Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chớ thờ ơ với tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Dương Ngân - 06/07/2022 10:09
 
Người dân đang có tâm lý bỏ qua việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Điều này được cảnh báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi dịch bệnh có dấu hiệu quay trở lại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dịch đang quay trở lại

Đại diện Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã thâm nhập vào Việt Nam. Dự kiến thời gian tới, số ca mắc biến thể mới sẽ tăng. Qua một số đánh giá ban đầu, biến chủng BA.5 và BA.4 có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng BA.1, BA.2 trước đó.

Không những vậy, theo phản ánh của một số cơ sở y tế, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng đang có xu hướng cao.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần qua, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện gia tăng, phần lớn ở những nhóm đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền mãn tính, béo phì.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, đa phần những bệnh nhân này đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hơn 6 tháng, nên miễn dịch đã giảm. Bên cạnh đó, khả năng phòng ngừa của vắc-xin đối với mỗi biến chủng là khác nhau, khi xuất hiện biến chủng mới, người dân cũng dễ mắc Covid-19 hơn.

Chưa kể, số bệnh nhân hậu Covid-19 mắc biến chứng nặng cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo PGS-TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện, trong 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu Covid-19 tại Bệnh viện, có đến 283 bệnh nhân bị mắc hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) và 50% trong số này phải điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, ECMO.

Hội chứng MIS-C là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.

PGS-TS. Trần Minh Điển cho biết, phác đồ điều trị hội chứng MIS-C rất tốn kém. Ví dụ, phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nên phân nhóm ưu tiên tiêm chủng?

Hiện cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc-xin phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc lại. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản.

PGS-TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm rất nhanh, do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm đủ các mũi cơ bản, nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, hội chứng hậu Covid-19 là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới.

Theo thông báo trong tháng 6/2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19. Do đó, việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10 đến tuần thứ 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2”, PGS-TS. Dương Thị Hồng nói.

Theo đó, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, thông điệp của WHO rất rõ, nơi chưa tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là chưa an toàn và có nguy cơ kết hợp trở thành biến thể mới. Vắc-xin vẫn là vũ khĩ hữu hiệu nhất làm giảm ca mắc Covid-19 nặng, tử vong.

Ở một góc nhìn khác, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, việc tiêm chủng phòng Covid-19 là rất quan trọng, ngay cả thời điểm hiện tại, nhưng không nên yêu cầu mọi người dân tiêm phòng, mà nên phân ra các nhóm “ưu tiên”, khuyến khích, vận động từng nhóm tự nguyện tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng của Covid-19 có mối liên hệ chặt với tuổi tác, tính dễ bị tổn thương. Ví dụ, tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi là gần 8%, trong khi chỉ là 0,0016% ở trẻ em dưới 10 tuổi, như vậy, người già thuộc nhóm “ưu tiên” vận động tiêm chủng.

Các nhóm nguy cơ rất cao mắc Covid-19 gồm những người làm công việc tiếp xúc nhiều (nhân viên y tế, những người làm công việc tiếp đón, nhân viên thu ngân, nhân viên bán hàng). Những nhóm dễ mắc bệnh và khi nhiễm sẽ có nguy cơ trở nặng và tử vong là người cao tuổi, người mắc các bệnh nền (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh mãn tính, ung thư).

Chuẩn bị kịch bản chống dịch khi biến thể BA.5 xâm nhập vào Việt Nam
Trước việc biến thể BA.5 xâm nhập Việt Nam Bộ Y tế đang đề xuất phương án ứng phó với hai tình huống cụ thể.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư