Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 14 tháng 08 năm 2024,
Chứng khoán ngày 13/8: Cổ phiếu lớn phân hóa mạnh, khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp
Tùng Linh - 13/08/2024 16:36
 
Sự phân hóa trên thị trường chứng khoán diễn ra mạnh trong phiên 13/8. Một số nhóm ngành như thép, chứng khoán… biến động theo chiều tiêu cực. Số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo. Trong khi đó, VCB là đầu tàu kéo VN-Index đi lên.

Sắc đỏ đã chiếm ưu thế ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu ngay đầu phiên giao dịch 13/8. Điều này đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sự phân hóa diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn và điều này khiến các chỉ số biến động giằng co ở khoảng thời gian sau đó. Giao dịch diễn ra tiêu cực hơn ở khoảng nửa sau của phiên sáng, áp lực bán dâng cao trong khi lực cầu yếu khiến đà giảm của thị trường diễn ra mạnh hơn.

Biên độ dao động của thị trường diễn ra rộng hơn ở phiên chiều. Tuy nhiên, khác với thời gian giao dịch buổi sáng, thị trường lại nhận được lực cầu đỡ giá tốt ở cuối giờ chiều và giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, VCB bất ngờ tăng mạnh 1,9% lên 89.500 đồng/cổ phiếu và là nhân tố chủ chốt nâng đỡ thị trường chung, VCB đóng góp đến hơn 2,3 điểm cho VN-Index. VNM cũng tăng 1,1% và đóng góp 0,41 điểm. Một số cổ phiếu như NAB, HDB, HVN, VJC, CTG… cũng có đóng góp tích cực cho VN-Index ở phiên hôm nay.

Chiều ngược lại, HPG giảm mạnh 1,74% xuống 25.400 đồng/cổ phiếu và gây áp lực nhiều nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,7 điểm. Không riêng HPG, áp lực bán lan rộng khiến nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép diễn biến tiêu cực. Trong đó, TVN giảm 2%, NKG giảm 1,9%, HSG giảm 1,7%... Nhóm thép đang bị ảnh hưởng bởi thông tin EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 08 tháng 8 năm 2024, Ủy ban Châu Âu (EC) đã bàn hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU).

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có một phiên giao dịch không tốt. FTS giảm 1,8%, VND giảm 2,3%, AGR giảm 1,44%. VND đang chịu ảnh hưởng bởi một số thông tin liên quan đến việc Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời, bao gồm một số nhà máy thuộc Trung Nam Group.

Cùng trong danh sách trên, một số nhà máy thuộc sở hữuu của Điện Gia Lai (GEG), REE hay Fecon (FCN). Kết phiên, GEG giảm sàn xuống 13.150 đồng/cổ phiếu, REE giảm 1,6% xuống 67.800 đồng/cổ phiếu, FCN giảm 1,2% xuống 12.350 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất ghi nhận nhiều sự tích cực và là điểm sáng của thị trường. CSV tăng trần lên 42.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, DDV tăng 2,86% lên 18.000 đồng/cổ phiếu, DHB tăng 2,25% lên 9.100 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu Vietcombank đóng góp tới 2,31 điểm tăng trong phiên 13/8

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.230,42 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 234 mã giảm và 88 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,26%) xuống 230,18 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 88 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,23%) xuống 92,79 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 539 triệu cổ phiếu, tương đương với mức hôm qua, giá trị giao dịch đạt 13.081 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận là 1.425 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 958 tỷ đồng và 674 tỷ đồng. HPG khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 26,2 triệu cổ phiếu. VIX và PDR khớp lệnh lần lượt 15 triệu cổ phiếu và 14,5 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại nối dài phiên mua ròng thứ ba liên tiếp

Khối ngoại mua ròng 323 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây đã là phiên mua ròng thứ ba liên tiếp. Cổ phiếu HDBank (HDB) được mua ròng mạnh nhất với 380 tỷ đồng, nhưng chủ yếu thông qua thỏa thuận. Cùng đó, VNM và FPT được mua ròng lần lượt 152 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG - cổ phiếu có mức thanh khoản lớn nhất phiên cũng là mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 234 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu Techcombank (TCB) bị bán ròng 75 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 12-16/8: Cần một nhịp điều chỉnh nữa để tạo đáy hai
Nhà đầu tư có thể giải ngân khi thị trường đã tạo xong đáy thứ hai hoặc khi thị trường hình thành vùng cân bằng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư