Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán sẽ “phất” từ giữa quý I/2016
Chí Tín - 30/12/2015 08:11
 
Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa dự báo rằng, thị trường chứng khoán có thể “phất lên” từ giữa quý I/2016.
TIN LIÊN QUAN

Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2015 và câu chuyện hội nhập” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng, thị trường chứng khoán có thể diễn ra theo kịch bản lình xình đi ngang trong giai đoạn từ nay đến giữa quý I/2016, sau đó sẽ đi vào giai đoạn tăng trưởng. “Tuy nhiên, tốc độ đi lên theo chiều hướng chậm dần đều”, ông Nghĩa dự báo.

Năm 2015, nền kinh tế vĩ mô có sự phục hồi và tăng trưởng khá tích cực, nhưng thị trường chứng khoán lại chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, khiến mức tăng trưởng rất thấp. Hai yếu tố gây ảnh hưởng xấu nhất là sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỷ giá.

.
.

Giá dầu thế giới đã rơi mạnh trong hai nhịp, vào tháng 6 - 7 và tháng 12, khiến cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng. Trong khi đó, USD tăng mạnh kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của nhân dân tệ và việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ đã tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước những “rung lắc” từ bên ngoài, trong năm 2015, Chỉ số VN-Index đã có 3 lần đổ dốc mạnh. Lần thứ nhất diễn ra từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 5/2015, giảm từ mốc 590 điểm xuống dưới 530 điểm; lần thứ hai diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 8/2015 khi VN-Index tuột từ trên 630 điểm xuống 530 điểm và lần thứ 3 từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12 khi tuột từ mốc 610 điểm xuống quanh 570 điểm. Đặc biệt, từ quý III/2015 trở đi, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ra mạnh trên thị trường, tạo thêm áp lực lớn.

Tính chung cả năm, mặt bằng Chỉ số VN-Index chỉ cao hơn chút ít so với cuối năm ngoái (Chỉ số VN-Index ngày 28/12/2015 ở mức 569,9 điểm so với 545,63 điểm cuối năm ngoái). Việc trụ vững của chứng khoán Việt Nam có thể coi là hiện tượng, khi rất nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực bị đi xuống trong năm 2015 do các yếu tố chung trên thị trường quốc tế. Theo tính toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2015, có tới 540 tỷ USD bị các nhà đầu tư quốc tế rút ra khỏi các thị trường mới nổi; nếu tính cả 2 năm 2014 - 2015 thì con số này là 1.000 tỷ USD bị rút vốn.

Trước các diễn biến từ bên ngoài, một trong những yếu tố được nhà đầu tư quan tâm hiện nay là, động thái trên thị trường tài chính quốc tế có lạc quan trở lại hay không? Phân tích vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, các nhà phân tích phương Tây có vẻ đã cường điệu hóa quá mức về suy giảm kinh tế của Trung Quốc cũng như tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất.

Cụ thể, thực tế việc điều chỉnh lãi suất của Fed cũng đã từng diễn ra nhiều lần trong quá khứ và đó là chuyện không có gì quá đao to búa lớn, như nhiều người vẫn nghĩ. Các số liệu từ quá khứ cho thấy, bình quân khoảng 400 ngày, Fed lại có một lần điều chỉnh lãi suất.

Đó là những đánh giá ở góc độ kinh tế vĩ mô, trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đang đứng trước xu thế phải thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) nhiều hơn trong năm 2016. Theo đó, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi thì doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp niêm yết, một phần đứng trước cơ hội, nhưng một phần sẽ gặp nhiều khó khăn để nắm bắt được cơ hội.

Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) nhận định, doanh nghiệp muốn nắm bắt được cơ hội từ TPP thì phải đạt được 4 yếu tố: nhân công, công nghệ, tiềm lực tài chính và thị trường. Trong khi đó, không nhiều doanh nghiệp trong nước hội đủ cả 4 yếu tố này, đặc biệt là yếu tố công nghệ. Do đó, xu hướng M&A có thể sẽ diễn ra khi có các nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về công nghệ và tiềm lực tài chính mua lại cổ phần của đối tác trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư