Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Chọn sai tổ hợp môn học, học sinh lớp 10 chật vật ở những năm sau
Hưng Anh - 08/07/2024 14:02
 
Chưa hết vui mừng vì đỗ vào lớp 10, các em học sinh tiếp tục “cân não” khi phải lựa chọn các tổ hợp môn học cho suốt 3 năm. Nếu lựa chọn sai, những năm sau sẽ vô cùng chật vật để bắt đầu lại.

Bắt buộc phải lựa chọn tổ hợp 4 môn khi vào lớp 10

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu với chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12.

Để đáp ứng mục tiêu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10, học sinh sẽ phải học 8 môn học bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh, Quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Theo đó các em sẽ phải đăng ký học tổ hợp lựa chọn với 4 môn trong các nhóm: nhóm Khoa học tự nhiên (Vật Lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Việc đăng ký lựa chọn tổ hợp môn học được thực hiện ngay khi các em vừa đỗ vào lớp 10 THPT.

Việc đăng ký lựa chọn môn học được thực hiện ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10. Các môn lựa chọn là những môn học mà học sinh sẽ theo học suốt 3 năm Trung học phổ thông. Theo phương thức tuyển sinh vào cao đẳng, đại học mà các trường đang sử dụng, có thể sử dụng kết quả của các môn học lựa chọn để xét tuyển bằng xét tổ hợp các môn học, hoặc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Như vậy, việc xác định 4 môn học lựa chọn phù hợp sẽ giúp học sinh tập trung vào thế mạnh và mục tiêu, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, công sức để phát hiện và theo đuổi nghề nghiệp tương lai.

Học sinh dễ hoang mang khi đặt bút chọn tổ hợp môn nên phải chọn lại

Việc lựa chọn tổ hợp 4 môn khi vào ngưỡng cửa THPT là điều bắt buộc, tuy nhiên gây không ít học sinh và các bậc phụ huynh rơi vào tình thế hoang mang không biết chọn gì. Lý do được đưa ra: Trong 4 năm học THCS, các em quá tập chung cho các môn thi, vì thế không biết yêu thích và đam mê cái gì. Tiếp nữa, học sinh ở độ tuổi 15 còn khá non nớt để nhận thức về những nghề nghiệp trong tương lai nên khi lựa chọn tổ hợp môn sẽ phụ thuộc vào nhiều lựa chọn của phụ huynh chứ không phải của chính các em.

Chính điều này khiến nhiều học sinh đặt bút lựa chọn tổ hợp môn từ năm học lớp 10, nhưng sau đó lại có sự thay đổi. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, các em phải học trọn vẹn hết năm học và khi thay đổi thì môn trong tổ hợp mới, các em sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường.

Về việc này, trong chương trình tư vấn từ khi vào lớp 10, phụ huynh được nghe để hiểu rõ, đồng thời nhà trường cũng cho các em khoảng thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng đầu năm học có thể thay đổi nguyện vọng một lần nữa.

Với những trường hợp các em phải chuyển trường, cũng phải cân nhắc rất kỹ bởi các trường THPT xây dựng tổ hợp môn khác nhau vì thế trước khi chuyển phải tìm được trường có tổ hợp môn đúng như tổ hợp môn học ở trường đang học mới chuyển được.

Lời khuyên của các thầy cô giáo khi lựa chọn tổ hợp môn học

Việc lựa chọn tổ hợp môn của các em học sinh quyết định đến sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị của nhà trường. Bên cạnh đó, việc sắp xếp giáo viên, cách thức tổ chức và sắp xếp thời khóa biểu, cũng lựa theo các tổ hợp môn của các em cho phù hợp.

Vì vậy, đăng ký môn học lựa chọn của học sinh là một trong những căn cứ để nhà trường chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực đảm bảo cho năm học, như giáo viên, kế hoạch giảng dạy môn học, tập huấn giáo viên, nhân viên… và cách thức tổ chức hoạt động dạy và học trong nhà trường cho năm học mới.

Lựa chọn tổ hợp môn khiến các bậc phụ huynh và các em học sinh phải "cân não".

Vì thế, ngay từ thời điểm các em biết tin mình đỗ vào lớp 10, bắt đầu lựa chọn tổ hợp môn cần chú ý những điều sau:

Lựa chọn dựa vào mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Học sinh cùng cha mẹ trả lời các câu hỏi như các em muốn làm nhóm ngành nghề nào sau khi tốt nghiệp? Để làm ngành nghề đó, học sinh sẽ học các năng lực của nghề ở đâu? Trường đại học hoặc hoặc trường nghề nào sẽ đào tạo ngành nghề đó? Khoa, ngành đào tạo đó tuyển sinh bằng những phương thức nào, học xét các tổ hợp môn học nào? Từ đó, học sinh và cha mẹ lựa chọn các môn học liên quan đến các tổ hợp xét tuyển.

Dựa vào năng lực và sở thích hiện tại của học sinh. Đây là căn cứ được nhiều học sinh dùng để lựa chọn nhất. Với lựa chọn này mang đến cảm giác an toàn và tự tin vì các môn học lựa chọn thường là các môn học sinh học tốt hơn, hoặc yêu thích hơn. Tuy nhên đến năm lớp 12, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu phương thức tuyển sinh của các trường và các ngành có xét tuyển các tổ hợp có môn học mình thế mạnh hay không. Có nhiều em đến lúc này lại đau đầu để chọn trường và suy nghĩ vào đại học, nhưng chưa biết ra trường làm nghề gì.

Dựa vào xu thế, có nhiều nghề sẽ mất đi và nhiều nghề mới ra đời. Việc lựa chọn môn học cũng cần đón lấy xu thế này thay vì bó khung hạn hẹp trong các nghề truyền thống đã biết. Vì vậy, việc chọn môn cần thiết để tạo nền tảng năng lực cho tương lai phải là ưu tiên. Điều này có thể mâu thuẫn với việc chọn môn học dựa trên sở trường và sở thích của học sinh nhưng lại phù hợp với việc lựa chọn ngành nghề mà các em muốn theo đuổi sau này.

Những ngôi trường đạt thành tích ấn tượng trong kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội
Mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Hà Nội, một số ngôi trường đạt thành tích đáng nể. “Top” 5 trường có thành tích tốt nhất gồm THCS...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư