Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chống dịch nơi biên giới Tây Nam
D.Ngân - 23/04/2021 19:10
 
22 ngày Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh mới trong cộng đồng trong khi đó tình hình dịch bệnh tại Campuchia và Lào đang diễn biến rất phức tạp.

Để giữ vững thành quả chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, cần sự quyết liệt từ các cấp, sự bền lòng của lực lượng chốt chặn tại các đường biên giới, đặc biệt các tỉnh, thành phố giáp ranh Campuchia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác chống dịch tại Đồng Tháp.

Tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng, Campuchia) công tác ngăn chặn dịch xâm nhập từ biên giới đang được rốt ráo thực hiện.

Các cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch cho biết, từ sau khi tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, tại cửa khẩu đã dừng công tác xuất cảnh cho người dân trừ các trường hợp xuất cảnh làm nhiệm vụ chống dịch bệnh hoặc chuyên gia xuất cảnh đến Campuchia làm việc.

Hiện nay tại cửa khẩu chỉ tiếp nhận giao thương hàng hoá, công tác xuất - nhập khẩu hàng hoá được kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể tài xế các phương tiện sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra hàng hoá.

Tài xế lên cabin được niêm phong và di chuyển đến bến vận chuyển cách cửa khẩu khoảng 400 mét. Trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, hàng hoá được vận chuyển xuống bến, tài xế và phương tiện trở lại Campuchia. Những hàng hoá này sẽ được công dân và phương tiện trong nước vận chuyển vào nội địa.

Phương án này nhằm đảm bảo các mối đe doạ của dịch bệnh không thể xâm nhập sâu vào nội địa, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đối với công tác quản lý nhập cảnh, theo chỉ đạo, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Những trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân các cán bộ sẽ từ chối làm thủ tục nhập cảnh. Trường hợp có giấy tờ tuỳ thân sẽ được áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh: đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế, đeo khẩu trang… được cách ly đúng quy định sau khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp “lách” quy định, nhập cảnh trái phép vào địa bàn huyện Hồng Ngự. Do vậy, thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng “cắm chốt” đã phát hiện trên 40 vụ với khoảng 60 người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép.

Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn. Để kịp thời chặn nhập cảnh trái phép, lực lượng kiểm soát đường biên đã được tăng cường, hiện nay với 20km đường biên trên địa bàn các lực lượng liên ngành đã triển khai 21 chốt cố định.

Tại một chốt chặn dựng bằng tôn sát với đường dân sinh, cách đất bạn Campuchia không bao xa, 6 cán bộ bộ đội biên phòng được thay ca trực cả ngày lẫn đêm.

Theo lời cán bộ của bộ đội biên phòng huyện Hồng Ngự, thời gian qua lực lượng đã phát hiện 45 trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý khoảng 25 trường hợp, 1 trường hợp tổ chức môi giới dẫn đường nhập cảnh trái phép bị khởi tố, còn lại là áp dụng biện pháp giữ người giáo dục và trả về nước bạn.

Về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh có chung biên giới với Campuchia nói chung, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tỉnh Đồng Tháp là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, có đường biên giới giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50 km với 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà.

Địa giới tỉnh Đồng Tháp có phía đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía bắc giáp tỉnh Prey Veng của Campuchia và tỉnh Long An.

“Nếu không kiểm soát tốt các đường biên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Tháp sau đó di chuyển đến các tỉnh, thành phố lân cận là rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.

Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại hiện nay, dịch bệnh tại các nước láng giềng đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng cao mỗi ngày, các biện pháp cần được triển khai tốt hơn nữa.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp cần kiểm soát thật chặt biên giới đường sông, đường bộ, đường mòn lối mở, phát hiện thật sớm và kiêm quyết cách ly xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, kịp thời khoanh vùng kiểm soát các nguy cơ không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Khí hậu tại Đồng Tháp rất đặc thù, 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cần xây dựng những phương án chống dịch phù hợp với từng mùa để đạt hiệu quả cao nhất.

Các phương án chống dịch cần đảm bảo “4 tại chỗ”, sẵn sàng các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 khi trường hợp số ca bệnh tăng lên.

“Đồng thời, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, tại các cửa khẩu bên cạnh phòng chống dịch bệnh cần đảm bảo giao thương hàng hoá để phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thông tin về tình hình dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng Việt Nam cho biết, trong 3 tuần vừa qua, thế giới ghi nhận hơn 15 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 10.4% tổng số ca mắc từ đầu dịch), hơn 240 nghìn bệnh nhân đã tử vong (chiếm 8% tổng số tử vong từ đầu dịch).

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, ghi nhận trung bình hơn 10.400 ca mắc mới mỗi ngày, gần gấp đôi so với thời điểm trong tháng 3/2021 và vượt xa con số trung bình 213 ca mỗi ngày hồi tháng 4/2020.

Vùng đô thị Manila, gồm thủ đô Manila và 15 thành phố khác với tổng dân số khoảng 13 triệu người, đang thực hiện phong tỏa 2 tuần. Đến nay Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 6 loại vaccine ngừa COVID-19.

Indonesia, hiện nay tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 đã giảm còn 11,2%, so với 29,42% ghi nhận vào thời điểm bùng phát dịch mạnh nhất (ngày 9/2/2021). Ngày 20/4, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto thông báo lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) sẽ được kéo dài từ ngày 20/4 tới ngày 3/5/2021; đồng thời mở rộng ra 25 tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Trước đó, thủ đô Jakarta và nhiều địa phương khác đã áp dụng và liên tục kéo dài các lệnh hạn chế cộng đồng quy mô lớn dưới nhiều hình thức.

Tại Thái Lan hiện đã ghi nhận 39.038 trường hợp mắc, 97 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 12/4/2021 Thái Lan ghi nhận 980 trường hợp mắc mới do lây nhiễm cộng đồng - con số ca mắc mới hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch Covì-19 bùng phát đến nay.

Tại Lào, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ký lệnh phong tỏa thủ đô Vientiane trong hai tuần nhằm ngăn dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan tại đây. Bộ Y tế nước này hôm 21/4 đã ghi nhận thêm 28 ca dương tính Covid-19 mới (tổng số ca nhiễm là 88 ca).

Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân Vientiane ngoại trừ đi mua đồ ăn và các nhu yếu phẩm thì không được phép rời khỏi nhà.

Tất cả các buổi tụ tập không vượt quá 20 người, hay những sự kiện tổ chức nơi công cộng như tang lễ sẽ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Toàn bộ tuyến giao thông đi từ thủ đô Vientiane sang các tỉnh khác đều bị cấm, trừ trường hợp người dân Vientiane từ các tỉnh khác quay trở lại thủ đô, các xe chở nhu yếu phẩm hoặc các cá nhân có thẩm quyền.

Còn tại Campuchia, ngày 21/4 ghi nhận 303 ca mắc mới, con số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ đầu tuần này, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 7.747 ca (54 ca tử vong).

Thủ đô Phnom Penh ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước, số ca dương tính theo ngày vẫn tăng tại thủ đô Phnom Penh, đa số đều có mối liên hệ với các ca bệnh tại các chợ, các nhà máy.

Trước đó chính quyền thủ đô Phnom Penh đã tuyên bố "Vùng Đỏ" ở 3 quận, nghiêm cấm người dân rời khỏi nhà, các chợ, cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh trong Vùng Đỏ đều ngừng hoạt động.

Thành phố Takhmao thuộc tỉnh Kandal, giáp với Việt Nam, vẫn tiếp tục duy trì tình trạng phong tỏa kể từ ngày 15/4.

Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ
Dịp nghỉ lễ 10/3 và 30/4 sắp tới, lượng người tập trung lớn trong khi đó giáp biên giới Việt Nam, nước bạn Campuchia số ca mắc Covid-19 tăng cao,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư