Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 31 tháng 12 năm 2024,
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Phát triển thương hiệu xanh đã trở thành luật chơi mới
Kỳ Thành - 13/10/2022 08:30
 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp mà đã trở thành luật chơi mới sau sự kiện COP26.
TIN LIÊN QUAN

Đây là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tại chương trình giao lưu với chủ đề “Khát vọng kiến tạo và phát triển thương hiệu Việt Nam Xanh” trong khuôn khổ sự kiện công bố và vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức chiều 12/10.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và bà Lê Hồng Thủy Tiên, CEO Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) giao lưu với các doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo vị Chủ tịch FPT, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp mà đã trở thành luật chơi mới, sau sự kiện COP26 mà ở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Bình phân tích, doanh nghiệp tạo ra nhiều CO2 sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Trước tiên là cái giá về vốn. Làm doanh nghiệp không sạch thì phải cộng thêm lãi suất về carbon. Mua bán giá của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ cộng thêm vào lượng phát thải carbon. Xuất khẩu sẽ đánh thuế carbon. "Thế giới đang bước vào cuộc chơi mới mà Việt Nam phải đi rất nhanh", ông nói.

Lựa chọn các “từ khóa” để phát triển thương hiệu Việt Nam mạnh và xanh, ông Trương Gia Bình cho rằng có 3 thứ.

“Thứ nhất là kiên cường - đây là tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tinh thần đã đưa dân tộc Việt Nam đuổi giặc ngoại xâm. Từ thứ hai là sáng tạo. Thực chất chuyển đổi số là sáng tạo và tương lai từ nay trở đi chúng ta sẽ liên tục sáng tạo. Từ thứ ba là dấn thân, không tự hài lòng, dám mơ ước đứng đầu thế giới", ông Bình khẳng định.

Dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, bất ổn hơn như lạm phát, suy thoái kinh tế, xung đột Nga-Ukraine..., ông Trương Gia Bình cho rằng, doanh nghiệp cần phải kiên định và sẵn sàng để quản trị những bất ổn đó.

"Bao nhiêu khó khăn sẽ dồn vào và chúng ta phải sẵn sàng trong mọi điều kiện. Đó là tính kiên cường của Việt Nam. Giống như bão, chúng ta không thể ước định phương hướng gió, định lượng nước mà chỉ có thể sẵn sàng", ông nói.

Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022 đã công bố và vinh danh 8 doanh nhân xuất sắc, Top 10 thương hiệu Mạnh Việt Nam, Top 10 thương hiệu Xanh, Top 10 thương hiệu xuất sắc, Top 10 thương hiệu tăng trưởng ấn tương, Top 10 các ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính, bất động sản, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ số và bán lẻ.

Với chủ đề Kiến tạo và Phát triển thương hiệu Việt Nam Xanh, Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022 đã khảo sát, bình xét, công bố và vinh danh các thương hiệu doanh nghiệp có những thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ.

Các tiêu chí bình xét năm 2022 tập trung vào các chiến lược, chương trình hành động và kết quả hoạt động của doanh nghiệp đạt được thể hiện rõ quá trình: chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh chia sẻ, nhân văn và bao trùm; bảo vệ thương hiệu và chú trọng phát huy chính sách hướng tới người lao động và cộng đồng; các chỉ số phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp sau tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19...

Theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, trong quá trình thực hiện khảo sát và bình xét các thương hiệu tham gia chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022, Ban tổ chức đã nhận thấy rõ những chuyển biến về các chỉ số tăng trưởng của năm nay.

"Chúng tôi được biết, với nhiều doanh nghiệp, tăng trưởng nóng không phải là mục tiêu ưu tiên cao nhất. Sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 cũng như những tổn thương do xung đột vũ trang khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp đã đặc biệt trú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững, chia sẻ, nhân văn và bao trùm trong chiến lược và mô hình phát triển sản xuất và kinh doanh", ông Lâm chia sẻ. 

Đây là những giá trị quan trọng, thể hiện tầm phát triển cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của bối cảnh quốc tế mới, và là cơ sở vững chắc đảm bảo cho Việt Nam thực hiện thành công các cam kết với thế giới về phát triển thịnh vượng và bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư