Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Chống lại các biến thể phụ của đại dịch Covid-19: Vắc-xin vẫn là chìa khóa
Dương Ngân - 07/09/2022 15:10
 
Các biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa khôn lường. Các nghiên cứu đều khẳng định, chỉ có tiêm vắc-xin mới là chìa khóa mấu chốt để chống lại các biến thể phụ của đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới liên tục tăng cao, dự báo các ca nặng, tử vong sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới
Tại Việt Nam, số ca mắc mới liên tục tăng cao, dự báo các ca nặng, tử vong sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới

Tăng nhanh bệnh nhân nặng

Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện biến thể của Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Liên tiếp trong những ngày gần đây, ở nước ta mỗi ngày đều ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm

Covid-19 mới. Các ca mắc biến thể BA.4 và BA.5 đang gia tăng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giải trình tự gene trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm 2022 đến nay, phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gene mới đây, biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là biến thể BA.4, BA.5  đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vắc-xin trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ, tránh lãng phí.

Còn theo Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây liên tiếp lập đỉnh so với 3 tháng trước. Số ca nặng cũng gia tăng rõ rệt, ca tử vong mỗi ngày ghi nhận 1-2 trường hợp, thay vì không có ca nào thời gian trước.

Một thông tin khác do bộ này công bố cũng khiến nhiều người giật mình là 35% bệnh nhân nặng và tử vong do chưa tiêm hay tiêm chưa đủ liều vắc-xin.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 122 bệnh nhân Covid-19, gồm 60 ca nặng và 62 ca từ nhẹ đến trung bình. Các bác sĩ cho biết, số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh kể từ tháng 6, hiện giường bệnh đã xếp kín các phòng điều trị. Khoa Hồi sức tích cực điều trị 40 ca nặng, 20% trong số này chưa tiêm vắc-xin Covid-19.

Không chỉ người già, mà trẻ em chưa tiêm vắc-xin cũng khiến cuộc chiến chống Covid-19 nặng nề hơn rất nhiều. Một bé trai 9 tuổi chưa tiêm vắc-xin ở Hà Nội mắc Covid-19 từ 3 tháng trước, với chi phí điều trị lên tới 250 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 25%, số tiền còn lại gia đình phải tự trang trải.

Các bác sĩ giải thích, chi phí cho điều trị ca Covid-19 nặng rất lớn do phải áp dụng rất nhiều phương pháp kỹ thuật cao, tốn nhiều tiền mới có thể cứu sống bệnh nhân. Ví dụ, một ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) có chi phí 400-500 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn can thiệp kéo dài có thể lên tới vài tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí thở máy trung bình là 100-200 triệu đồng và có thể tăng thêm nếu bệnh nhân phải lọc máu.

Đừng thờ ơ với vắc-xin

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh, hoặc những người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng.

Chính vì vậy, việc tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay ở một bộ phận người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, do dự với việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Do vậy, để chống dịch thành công, theo các chuyên gia, mỗi người dân phải tự nguyện chấp hành và vận động người thân tham gia tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đúng tiến độ theo quy định của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mới đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng Covid-19, nhất là đối với lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi nhắc lại lần 1 với lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Còn theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dù cả nước đã tiêm đạt hơn 255 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân, song tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc-xin cơ bản cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đạt thấp. Có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 40% như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa...

Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiệu lực vắc-xin sẽ giảm sau 4-6 tháng tiêm, nguy cơ mắc bệnh, tái nhiễm, chuyển nặng, tử vong rất dễ rơi vào nhóm trường hợp có nguy cơ cao, nhưng không tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Đó là nhóm người cao tuổi (từ 60 trở lên), mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…

Liên quan việc tiêm vắc-xin, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vắc-xin, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.

“Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mời chào giá cung cấp Test xét nghiệm virus SARS-CoV 2
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kính mời các nhà thầu, công ty, đơn vị tham gia chào giá gói thầu: “Cung cấp Test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư