Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chọn cách đi “một mình một dòng”
Nhi Lữ - 11/04/2015 07:57
 
Nhiều lần chọn cách đi “một mình một dòng” nhưng dựa trên sự nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, ông Lê Thanh Thuấn đã chèo lái Tập đoàn Sao Mai An Giang (tên gọi khác của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) vượt qua không ít thời điểm cam go.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
CEO Phạm Nhật Nga: Giấc mơ doanh nghiệp triệu đô
Tỷ phú Li Ka - Shing và kế hoạch trị giá 15 tỷ USD
Doanh nhân Nguyễn Liên Phương: "Chỉ có cái tốt mới tồn tại"
"Buôn có bạn, bán có phường"
Doanh nhân Trịnh Bảo Quốc: Kinh doanh phải biết tạo xu hướng

Không đua theo đám đông

Còn nhớ, tại thời điểm thị trường bất động sản đang “lên cơn sốt”, trong khi nhiều đại gia đua nhau đổ tiền vào các dự án lớn, thì Sao Mai An Giang lại đi một mình một dòng khi nhắm đến đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực. Đến năm 2008, khi cơn bão suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính tấn công vào nền kinh tế Việt Nam khiến nhiều người lo ngại, nhưng ông Thuấn vẫn tin vào tính khả thi của các dự án bất động sản của Tập đoàn.

Doanh nhân Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai An Giang

“Hướng đi của chúng tôi khác biệt so với các doanh nghiệp khác, đó là không đua theo cái người ta đang làm, mà làm những cái người dân đang cần, dựa trên thực lực của mình và tiềm năng của địa phương cũng như nhu cầu thị trường”, ông Thuấn chia sẻ.

Trước đó, năm 2006, dù các khu công nghiệp ra sức mời chào doanh nghiệp, nhà đầu tư đến thuê đất, với nhiều ưu đãi và tiện ích hấp dẫn, nhưng ông Thuấn không để Sao Mai An Giang bị cuốn vào dòng chảy đó, mà dành tiền để tích lũy quỹ đất cho các công ty con như: Nhà máy Chế biến thủy sản IDI, Nhà máy Bột cá Triseco, Nhà máy Tinh luyện dầu cá… Nếu hám lợi mà bán đất hoặc cho thuê với giá rẻ từ hồi đó, thì chắc chắn các nhà máy của Sao Mai An Giang không được tập trung vào một khu như bây giờ, mà phải đi thuê đất với giá cao ở những vị trí khác nhau, ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh và gây khó khăn cho khâu quản lý, điều hành.

Nhắc đến chuyện đó, nhiều người cho rằng, dường như vị thuyền trưởng của Sao Mai An Giang đã tiên đoán, lường trước được tình huống và chuẩn bị sẵn các chiến lược để ứng phó kịp thời. Song ông Thuấn bảo, bên cạnh chiến lược thì cần phải có sách lược. Sách lược có tính quyết định thành công của một doanh nghiệp là tinh thần đoàn kết nội bộ.

“Một doanh nghiệp mất đoàn kết thì không thể làm được điều gì cho sự phát triển, vì mọi người không an tâm lao động, chỉ lo đối phó nhau, mà không nghĩ đến chuyện sáng tạo và tất nhiên hiệu quả làm việc cũng bị giảm sút”, ông nói và khẳng định, yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của Sao Mai An Giang là trí tuệ của tập thể.

Luôn tâm niệm điều đó, nên mỗi khi đưa ra dự án hay kế hoạch mới, dù có bằng kỹ sư lâu năm và nhiều kinh nghiệm quý báu, nhưng ông Thuấn không bao giờ tự quyết hay độc đoán thực hiện. Ông chủ động mời các kỹ sư, cán bộ chủ chốt đến góp ý và trân trọng mọi ý kiến. “Phản biện càng vặn vẹo, càng khó nghe thì càng tốt. Chính những phản biện đó giúp tôi nhìn ra nhiều góc cạnh của vấn đề, đúc kết thành phương án thực hiện khả thi nhất và tránh được rủi ro”, ông Thuấn chia sẻ.

Học hỏi không ngừng

Bước vào phòng làm việc của người đứng đầu một tập đoàn với trên 5.000 lao động, vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng và 10 công ty thành viên, kinh doanh đa ngành nghề, nhiều người sẽ bất ngờ vì khoảng vườn nhỏ yên bình với nhiều hoa cỏ và sỏi trắng. Một sự bình yên và giản dị khác hẳn phong cách sang trọng, giàu có thường thấy trong phòng làm việc của các lãnh đạo tập đoàn lớn. “Tiểu cảnh thiên nhiên đem đến cho tôi nguồn năng lượng và cảm hứng sáng tạo”, ông Thuấn giải thích.

Có lẽ đó là bí quyết khiến ông, dù đã trải qua gần 30 năm quản lý sản xuất và kinh doanh, trong đó có 18 năm dẫn dắt Sao Mai An Giang, nhưng không bị “mòn” tư duy, mà luôn có nhiều vận dụng mới trong định hướng kinh doanh. Nhiều người cho rằng, làm kinh doanh càng lâu, tuổi đời càng lớn, thì càng dễ bị… ỳ. “Nhưng với tôi, càng trải nghiệm, càng đối đầu với thương trường cạnh tranh, tôi càng linh hoạt, càng tỉnh táo và càng bật ra nhiều điều mới mẻ hơn”, ông Thuấn chân thành bày tỏ.

“Tiểu sử Chủ tịch Tập đoàn Huyndai” chính là cuốn sách ông Thuấn thích nhất. Cuốn sách kể câu chuyện vị chủ tịch trình độ lớp 3 này đã đưa ra ý tưởng sáng tạo về giải pháp lấn biển rất hiệu quả (mua tàu cũ, bỏ đá và đánh chìm làm đê chắn sóng), đã thuyết phục được các nhà khoa học hàng đầu của Hàn Quốc và được nhiều quốc gia sử dụng.

“Câu chuyện cho thấy, sáng tạo không dành cho riêng ai, chỉ cần có nghị lực và hết lòng về điều gì, thì sẽ được đáp trả xứng đáng. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu nỗ lực, thận trọng, năng động, sáng tạo và nắm bắt cơ hội thì sẽ thành công”, ông Thuấn chia sẻ.

Gần 30 năm làm lãnh đạo, ông Thuấn luôn không ngừng học hỏi chuyên môn. Tính ra, ông đã dành hơn 22 năm để học, từ phổ thông đến cao học, từ các khóa quản lý kinh tế, các lớp học ngoại khóa với các cộng sự, đồng nghiệp đến thời gian tự học trên mạng… Khi công ty định hướng kinh doanh đa ngành, thì thời gian ông học hỏi chuyên môn càng dày hơn.

“Đang làm xây dựng, Sao Mai An Giang chuyển sang làm thêm ngành thủy sản, du lịch, thì tôi phải học để biết về các loại hình du lịch, các nguyên lý vận hành cơ bản của nhà hàng, khách sạn, phải biết vì sao cá chết hàng loạt và nhà máy vận hành như thế nào cho hiệu quả... Hoặc như một việc tưởng chừng rất nhỏ là giữ vệ sinh công ty sạch sẽ, tôi cũng phải học”, ông nói.

Nhờ mày mò học hỏi, ông đã tìm ra biện pháp giữ vệ sinh trong công ty rất hiệu quả mà không phải sử dụng quá nhiều nhân lực như các doanh nghiệp khác. Thay vì giao cho một nhân viên làm vệ sinh cho mấy ngàn người thì sẽ không xuể, ông biến người đó thành “cảnh sát môi trường”, hễ phát hiện ai không giữ vệ sinh thì yêu cầu người đó khắc phục. Người bị phát giác sẽ bị phạt 50.000 đồng, bị thông báo cho toàn công ty, rồi phải tự làm “cảnh sát môi trường” cho đến khi phát giác người vi phạm mới.

Mạnh dạn thử thách

Nhắc đến Sao Mai An Giang, nhiều người biết rằng, đây không chỉ là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất công nghiệp, mà còn là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thành công trong phát triển sản phẩm dầu cá Ranee.

Thời gian đầu lấn sân vào lĩnh vực này, Sao Mai An Giang cũng không thoát khỏi quỹ đạo thất bại như các doanh nghiệp khác từng nghiên cứu nhằm tận dụng các thành phần dinh dưỡng quý hiếm từ phế phẩm trong chế biến cá basa xuất khẩu. Nhưng khác với những người đi trước, ông Thuấn và Sao Mai An Giang không cam chịu thất bại. Họ quyết tâm phải đi đến cùng, với mong muốn chế biến mỡ cá thô vốn chỉ dùng để sản xuất dầu bio-diesel hoặc xuất khẩu với giá rẻ thành dầu cá có giá trị cao hơn gấp nhiều lần.

“Đến thời điểm này, tôi đã có thể thở phào vì sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình ngoài dự kiến. Nhà máy hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, nên chúng tôi đang chuẩn bị khẩn trương lắp đặt dây chuyền thứ hai”, ông Thuấn hồ hởi khoe.

Theo ông Thuấn, trên thị trường thực phẩm, cạnh tranh trong phân khúc dầu thực vật rất gay gắt, dầu cá viên uống con nhộng cũng đã có nhiều nhà sản xuất. Nhưng dầu cá đem vào bếp ăn mà không còn mùi tanh, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và vẫn giữ được trọn vẹn các dưỡng chất tự nhiên như Omega 3, 6, 9 và Vitamin A thì Sao Mai An Giang là đơn vị đầu tiên trên thế giới làm được.

Để có được sản phẩm hoàn thiện như hôm nay, ông Thuấn và các cộng sự tại Sao Mai An giang phải mày mò nghiên cứu trong nhiều năm, tìm hiểu công nghệ ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Họ phải sang châu Âu đặt hàng nhiều nơi, nhưng chỉ có duy nhất một đối tác thành công. Chỉ sau khi đem mẫu ra Viện Nghiên cứu dinh dưỡng tại châu Âu phân tích, rồi đem về Viện Dinh dưỡng quốc gia nhờ kiểm định, ông mới quyết định đầu tư trên 500 tỷ đồng xây nhà máy lớn với công suất 200 tấn/ngày, sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế FSSC khép kín.

“Dầu cá cao cấp Ranee của chúng tôi chỉ chiếm thị phần nhỏ (5-10%), nên không phải là đối thủ ghê gớm trên thị trường dầu ăn bây giờ, không làm cho các thương hiệu khác phải lo lắng. Một lợi thế khác là nhà máy của Sao Mai An Giang nằm tại khu công nghiệp hiện đại, lại thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, giúp giá thành sản phẩm rất cạnh tranh”, ông Thuấn nói về những nghiên cứu và bước đi cẩn trọng đã tạo đà cho sản phẩm dầu cá Ranee như hiện nay.

Đôi nét về ông Lê Thanh Thuấn

Sinh năm 1958, tại Xuân Thịnh, Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Sau khi trở thành kỹ sư xây dựng, từ năm 1977, ông về làm việc tại Sở Xây dựng tỉnh An Giang.

Từ năm 1979, là cán bộ của Sở Quản lý nhà đất An Giang.

Năm 1982, được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước An Giang.

Năm 1988, là Giám đốc Công ty liên doanh Kiến trúc An Giang.

Từ năm 1992, được cử làm Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Tây Sông Hậu (thuộc Công ty Xây dựng miền Tây, Bộ Xây dựng).

Năm 1997, thành lập và điều hành Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư