Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chống dịch Covid-19: Cần tập trung xét nghiệm nơi nguy cơ cao
D.Ngân - 07/06/2021 09:20
 
Với hai điểm nóng dịch Covid-19 là Bắc Giang, Bắc Ninh theo các chuyên gia cần tập trung xét nghiệm Covid-19 ở những nơi có nguy cơ cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang khi phong toả một huyện vẫn phải chọn những xã nào có nguy cơ cao, tập trung xét nghiệm, không phải xét nghiệm toàn huyện.

Người đã được tiêm vắc-xin vẫn phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.

Theo chuyên gia, bên cạnh tầm soát ở những huyện đã giãn cách xã hội cũng phải liên tục tầm soát ở các huyện khác. Việc xét nghiệm trong cộng đồng là để đánh giá nguy cơ, khác với xét nghiệm trong doanh nghiệp là xác định những người âm tính để quyết định cho công nhân đi làm.

“Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã cho hoạt động trở lại theo hình thức công nhân ăn ở tại nhà máy, Bắc Ninh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sàng lọc trong vòng 2 tuần để bóc ra các ca nghi ngờ”, ông Phu cho hay.

Liên quan tới việc tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thí điểm cho công nhân tự lấy mẫu, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Ninh lo ngại công nhân không có kỹ năng lấy mẫu chính xác, không ngoại trừ có trường hợp không trung thực. 

Trước thực tế nêu trên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngay trong lúc lấy mẫu cũng cần tập huấn cho công nhân, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, đề nghị doanh nghiệp có cơ chế cùng với lực lượng y tế giám sát việc lấy mẫu.

Về xét nghiệm tầm soát cộng đồng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần kết hợp lấy mẫu ngẫu nhiên ở các khu nguy cơ với các công cụ như khai báo y tế, tổng đài gọi điện thoại tự động chăm sóc sức khoẻ nhân dân,… để lựa chọn khu vực lấy mẫu sao cho tiết hiệm, hiệu quả hơn.

Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm phải tuân thủ đầy đủ quy trình, không để xảy ra lây nhiễm cho người lấy mẫu hoặc giữa người được lấy mẫu, tránh tránh trường hợp có 1 cán bộ tăng cường về lấy mẫu ở Bắc Ninh đã bị lây Covid-19.

Ngoài công tác xét nghiệm, tại các điểm nóng của dịch, việc tăng cường quản lý tại các điểm cách ly tập trung là rất quan trọng.

Liên tục trong hai ngày 5 và 6 tháng 6, UBND tỉnh Bắc Giang, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh liên tiếp ban hành các văn bản về việc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch, trong đó tiếp tục nhấn mạnh chấn chỉnh hoạt động của các khu cách ly tập trung. 

Theo lãnh đạo tỉnh này, với gần 20 nghìn trường hợp là F1 đang cách ly tập trung thì việc quản lý chặt, không để lây nhiễm chéo, thậm chí lây nhiễm ra ngoài cộng đồng là điều cần thiết.

Trong công tác tiêm chủng vắc-xin, hiện nay nhiều người sau khi được tiêm vắc-xin (1 hoặc đã tiêm đủ 2 mũi) có tâm lý chủ quan cho rằng như vậy là đã an toàn, sau khi tiêm sẽ không bị mắc bệnh nữa nên không quan tâm thực hiện 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).

Theo PGS. Trần Như Dương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tiêm vắc-xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, người đã tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là những người mới tiêm 1 mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K. 

Sở dĩ như vậy là do, vắc-xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau vắc-xin mới bắt đầu có tác dụng và mức bảo vệ vẫn còn thấp. Sau mũi tiêm thứ 2 từ 1 tháng trở ra, vắc-xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 80%.

Bên cạnh đó, vắc-xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Chính vì vậy, theo chuyên gia, người đã được tiêm vắc-xin vẫn phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng nay 7/6, cả nước có 15 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 mới.

Sáng nay, Việt Nam đã có thêm 44 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 12 ca liên quan đến Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM.

Các ca nhiễm mới sáng nay bao gồm 24 ca ở Bắc Giang, 12 ca ở TP. Hồ Chí Minh, sáu ca ở Bắc Ninh và hai ca ở Hà Nam, đều là các ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cho biết, có 15 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Đà Nẵng: Xét nghiệm cho tất cả học sinh và giáo viên tham gia kỳ thi chuyển cấp
Sở Y tế TP. Đà Nẵng vừa có kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ học sinh và giáo viên tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại thành phố này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư