Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/8: Theo dõi chặt các biến thể virus Sars-Cov-2 mới xuất hiện
D.Ngân - 08/08/2022 08:47
 
Các biến thể mới của virus Sars-Cov 2 liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới đây nhất là biến thể BA.4.6 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang theo dõi một biến thể mới mang tên BA.4.6. Đây là biến thể phổ biến ở 4 khu vực, chiếm tỷ lệ ca mắc mới lên tới 10,7%. CDC Mỹ thêm BA.4.6 vào danh sách các biến thể phải theo dõi hàng tuần.

Dòng phụ này là của biến thể BA.4 của Omicron và đã lây lan trong vài tuần gần đây tại Mỹ. Các biến thể được xếp vào nhóm đáng lo ngại khi chúng cho thấy khả năng lây truyền cao hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng mức độ nghiêm trọng hoặc giảm khả năng trung hòa từ các kháng thể.

Theo CDC Mỹ, biến thể phụ BA.4.6 hiện chiếm 4.1% các ca mắc Covid-19. Nó phát triển phổ biến ở các khu vực như Iowa, Kansas, Missouri và Nebraska. Tỷ lệ lây nhiễm ở những nơi này là 10,7%. Khu vực giữa Đại Tây Dương và miền Nam cũng có tỷ lệ BA.4.6 cao hơn mức trung bình quốc gia. Theo thống kê mới nhất, biến thể phụ mới này đã được phát hiện ở 43 quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.

Trong nước đã ghi nhận nhiều ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam; tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vô cùng cấp bách trong việc ngăn chặn các biến thể mới, vừa an toàn, khoa học, hiệu quả cao.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 của Đà Nẵng thấp nhất cả nước với nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi

Bộ Y tế vừa cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta. Tổng số mũi tiêm trên cả nước đến nay là: 248.793.043.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm là: 12.753.656.

Tiêm mũi 1: 8.206.303 trẻ (đạt tỷ lệ 71,9%); 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp dưới 53% là: Hà Nội (52,9%); Hà Tĩnh (48,2%); Đà Nẵng (38,5%); Quảng Nam (42,1%); TP.HCM (46,9%).

Mũi 2: 4.547.353 trẻ (đạt tỷ lệ 39,9%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 22% là: Hà Nội (19,3%); Vĩnh Phúc (21,9%); Đà Nẵng (16,3%); Quảng Nam (13,1%); Khánh Hòa (18,5%).

3 tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (73,2%); Sóc Trăng (81,9%); Vĩnh Long (69,6%); Bạc Liêu (73,2%).

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 48.666.668 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 74,1), có 22 tỉnh triển khai với 16.277 người được tiêm.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Quảng Nam (54,0%); Bình Định (55,7%); Khánh Hòa (54,6%); Đồng Nai (46,6%); Cần Thơ (53,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (97,0%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 10.654.249 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 54,8%) tăng 0,3% so với ngày trước đó, trong ngày có 22 tỉnh triển khai với 44.752 người được tiêm.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Thái Bình (30,6%); Vĩnh Phúc (33,9%); Nghệ An (26,5%); Quảng Trị (31,5%); An Giang (31,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Hà Nam (93,9%); Điện Biên (99,3%); Quảng Bình (96,0%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là 3.298.993 trẻ (đạt tỷ lệ 38,1%) tăng 0,4% so với ngày trước đó.

5 tỉnh tiêm mũi 3 thấp: Hà Tĩnh (16,2%); Đà Nẵng (13,5%); Phú Yên (9,9%); Bình Thuận (16,5%); Bà Rịa – Vũng Tàu (12,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (81,0%); Sóc Trăng (73,0%); Trà Vinh (76,8%).

TP.HCM yêu cầu giám sát hoạt động tiêm vắc-xin cho trẻ em

TP.HCM vừa yêu cầu Quận 4, 5, Tân Bình, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè tăng cường chỉ đạo, giám sát hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), kết quả ngày thứ 5 của đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về số lượng tiêm giữa các quận, huyện. Tuy nhiên, số lượt trẻ tham gia tiêm chủng trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì tương đối tốt với gần 15.000 lượt tiêm/ngày.

Huyện Bình Chánh, có số lượt tiêm cao nhất trong 22 quận, huyện với tổng lượt tiêm trong ngày thứ 5 của đợt cao điểm đạt gần 2.000 lượt.

Trong ngày cao điểm thứ 5, những quận có số lượt tiêm cao là TP. Thủ Đức, Bình Tân, 12, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Hiện vẫn còn một số quận, huyện chưa triển khai tốt đợt cao điểm tiêm vắc-xin cho trẻ em và có số lượt tiêm rất ít đặc biệt là huyện Nhà Bè, quận Phú Nhuận, quận 4 (dưới 100 lượt/ngày), kế đến là quận Tân Bình, quận 5 (dưới 200 lượt/ngày).

Do số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại, Sở Y tế kiến nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, nhất là các quận, huyện: Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 4, Tân Bình, quận 5 phải tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát công tác tiêm vắc-xin cho trẻ em và chịu trách nhiệm trước UBND TP về số lượt tiêm cho trẻ em quá thấp.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục giám sát chặt hoạt động tiêm vắc-xin theo từng địa bàn. Tăng cường hướng dẫn công tác truyền thông cho các địa phương về sự cần thiết, tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến từng phụ huynh, vận động phụ huynh chủ động đưa con em đến tiêm chủng tại các điểm tiêm gần nhất.

Hải Phòng chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, TP. Hải Phòng đã xây dựng các phương án ứng phó, xử lý và kêu gọi sự tham gia của các cấp địa phương trên địa bàn.

UBND TP. Hải Phòng giao các đơn vị địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể quyết liệt, huy động tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ. 

Đối với thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí ..., phải luôn sẵn sàng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, thậm chí tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra.

Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, chủ động phát hiện và khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

Đồng Nai ghi nhận ca tử vong thứ 15 do sốt xuất huyết

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết ở Đồng Nai từ đầu năm 2022 đến nay lên 15 người.

Bệnh nhân thứ 15 tử vong ở Đồng Nai là nữ, 25 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Ngày 6/8, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, ngưng tim, choáng nhiễm trùng. Mặc dù đã được các y bác sĩ cấp cứu tích cực, nhưng bệnh nhân tử vong vào chiều tối cùng ngày.

Trước đó, ngày 2/8, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng sốt nên đã mua thuốc tự điều trị ở nhà. Những ngày sau đó, bệnh nhân giảm sốt, khỏe hơn nhưng bị đau lưng.

Đến ngày 6/8, bệnh nhân khó thở, tím tái nên đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 16.400 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. Đáng chú ý, có một số trường hợp là người trẻ tuổi, sức khỏe tốt và không có bệnh nền.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn diễn ra phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng. Ngành y tế tăng cường xử lý các ổ dịch, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư y tế cho phòng, chống dịch.

Cúm A tăng bất thường, thuốc Tamiflu khan hiếm, tiêm vắc-xin là cần thiết
Số ca mắc tăng khiến nhu cầu tìm mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo. Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống cúm, tiêm vắc-xin là biện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư