, sau hơn một năm đàm phán qua nhiều vòng, BIDV và nhà đầu tư này đã cơ bản đạt được một số thỏa thuận. Ngân hàng đang hoàn thiện sơ bộ thỏa thuận, hợp đồng để trình cơ quan quản lý phê duyệt, sau đó mới xem xét mức giá kỳ vọng và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Trước khi ký kết, BIDV sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông một lần nữa. 

Tổng giám đốc BIDV cũng kỳ vọng, thương vụ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra ngay trong năm 2018. Chưa nói đến những lợi ích cộng hưởng, nếu được thực hiện thành công, thương vụ sẽ là cú thoát hiểm vào giờ chót, giúp BIDV đưa hệ số CAR về mức an toàn.

Sẽ để đối thủ vượt mặt?

Là 3 ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống, BIDV, VietinBank và Vietcombank từng có vị thế xấp xỉ nhau. Tuy vậy, những năm gần đây, Vietcombank đang vươn lên dẫn đầu và tạo khoảng cách khá xa với 2 ngân hàng còn lại về hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

Kết thúc quý I/2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt mức kỷ lục  4.359 tỷ đồng, lợi nhuận VietinBank đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến đầu quý II (ngày 20/4/2018), lợi nhuận của BIDV mới đạt 2.700 tỷ đồng. Như vậy, về lợi nhuận, hiện tại BIDV đã thua một số ngân hàng TMCP tư nhân (VPBank chỉ riêng quý I/2018 lãi 2.619 tỷ đồng). 

So với các đối thủ khác, BIDV có thị phần khá tốt, tăng trưởng ở các mảng hoạt động cũng rất khá. Cụ thể, năm 2017, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV chiếm 13,7% thị phần toàn ngành. Huy động vốn chiếm gần 13% thị phần toàn ngành (cao nhất hệ thống).  

Trong cơ cấu hoạt động, BIDV cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động bán lẻ, chứ không chỉ dựa dẫm vào khách hàng bán buôn. Dư nợ bán lẻ của ngân hàng này tăng trưởng 35%, chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ. Hoạt động dịch vụ của BIDV cũng tăng trưởng rất khá và là một trong những ngân hàng có nguồn thu dịch vụ ròng lớn nhất hệ thống. 

Thực tế, so với 2 ngân hàng còn lại, BIDV có lợi nhuận trước dự phòng lớn nhất. Lý do khiến BIDV phải thua kém nhiều đối thủ khác về lợi nhuận là chi phí xử lý hậu quả nợ xấu những năm trước quá lớn. Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Ngân hàng đạt hơn 23.512 tỷ đồng - cao nhất hệ thống. Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng rủi ro tới gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ còn 8.665 tỷ đồng.  

Theo dự kiến, trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt 9.300 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu lợi nhuận của một số ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank, Techcombank đặt ra. Như vậy, trong ngắn hạn, việc BIDV bị một số “đàn em” vượt mặt gần như chắc chắn.

Tuy vậy, nhìn vào số liệu nợ xấu của BIDV hiện tại, có thể thấy, ngân hàng này chỉ cần trích lập dự phòng “khủng” trong vài năm nữa. Một khi lợi nhuận bớt bị ăn mòn, cộng với việc tìm kiếm đối tác nước ngoài thành công (khả năng là KEB Hana của Hàn Quốc), thì BIDV sẽ sớm trở lại đường đua tứ hùng về lợi nhuận.

Bảo hiểm BIDV báo lãi 186 tỷ đồng cả năm 2017
Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư