Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Giá đất trong nghị định thì Quốc hội làm sao yên tâm thông qua
Nguyễn Lê - 09/06/2023 14:55
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia thảo luận tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 9/6.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Định giá đất, Dự thảo Luật bỏ đâu hết rồi, bảo giao Chính phủ quy định trong nghị định thì làm sao Quốc hội yên tâm thông qua”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn khi tham gia thảo luận tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) sáng 9/6.

Tại Dự thảo, Điều 158 giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Quy định như thế này thì Quốc hội khó thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Theo ông, lần sửa đổi này, cần phải quy định cụ thể trong luật về nguyên tắc và phương pháp định giá đất để Quốc hội còn cho ý kiến, bởi trong Dự thảo Luật Đất đai, khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai, khó nhất chính là giá đất.

"Như thế sẽ tường minh hơn. Hơn nữa, một trăm người góp ý thì hơn một người. Chứ chờ thông qua luật rồi Chính phủ mới đi xây dựng nghị định thì có khi lại khó”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng cho rằng, không sợ dài, mà cứ quy định rõ nguyên tắc, phương pháp định giá đất trong Dự thảo. Trí tuệ của toàn dân, Quốc hội và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn. Còn hơn sau đó Chính phủ vất vả đi làm việc này.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo Chủ tịch Quốc hội là, phải quy định việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức.

Chẳng hạn, các quy định tại Dự thảo không nói rõ bao nhiêu phần trăm (%) người dân được lấy ý kiến đồng thuận thì chính quyền được thông qua quy hoạch. Vậy, nếu không được 100% người dân đồng ý, thì bao nhiêu phần trăm % đồng ý thì chính quyền ra được quyết định. Trong trường hợp lấy ý kiến người dân không đồng ý thì sao? Chưa kể tỷ lệ người được lấy ý kiến là bao nhiêu, rồi người dân nào thuộc diện được lấy ý kiến, có hộ khẩu thường trú, không thường trú tại khu vực... Nhiều chuyện lắm, Chủ tịch Quốc hội lường trước các khó khăn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi dự thảo luật chưa quy định trường hợp người dân không đồng thuận thì xử lý thế nào.

"Trong trường hợp góp ý của người dân không đồng thuận quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện, thì có xem xét sửa đổi hay không, sửa đổi một phần hay toàn bộ, nếu trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào?", ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề đồng thời nhấn mạnh, nếu không quy định cụ thể thì tính khả thi rất thấp, khó cho cả người điều hành tại địa phương.

Tương tự, với các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề nhiều tiêu cực, thời gian qua bị xử lý rất nhiều, do đó, "nếu không quy định kỹ thì khó vận hành mà vận hành được thì chưa biết phải đầu hay phải tai".

Chủ tịch Quốc hội cho biết doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp rất sợ việc điều chỉnh quy hoạch bất thình lình, nay quy hoạch là đất nông nghiệp, nhưng mai lại thay đổi thành đất ở, thương mại dịch vụ, nên không dám đầu tư.

"Khi chúng tôi còn ở Chính phủ làm nghị định về thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, cực kỳ khó. Doanh nghiệp họ nói: em chả cần chính sách gì đâu, các bác cứ công bố quy hoạch đàng hoàng đi, đừng thay đổi bất thình lình thế này là được".

Kể câu chuyện trên, Chủ tịch Quốc hội nói, việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, do yêu cầu thực tiễn, song phải quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chế tài để giám sát, tránh tùy tiện.

Cũng nói về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu yêu cầu phải vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

Đất đai là hằng số, không thể sinh ra, phải sử dụng khai thác sao cho hiệu quả, gồm cả không gian trên trời, mặt đất và không gian ngầm, rồi liên quan cả không gian biển như vấn đề lấn biển, lấp biển thế nào để vừa giữ môi trường, vừa đảm bảo sự phát triển của đất nước, Thủ tướng lưu ý.

Nhìn tổng thể, Thủ tướng hơn một lần lần nhấn mạnh Luật Đất đai là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian dài, vừa phải xử lý những vấn đề bất cập trước đây, vừa phải xử lý việc hiện tại, nhưng phải có tầm nhìn trong tương lai. Bởi thế, ông mong đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đầu tư thêm thời gian, công sức hoàn thiện Dự thảo.

“Ý kiến nhân dân cũng nhiều, song cố gắng chắt lọc để xây dựng đạo luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý. Phải làm sao cho luật rõ ràng, vừa phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra”, Thủ tướng phát biểu.

Theo nghị trình, trong đợt 2 của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ dành cả ngày 21/6 để thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội vẫn lo điều kiện thu hồi đất
Không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi đất phải được quy định trong luật mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư