Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch
Hồng Phúc - 11/05/2021 20:46
 
Mỗi ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành phố là một trong 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch mà Thành phố đang phải đối mặt.

Tại cuộc họp với các Sở, ban ngành về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách và triển khai nhiệm vụ tháng 5/ 2021 được tổ chức chiều nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch mà Thành phố đang phải đối mặt. 

.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại cuộc họp được tổ chức chiều nay (Ảnh: TTBC).

Trong đó, người đứng đầu Thành phố nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm tại các bệnh viện sau buổi làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh với bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Nhân dân 115 hôm qua (10/05).

Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có khoảng 4.200 cán bộ, công nhân viên; 2.800 - 3.000 bệnh nhân ngoại trú thường xuyên và số lượng ngoại trú đến khám bệnh ra vào mỗi ngày từ 5.500-6.000 người.  Như vậy, mỗi ngày có hơn 10.000 người ra vào Bệnh viện Chợ Rẫy. 

“Còn tại nhiều bệnh viện khác, có hơn 50% bệnh nhân đến khám chữa bệnh từ các tỉnh thành khác, ví dụ như bệnh viện 115. Nguy cơ lây nhiễm tại các bệnh viện là rất lớn. Vì vậy, từng bệnh viện phải có phương án ứng phó cụ thể”, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị. 

Theo Báo cáo của ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị này đang duy trì và nâng cao cảnh giác trong mọi công tác phòng chống dịch, như tiêm phòng vắc xin cho nhân viên y tế. 

Cùng với thực hiện 5K, bệnh viện sử dụng dấu vân tay để kiểm soát người nuôi bệnh, hạn chế tối thiểu việc thay đổi người nuôi bệnh,…

Đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng xây dựng và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như phong tỏa khoa hay cách ly bệnh viện; xây dựng tuyến phòng thủ cho Trung tâm truyền máu nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung cấp nguồn máu cho toàn miền Nam trong trường hợp xấu nhất xảy ra. 

Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm từ hệ thống các bệnh viện, lãnh đạo TP.HCM còn chỉ ra nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly rồi lây ra cộng đồng và khẳng định, người đứng đầu khu cách ly tập trung sẽ phải chịu trách nhiệm nếu quản lý không chặt chẽ. 

.
Đo thân nhiệt tại bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BVCR).

Thêm vào đó, nguy cơ từ những người nhập cảnh trái phép và nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng từ người bệnh từng dương tính với Covid-19 trở về Thành phố sau khi kết thúc 14 ngày cách ly tập trung và không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch trong thời gian sau cách ly tập trung cũng có thể xảy ra. 

Trường hợp 2 mẹ con nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Bệnh viện Từ Dũ chữa bệnh mà không khai báo yếu tố dịch tễ, khiến 40 nhân viên y tế phải cách ly, xét nghiệm vào cuối tháng 4 vừa rồi và trường hợp bệnh nhân từ Hà Nam về quận Bình Tân là hai ví dụ điển hình cho 2 nguy cơ kể trên.

Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào Thành phố có thể đến từ các địa phương có chuỗi lây nhiễm do mật độ di chuyển lớn của người dân từ các tỉnh, thành và từ vị trí của TP.HCM khi Thành phố là cửa ngõ giao lưu quốc tế và 60 cảng hàng hải lớn nhỏ. 

Công tác phòng chống dịch đang và sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện, người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo Trung ương và Thành phố về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, kết hợp giữa phòng ngự với tấn công. Trong đó, tấn công là chính. 

“Mỗi người dân hiện nay đang là một chiến sĩ trên một mặt trận phòng chống dịch. Tôi xin nhắc lại, đây là một cuộc chiến thực sự khi trên thế giới, có hơn 150 triệu người nhiễm và hơn 3.3 triệu người tử vong”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải tăng cường cung cấp dịch vụ sản phẩm bằng phương thức giao hàng, không phục vụ trên 30 khách cùng một thời điểm và bố trí chỗ ngồi thông thoáng. 

Lãnh đạo TP.HCM cũng  đề nghị Sở Y tế chuẩn bị phương án phòng chống khi có dịch bệnh lan rộng; triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung để nâng tổng công suất khoảng 10.000 giường bệnh trên toàn Thành phố và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người bệnh theo kế hoạch của ngành Y tế Thành phố. 

Đồng thời, cần dự trù sẵn kế hoạch điều trị 100-200, 200-500 người; xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến trên địa bàn với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 330.000 ca bệnh trên cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Thêm vào đó, ngành y tế Thành phố chuẩn bị dự trữ đủ sinh phẩm, 40.000 test-kit sẵn có và mua thêm 50.000 test-kit, đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn mỗi ngày và khi cần thiết có thể sẵn sàng huy động 50.000 mẫu đơn; thậm chí, chuẩn bị phương án huy động thêm sinh viên năm cuối các trường Y để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.

TP.HCM: Phát hiện ca tái dương tính Covid-19, dừng nhiều hoạt động kinh doanh
Ngày 7/5, Cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện một ca tái dương tính với Covid-19 trong quá trình làm thủ tục xuất cảnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư