Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán rực rỡ tuần cuối năm, cảnh báo hiện tượng thao túng giá
TT. - 02/01/2022 18:19
 
Nhóm vốn hoá lớn dẫn dắt đà tăng. Thanh khoản dù giảm nhưng tín hiệu tích cực khi khối ngoại trở lại mua ròng giúp chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2021 bằng một tuần rực rỡ.

Sự trở lại của cổ phiếu vua, nhóm vốn hoá lớn và khối ngoại

Chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch đóng lại năm 2021 đầy khởi sắc với 4/5 phiên tăng điểm trên sàn HoSE và HNX. Trên sàn UPCoM, chỉ số cũng đã tăng liên tục trong 6 phiên gần đây. VN-Index kết phiên cuối năm ở mức 1.498,28 điểm, tăng 21,25 điểm, tương đương mức tăng 1,44% so với cuối tuần trước. HNX-Index nhờ cú bật phiên thứ Sáu đã tăng 28,38 điểm (+6,37%) trong cả tuần, qua đó xác lập mức kỷ lục điểm số mới. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 2,25% lên 112,68 điểm.

Tích cực về mặt điểm số nhưng giao dịch cũng dè dặt hơn ở bên bán lẫn bên mua. Thanh khoản giảm, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 24.947 tỷ đồng, giảm 23,12% so với tuần trước. Giao dịch trên sàn HNX cũng giảm 17,12% so với tuần trước. Việc thanh khoản sụt giảm đáng kể tuần này còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Tâm lý nghỉ lễ cận kề và nhiều công ty chứng khoán có động thái điều chỉnh tỷ trọng margin để chốt sổ báo cáo tài chính năm. Như tại Chứng khoán SSI, công ty này đã tạm ngưng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán với các yêu cầu có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng/tài khoản để chuẩn bị cho công tác cân đối dòng tiền trong 2 ngày 30/12 và 31/12/2021.

Đáng chú ý là dòng tiền khối ngoại đã quay trở lại sau hai tuần bán ròng mạnh. Trên ba sàn, các nhà đầu tư ngoại mua ròng 495 tỷ đồng. Cổ phiếu CEO từng bị nhóm này xả mạnh cũng đã ngưng đà bán ròng. Một số cổ phiếu được nhóm này tập trung mua ròng nhiều nhất là CTG và loạt cổ phiếu ngành bất động sản như KBC, VHM, KDH, DXG, VRE, VIC…

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân bán ròng sau chuỗi 8 tuần liên tiếp giải ngân ròng, tập trung chốt lời ở cổ phiếu KBC, DXG, CTG... Theo thống kê của Fiingroup, các nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng hơn 1.656 tỷ đồng trên sàn HoSE, tự doanh cũng bán ròng 311 tỷ đồng. Khối ngoại và tổ chức trong nước là bên giải ngân ròng trong tuần cuối cùng của năm 2021. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, dầu khí; trong khi đó giảm ở nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu.

Cổ phiếu ngành chứng khoán đã có phiên bứt phá mạnh ở phiên giao dịch cuối cùng của năm. Tuy nhiên, xét cả tuần qua, dòng ngân hàng mới là nhóm trỗi dậy mạnh mẽ. 9/10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index đều ở nhóm nhà băng. Trong đó, cổ phiếu của BIDV với mức tăng 6% cả tuần là đầu tàu góp 2,79 điểm tăng cho chỉ số. Giá cổ phiếu BID đã điều chỉnh giảm tuần trước do chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu hôm 23/12.

Cùng với sự trở lại của nhóm nhà băng, cổ phiếu vốn hoá lớn cũng giao dịch tích cực trở lại. VN30-Index tăng gần 3,95% trong cả tuần, gấp hơn 2,7 lần mức tăng trưởng của chỉ số chung.

VN-Index tăng 35,73$
VN-Index tăng 35,73% trong cả năm 2021 và trở thành một trong những thị trường tăng điểm tích cực nhất thế giới.

Tuần qua, không riêng thị trường chứng khoán Việt Nam, sắc xanh lan toả ở phần lớn các sàn chứng khoán trên toàn cầu. Chỉ khoảng chục thị trường giảm điểm so với tuần trước. Thị trường chứng khoán Mỹ dù giảm vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, nhưng vẫn kết thúc năm gần mức cao kỷ lục nhờ các thông tin tích cực khi mùa công bố báo cáo tài chính đang đến gần và các tín hiệu từ sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường lao động.

VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam, không nằm trong top các thị trường tăng điểm tuần qua. Tuy nhiên, nhìn lại cả năm 2021, chỉ số sàn HoSE đã tăng 35,73% và lọt top 10 thị trường giao dịch tích cực.

UBCKNN cảnh báo về hiện tượng thao túng giá, mạnh tay xử phạt doanh nghiệp chậm công bố thông tin

Cũng trong tuần cuối năm, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ra khuyến cáo tới các  nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat. UBCKNN nhấn mạnh đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.

Cũng theo cơ quan quản lý, hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán. Đây cũng là hành vi bị xử phạt nặng. Theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức xử phạt hành chính cho hành vi này được tính bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 ( 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân) đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiếp tục siết kỷ luật kỷ cương trên sàn chứng khoán, UBCKNN tuần qua ban hành quyết định xử phạt các doanh nghiệp chậm và sai lệch thông tin các báo cáo cần công bố gồm Hanoimilk, CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF), Nông dược HAI (HAI), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (BNA), Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát VIGER.

Cụ thể, Hanoimilk đã không công bố thông tin đối với báo cáo tài chính năm 2020, 2019, 2018, 2017 đã được kiểm toán, BCTC bán niên soát xét năm 2020, 2019, Báo cáo thường niên năm 2020, 2019, Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC quý II/2019, báo cáo thường niên năm 2018, BCTC bán niên đã được soát xét năm 2016, BCTC năm 2016 đã được kiểm toán, BCTC bán niên đã được soát xét năm 2017; báo cáo không đúng thời hạn đối với BCTC kiểm toán năm 2015, Báo cáo thường niên năm 2015, BCTC quý I/2016, quý II/2016, quý III/2016, BCTC bán niên năm 2016 đã được soát xét, BCTC bán niên năm 2017, BCTC năm 2016 đã được kiểm toán, BCTC quý IV/2016, Báo cáo thường niên năm 2016 và BCTC quý I/2017.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS công bố thông tin sai lệch đối với số liệu lợi nhuận sau thuế năm 2019 trên BCTC quý IV/2019. Mức xử phạt hành chính áp dụng với Hanoimilk và CFS đều là 85 triệu đồng.

Đối với hãng bánh Bảo Ngọc, UBCKNN phạt tiền 70 triệu đồng do công ty không thực hiện công bố thông tin thông báo doanh nghiệp kiểm toán ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2019, bản cung cấp thông tin của Tổng Giám đốc ngày 07/6/2020; CBTT không đúng thời hạn báo cáo thường niên năm 2019.

Agifish nhận án phạt 100 triệu đồng do không công bố đối với thông tin Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, Báo cáo tài chính quý III, IV/2020, quý I/2021, Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2020. Đồng thời, cũng có một loạt thông tin không đúng thời hạn gồm thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Báo cáo tài chính sau kiểm toán niên độ tài chính 2018-2019, Báo cáo thường niên năm 2019; công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX: Báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2019, Báo cáo tài chính quý I/2020.

CTCP Tập đoàn Alpha Seven bị phạt tiền 100 triệu đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan. Theo Báo cáo tài chính (BCTC) riêng năm 2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn Alpha Seven (Công ty), Công ty cho CTCP Trồng rừng và Cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (bên liên quan của Công ty do có chung Thành viên Hội đồng quản trị) vay 60,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch này chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Giao dịch cho CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (bên liên quan của Công ty do có chung cổ đông lớn) vay 4 tỷ đồng theo hợp đồng cho vay số 116/2019 ngày 30/6/2019 và Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 26/6/2020).

Nông dược HAI bị xử phạt nặng nhất khi vừa công bố thông tin không đầy đủ (70 triệu đồng) và nộp báo cáo không đúng thời hạn (60 triệu đồng). Tại Báo cáo tài chính (BCTC) riêng năm 2019 đã kiểm toán, BCTC riêng năm 2020 đã kiểm toán, BCTC riêng bán niên năm 2021 đã soát xét, HAI đã không thuyết minh và thuyết minh chưa đầy đủ về các bên liên quan với công ty và các giao dịch, số dư với các công ty liên quan. Công ty không trình bày đầy đủ thông tin về bên có liên quan, giao dịch với bên có liên quan tại báo cáo tình hình quản trị các năm 2019-2021.

Xử mạnh cá nhân tổ chức giao dịch không công bố theo quy định

UBCKNN quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Việt Kim 140 triệu đồng do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn và giao dịch khi thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% đối với giao dịch tại cổ phiếu DDV của CTCP DAP – VINACHEM. Giao dịch đã thực hiện trong tháng 5/2021. Tổng số tiền phạt lên tới 200 triệu đồng.

Cụ thể, vào ngày 17/5/2021, Việt Kim đã mua 4.873.800 cổ phiếu DDV tăng sở hữu từ 3,42% lên 6,76%. Đến ngày 25/5/2021, Việt Kim bán 1.418.000 cổ phiếu DDV giảm sở hữu xuống còn 4,73%. Ngày 21/5/2021, khi bán 589.300 cổ phiếu DDV dẫn đến tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ sau giao dịch giảm từ 6,13% xuống còn 5,72%, Việt Kim cũng không công bố thông tin khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Một nhà đầu tư cá nhân là ông Quách Đình Việt Anh bị phạt tiền 70 triệu đồng do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu SPI đang lưu hành và khi không còn là cổ đông lớn. Các giao dịch này đã phát sinh hồi tháng 9-10/2019.

Tương tự, bà Trần Đa Linh cùng bị phạt 70 triệu đồng do giao dịch tương tự tại cổ phiếu SHI của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà trong khoảng thời gian cuối năm 2018 đầu năm 2019.

Kiểm soát tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản; đầu tư tiền ảo vẫn sẽ nóng
Sức ép với chính sách tiền tệ năm 2022, nhiều quy định sắp có hiệu lực, NHNN tăng kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực rủi ro, đầu tiền ảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư