Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Tấn Tuân: Chưa dứt điểm sai phạm, môi trường đầu tư chưa sạch
Việt Hương - 21/05/2020 14:58
 
Với 20 dự án được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) kết luận sai phạm liên quan đến đất đai từ năm 2019 tại tỉnh Khánh Hòa, đã được tỉnh này giải quyết, xử lý ra sao. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân có những chia sẻ thông tin xung quanh việc khắc phục, tạo sự minh bạch để nhà đầu tư vẫn chọn Khánh Hòa là điểm đến…
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân

Năm 2019 - UBKTTW đã chỉ ra 47 dự án mà UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương vượt thẩm quyền. Qua kiểm tra 23 dự án thì phát hiện tỉnh này đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm. Cơ quan chức năng kết luận 20 dự án tại Khánh Hòa liên quan đến đất đai có vi phạm, gây thiệt hại ít nhất 16.559 tỉ đồng…

Hiện đã có 11 dự án đã thực hiện quyết toán xong hoặc xong một phần; và dự án còn lại theo hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) đang triển khai ở tỉnh Khánh Hòa chưa được quyết toán và đang tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng….

Chưa thể dứt điểm theo yêu cầu

Thưa ông, UBKTTW đã yêu cầu khắc phục những sai phạm đã kết luận ở tỉnh Khánh Hòa từ năm 2019 và hiện việc khắc phục đã đến đâu?”

Thực hiện Kết luận của UBKTTW tại Thông báo số 680-TB/UBKTTW ngày 30/8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 153-KH/TU ngày 08/11/2019 phân công tập trung tham mưu khắc phục các sai phạm đối với một số dự án ngoài ngân sách và dự án trong ngân sách; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Một số Dự án BT tại Khánh Hòa đang tạm hoãn vì vướng tới sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai
Một số dự án BT tại Khánh Hòa đang tạm hoãn vì vướng tới sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai

Đối với các dự án mà UBKTTW đã chỉ ra, tỉnh đã thực hiện rà soát, thu hồi, hủy các quy định, quyết định, văn bản chỉ đạo thực hiện dự án vi phạm pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo chấn chỉnh toàn diện về công tác tham mưu của các sở, ban, ngành trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật; khẩn trương làm rõ hoặc xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc liên quan quy định, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để triển khai khắc phục kịp thời các vi phạm (UBND tỉnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện, nhất là lĩnh vực đất đai, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp,…); đồng thời, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các vấn đề lớn, vượt thẩm quyền của tỉnh hoặc pháp luật chưa quy định cụ thể.

Quan điểm của địa phương, sai đến đâu xử lý đến đó. Nỗ lực khắc phục hậu quả để có sự minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hướng đến.

Có đến 20 dự án liên quan đến sai phạm, trong đó có những nội dung “ngược với quy hoạch”, việc khắc phục có bị vướng?

Do có nhiều dự án liên quan, hồ sơ kéo dài qua nhiều thời kỳ; một số dự án có đặc thù riêng, phức tạp, phải xử lý từng trường hợp; có dự án khi xử lý thu hồi thì phải giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư theo quy định pháp luật; một số dự án cần làm việc, thuyết phục nhà đầu tư để khắc phục, một số dự án còn vướng mắc đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ (như các dự án BT liên quan sử dụng quỹ đất sân bay Nha Trang cũ). Ngoài ra, do có thời điểm lãnh đạo UBND tỉnh chỉ có 01 Phó Chủ tịch điều hành hoạt động của UBND tỉnh, đến nay Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mới nhận nhiệm vụ, một số nội dung công việc liên quan triển khai khắc phục theo kết luận của UBKTTW chưa thể xem xét giải quyết dứt diểm và hoàn thành theo thời hạn yêu cầu.

Vấn đề quy hoạch và đầu tư một số Dự án lớn ở tỉnh gặp rất nhiều vướng mắc do các thủ tục điều chỉnh quy hoạch Dự án, điều chỉnh quy mô, thay đổi tổng mức đầu tư không còn theo đúng quy hoạch… dẫn đến sai trái, vướng mắc gây cản trở quá trình triển khai Dự án.
Vấn đề quy hoạch và đầu tư một số dự án lớn ở tỉnh gặp rất nhiều vướng mắc do các thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh quy mô, thay đổi tổng mức đầu tư không còn theo đúng quy hoạch… dẫn đến sai trái, vướng mắc gây cản trở quá trình triển khai dự án.

Vấn đề quy hoạch và đầu tư một số dự án lớn ở tỉnh gặp rất nhiều vướng mắc do các thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh quy mô, thay đổi tổng mức đầu tư không còn theo đúng quy hoạch… dẫn đến sai trái, vướng mắc gây cản trở quá trình triển khai dự án. Những vướng mắc này UBND tỉnh đã có kết luận chỉ đạo xử lý; theo đó, nếu dự án nào đã được phê duyệt QHCT 1/500 có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” chuyển sang đất sản xuất kinh doanh (đất thương mại dịch vụ) thì điều chỉnh đúng quy hoạch, giảm mật độ xây dựng từ dưới 25% xuống còn dưới 15%.

Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản trình Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, để có cơ sở giải quyết vướng mắc liên quan các dự án trên địa bàn thành phố Nha Trang.  Còn lại các dự án trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hình thành “đất ở không hình thành đơn vị ở” đang chờ kết luận xử lý của các cơ quan Trung ương.

Khai thác tiềm năng tại 3 khu vực trọng điểm

Hiện nay, một số nhà đầu tư phản ánh đã “gặp khó” khi xử lý thủ tục đầu tư, phát triển dự án tại các sở ban ngành và họ cho rằng chính quyền sở tại đang bị lúng túng. Ông nghĩ sao về phản ánh này?

Dự án sau thanh tra, kiểm tra đều phải thực hiện đúng quy định về luật đấu giá, đấu thầu tìm chủ mới. Việc đấu giá quyền sử dụng đất theo các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai thì không bị vướng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hiện nay đang bị lúng túng vì vướng phải các quy định pháp luật chưa thống nhất nếu cứ áp dụng khoa học bằng văn bản.

TP Nha Trang là một trong những trung tâm kinh tế động lực mà tỉnh Khánh Hòa chú trọng thu hút đầu tư
TP Nha Trang là một trong những trung tâm kinh tế động lực mà tỉnh Khánh Hòa chú trọng thu hút đầu tư

Cụ thể được phân ra 02 dạng dự án, bao gồm: các dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh thì thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu nếu dự án đáp ứng các điều kiện (thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định, chương trình phát triển đô thị, phù hợp với quy hoạch hoặc không đủ điều kiện tổ chức đấu giá)  theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Các Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, UBND tỉnh thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014. Hiện tại, việc triển khai thực hiện thủ tục đầu tư vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định số 69/2019/ND-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ về quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng BT; do còn một số vướng mắc nên UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đất đai năm 2013 và hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Rất mong Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn, đồng thời căn cứ kết quả rà soát các dự án BT, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý đối với từng dự án cụ thể theo quy định pháp luật.

Để tạo điều kiện cho môi trường thu hút đầu tư hiện nay, Khánh Hòa đã có phương án gì, thưa ông?

Một trong những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hiện nay tại Khánh Hòa là nhiệm vụ quan trọng mà bước đầu địa phương đã có những giải pháp như: đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư sạch; huy động mọi nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển tại 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (TP Nha Trang, Vịnh Cam Ranh và Khu kinh tế Vân Phong).

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch có tính chất lan tỏa, kết nối liên vùng. Tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo hình thức xã hội hóa; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nâng cấp mạng lưới điện, thông tin, viễn thông … theo hướng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Để làm được điều này, thời gian qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho rà soát toàn bộ các quy định, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư (trong đó có đầu tư nước ngoài) của tỉnh, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp thực tế của địa phương và dựa vào nền tảng từ danh mục dự án kêu gọi đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Khánh Hòa cho gia hạn thêm một dự án đã “chây ỳ” gần 10 năm
Dự án Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang được thực hiện việc giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2012 với quy mô định hướng cho việc thành lập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư