Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chưa thêm vốn góp từ Hàn Quốc, dư nợ margin của Mirae Asset đã xác lập kỷ lục mới
Ngọc Linh - 19/10/2019 10:32
 
Dư nợ cho vay margin đến 30/9 đã xấp xỉ 6.600 tỷ đồng, vượt qua con số 6.256 tỷ đồng mà SSI công bố tại báo cáo tài chính quý II.

Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả kinh doanh tăng trưởng cùng sự mở rộng đáng kể của quy mô tài sản.

Đến 30/9, tổng tài sản của  Mirae Asset  Việt Nam đạt 8.580 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của công ty chứng khoán này tập trung vào các khoản cho vay khách hàng. Trong đó, cho vay giao dịch ký quỹ chiếm tới 76,5% tài sản. Con số dư nợ đến cuối quý III đạt 6.566 tỷ đồng. Mùa báo cáo tài chính quý III hiện mới vừa bước vào giai đoạn nước rút, còn khá nhiều công ty chứng khoán chưa công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, theo BCTC đã công bố đến hôm nay, dư nợ margin tại Mirae Asset đã thiết lập mức kỷ lục mới trên thị trường, vượt qua dư nợ đến quý II của CTCP Chứng khoán SSI (6.256 tỷ đồng).

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Mirae Asset tăng 90% trong riêng quý III. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Mirae Asset  Việt Nam tăng 60%, đạt 650 tỷ đồng.

“Thị phần môi giới và dư nợ cho vay tăng dẫn đến doanh thu tăng so với cùng kỳ”, giải trình từ công ty cho hay. Ba nguồn thu chính của Mirae Asset  Việt Nam trong 9 tháng đầu năm gồm lãi từ cho vay và phải thu (379 tỷ đồng), lãi tiền gửi ngân hàng (133 tỷ đồng) và môi giới (101 tỷ đồng). Trừ doanh thu môi giới giảm nhẹ, tăng trưởng các nguồn thu trên lần lượt tăng 74% và 64%. Lãi bán các tài sản tài chính chỉ bằng 1/3 năm trước, nhưng nhờ tăng trưởng hai nguồn thu trọng yếu, doanh thu hoạt động 9 tháng đầu năm của Mirae Asset đạt 650 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ. Chi phí lãi vay và dự phòng cho các khoản vay cũng tăng lên 124 tỷ đồng, gấp gần 3 lần 9 tháng năm trước.

Tỷ lệ margin
Mirae Asset Việt Nam nằm trong top dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán vài quý gần đây

Phần lớn nguồn vốn của công ty chứng khoán này đều có liên quan đến từ Hàn Quốc, bao gồm công ty mẹ đang nắm 100% vốn góp và các ngân hàng như Korea Development Bank chi nhánh Singapore, Woori Bank, Keb Hana, Shinhan Bank chi nhánh tại Việt Nam.

Ngoài vay nợ ngân hàng (2.853 tỷ đồng), doanh nghiệp này còn huy động vốn qua kênh trái phiếu gồm 647 tỷ đồng kỳ hạn ngắn và 105 tỷ đồng kỳ hạn. Theo thống kê của HNX, đến tháng 7/2019, số trái phiếu riêng lẻ do CTCK này phát hành chủ yếu do quỹ đầu tư và công ty chứng khoán nắm giữ. Hai đợt phát hành gần nhất vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, bên mua trái phiếu đều là nhà đầu tư nước ngoài.

Tỷ giá USD/KRW tăng manh so với thời điểm đầu năm
Tỷ giá USD/KRW tăng manh so với thời điểm đầu năm

Đồng won Hàn Quốc (KRW) là một trong các đồng tiền mất giá mạnh trong các tháng năm 2019 vừa qua. Điều này cũng kéo các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm lợi nhuận ngoài quốc gia này. Trong đó, Việt Nam với đồng VND ổn định so với USD cũng là một thị trường thu hút nguồn vốn từ Hàn Quốc.

Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, vốn điều lệ của nhiều công ty do định chế tài chính Hàn Quốc sở hữu như Mirae Asset Việt Nam, KB Việt Nam, KIS Việt Nam tăng mạnh vốn điều lệ thời gian qua. Dự kiến vào tháng 10 tới, Mirae Asset Việt Nam sẽ nâng vốn lệ lên 5.455 tỷ đồng.

[Videographic] Cuộc đua thị phần môi giới giữa các công ty chứng khoán
Nhìn lại các quý gần đây, gương mặt Top 10 thị phần môi giới phần lớn là những gương mặt cũ nhưng cũng đã xuất hiện một số nhân tố mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư