Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chốt phương án lựa nhà đầu tư cho cao tốc Trung Lương
Anh Minh - 12/12/2014 08:58
 
Việc được chủ động lựa chọn nhà đầu tư sẽ giúp Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
14.678 tỷ đồng xây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Thủ tướng đồng ý xây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 17.150 tỷ đồng
Phương án mới đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Vì sao dự án FDI đường cao tốc đầu tiên vỡ mộng?

Chính phủ một lần nữa “bật đèn xanh” cho Bộ GTVT được phép chủ động trong việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

   
  Lưu lượng xe trên tuyến Quốc lộ 1 (Trung Lương - Mỹ Thuận) đã đạt 45.000 phương tiện quy đổi chuẩn/ngày  

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép Bộ GTVT được quyết định và chịu trách nhiệm cho công tác được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong quá trình triển khai một dự án đầu tư. Trước đó, vào giữa tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT căn cứ vào tính cấp bách của Dự án để quyết định việc chỉ định nhà đầu tư.

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long) - đơn vị được giao quản lý Dự án, nếu giải quyết được việc lựa chọn nhà đầu tư, nút thắt lớn nhất trong mục tiêu khởi động lại công trình đường cao tốc thứ hai về miền Tây vào tháng 12/2014 sẽ được giải quyết.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từng được giao cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư xây dựng theo quy mô 4 làn xe. Sau 2 năm không huy động được vốn, nên đơn vị này xin trả lại dự án.

Để đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí, tuyến đường cao tốc dài 51,1 km này sẽ được “co lại quy mô” từ 4 làn xe xuống còn 2 làn xe thiết kế với vận tốc 80 km/giờ và 2 làn xe phụ thiết kế với vận tốc 40 km/giờ. Các tuyến đường nối với Quốc lộ 1 dài khoảng 4,5 km được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hệ thống đường gom dài 41 km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, Dự án sẽ có 4 nút giao khác mức liên thông; 5 nút giao trực thông, 38 cầu và hệ thống công trình kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư giai đoạn I Dự án là 14.678,3 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 6.751 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.550 tỷ đồng; dự phòng 2.639 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công 2.061 tỷ đồng...

“Nhằm giảm bớt sức ép giao thông cho Quốc lộ 1, dự kiến công trình khởi công trong khoảng thời gian từ tháng 12/2014 đến quý I/2015; hoàn thành vào năm 2018”, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tính toán của Cửu Long CIPM (đơn vị nghiên cứu Dự án) cho thấy, hiện lưu lượng xe mỗi ngày trên tuyến Quốc lộ 1 từ Trung Lương đến Mỹ Thuận đã đạt 45.000 phương tiện quy đổi chuẩn và sẽ tăng lên 100.000 phương tiện quy đổi chuẩn vào năm 2030.

Liên quan tới phương án tài chính Dự án, Bộ GTVT cho biết sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký hợp đồng Dự án với những yếu tố đầu vào quan trọng sau: hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; công tác bảo trì và quản lý khai thác sẽ thực hiện trên toàn bộ đoạn tuyến thuộc Dự án và đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương tương ứng với thời gian thu phí hoàn vốn Dự án; mức thu phí tại thời điểm bắt đầu đưa công trình vào khai thác đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km, dự kiến 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 18%.

Thời gian thu phí hoàn vốn được tính từ khi công trình hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào khai thác, dự kiến từ ngày 1/1/2019, trong đó đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 11 năm và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 20 năm.

Dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí trên tuyến chính và 2 trạm trên tuyến nối Cai Lậy và Cái Bè để thu phí trên nguyên tắc tổ chức thu phí kín, kết nối với hệ thống thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương để phân chia doanh thu thu phí.

“Với phương án đầu tư nói trên, Dự án có thể đảm bảo tính khả thi tài chính để thu hút các nhà đầu tư tư nhân”, ông Thể cho biết.

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nộp đề xuất lên chủ đầu tư, như Liên danh Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An; Metro Pacific Tollway Corp (Philippines); Cienco 1; Cienco 5; Cienco 6.

Sẽ chào hàng 5 siêu dự án PPP giao thông

Sẽ chào hàng 5 siêu dự án PPP giao thông

5 dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn dự kiến đầu tư theo hình thức PPP (do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý) đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.  Dự án cao tốc 757 triệu USD xuất ngoại mời thầu Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành cao tốc 6 làn xe

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư