Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chờ đón lực đẩy từ các hãng hàng không
Bảo Như - 21/04/2020 16:16
 
Nhiều hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng cất cánh trở lại ngay sau khi Covid-19 kết thúc.
Các hãng hàng không đang tăng dần tần suất bay. Ảnh: Đức Thanh
Các hãng hàng không đang tăng dần tần suất bay. Ảnh: Đức Thanh

Các cánh bay trở lại

Mặc dù đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng chống Covid-19 chưa kết thúc, nhưng nhiều hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu tăng dần tần suất các chuyến bay kết nối 3 thành phố lớn nhất nước là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Theo đó, kể từ 0h ngày 17/4 đến hết ngày 24/4, sẽ có 10 chuyến bay/ngày trên các đường bay: Hà Nội – TP.HCM và ngược lại, Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại, TPHCM - Đà Nẵng và ngược lại, với sự tham gia của cả 4 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific và Bamboo Airways.

Ngoài các đường bay trên, các hãng hàng không cũng đang bắt đầu lập kế hoạch gửi đến Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định mở lại một số đường bay khác trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

Trước đó, hoạt động vận tải hành khách bằng hàng không gần như tê liệt. Để thực hiện các quy định về phòng chống Covid-19, các hãng hàng không đã phải dừng các chặng bay quốc tế và cắt giảm phần lớn số đường bay nội địa. Đặc biệt, trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội (1/4- 16/4), đối với chặng bay Hà Nội - TP.HCM, cả 4 hãng chỉ còn luân phiên bay 2 chuyến mỗi ngày, phân bổ cho 2 hãng. Chặng bay đến/đi Đà Nẵng chỉ bay 1 chuyến/ngày.

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc mở lại các đường bay tại thời điểm này gần như không mang lại lợi ích kinh tế do nhu cầu đi lại của người dân vẫn còn rất thấp, nhưng đây là sự cụ thể hóa cam kết của ngành hàng không trong nỗ lực chung tay cùng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải từng bước phục hồi hoạt động giao thương sau Covid-19.

Trong khi chưa thể nối lại các chuyến bay chở khách như thường lệ, Vietnam Airlines và VietJet đều đẩy mạnh khai thác đội tàu bay chở hàng hóa giúp hạn chế tình trạng tàu bay “nằm đất”, tối ưu hóa nguồn lực sẵn có và đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các hãng trong giai đoạn khó khăn.

Trong tháng 4/2020, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế. Hãng dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chuyên chở hàng hóa Hà Nội - TP.HCM và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội.

“Hãng đang tiếp tục nghiên cứu để đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm góp phần củng cố nền kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trước những khó khăn do Covid-19 gây ra”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Sẽ sớm phục hồi

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp Việt Nam kiểm soát tốt và công bố hết dịch vào đầu tháng 5/2020, thì tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng đường bay cũng như tần suất khai thác, kịp phục vụ cao điểm hè 2020.

Ngoài ý nghĩa kinh tế, việc các hãng bay sớm khai thác trở lại còn đem đến niềm tin về việc Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn trong con mắt bạn bè quốc tế.

Nhận định này khá tương đồng với dự báo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo đó, ACV dự báo, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi vào tháng 6/2020; các đường bay đến Trung Quốc sẽ được tái lập dần vào tháng 5/2020; đường bay đi Hàn Quốc, châu Âu phục hồi từ tháng 7/2020.

Cần phải nói thêm, việc các hãng hàng không trong nước nhanh chóng nối lại hoạt động bay thực sự là một cố gắng, nỗ lực rất lớn, bởi ngành hàng không là lĩnh vực chịu tác động trực diện, nặng nề nhất của Covid-19, với tổng tổn thất toàn ngành có thể hơn 40.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, mặc dù chịu thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng với việc nhiều hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là VietJet, có tình hình tài chính khá bền vững; cơ cấu đội bay, mạng bay hợp lý lại được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ, kích cầu kinh tế; nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một tăng cao..., thị trường hàng không Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có tốc độ phục hồi nhanh hơn mặt bằng chung của ngành hàng không khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, sự phục hồi sớm của hàng không sẽ tạo cú hích lớn cho một loạt ngành kinh tế khác, trong đó có lĩnh vực du lịch.

“Ngoài ý nghĩa kinh tế, việc các hãng bay sớm khai thác trở lại còn đem đến niềm tin về việc Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn trong con mắt bạn bè quốc tế”, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp hàng không cũng sắp đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ lớn của Chính phủ. Cụ thể, ngoài các hỗ trợ chung về thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc miễn, giảm các loại giá, phí dịch vụ hàng không (phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất). Bộ Tài chính cũng được yêu cầu sớm báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4/2020 về miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải.

“Hàng không chắc chắn sẽ là một trong những “lò xo” có sức bật mạnh nhất, để cùng với cả nước chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch, như lời kêu gọi mới đây của Thủ tướng”, một lãnh đạo hãng hàng không cho biết.

Hàng không Việt Nam tạm dừng khai thác tất cả đường bay thương mại quốc tế
Sau khi chuyến bay của Vietnam Airlines từ Đức hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn vào sáng nay (25/3), các hãng hàng không Việt Nam sẽ tạm dừng khai thác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư