Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chứng khoán trước tác động của tỷ giá và giá dầu
Chí Tín - 11/09/2015 10:29
 
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Dự cảm thị trường chứng khoán cuối năm 2015 trước biến động của tỷ giá và giá dầu” do Báo Đầu tư vừa tổ chức, các chuyên gia đã phác họa thị trường chứng khoán cuối năm 2015, điểm mặt những cổ phiếu được hưởng lợi cũng như bị tác động tiêu cực bởi biến động tỷ giá và giá dầu.

Trên thực tế, động thái điều chỉnh tỷ giá là một trong những mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư thời gian gần đây. Trong tháng 8/2015, chỉ trong 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá.

Cụ thể, ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Đến ngày 19/8, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (tăng 1%), đồng thời tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

.
Theo một số chuyên gia, việc tỷ giá biến động tăng cũng có thể tác động tích cực đối với một bộ phận doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

 

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá này nhằm chủ động, linh hoạt ứng phó trước nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá. Việc điều chỉnh còn nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

Sau những diễn biến tỷ giá thời gian qua, mối quan tâm của giới đầu tư là tỷ giá sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới. Theo ông Dũng, với mức tỷ giá liên ngân hàng và khoảng biên độ tỷ giá được điều chỉnh thời gian qua, tỷ giá USD/VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm, mà cả những tháng đầu năm 2016.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, việc tỷ giá biến động tăng cũng có thể tác động tích cực đối với một bộ phận doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đưa ra phân tích vấn đề này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược (Công ty Chứng khoán Maritime - MSI) cho biết, biến động tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu như ngành thủy sản, dệt may, gia công phần mềm…

Ông Khánh chỉ ra một số mã cổ phiếu được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá, như HVG (Công ty cổ phần Hùng Vương), TCM (Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công), FPT (Công ty cổ phần FPT), VHC (Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn)... “Nhìn nhận từ cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này, tôi nghĩ, nhà đầu tư có thể đầu tư, ít nhất trong ngắn hạn”, ông Khánh tự tin.

Song hành cùng các biến động tỷ giá, giá dầu cũng là một yếu tố đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Hiện tại, giá dầu thô đã thiết lập một mặt bằng giá mới, do tình trạng dư cung trên toàn cầu. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dư cung dầu mỏ trong năm nay vẫn ở mức trên 1,3 triệu thùng/ngày, nên giá dầu được dự báo ở mức dưới 60 USD/thùng trong năm 2015 và 2016.

Diễn biến giá dầu tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty có nguyên liệu đầu vào là các chế phẩm từ dầu mỏ (như PLC - Hóa dầu Petrolimex, BMP - Nhựa Bình Minh...) và các công ty có đầu vào trực tiếp từ xăng, dầu (PVT - Vận tải Dầu khí) sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Trái lại, các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí (như PVD - Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, PVS - Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, PVC - Xây lắp Dầu khí...) nhiều khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực do giá dịch vụ giảm theo giá dầu.

Thực tế, mặc dù có những biến động về tỷ giá và giá dầu do tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhưng trên bình diện chung, nền kinh tế vẫn đang đi vào quỹ đạo ổn định. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,4 - 6,5% trong năm nay, lạm phát được duy trì ở mức thấp. Đồng Việt Nam mặc dù đã giảm 5% so với USD kể từ đầu năm đến nay, song mức giảm thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Các chuyên gia nhận định, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tương đối khả quan, với mức tăng trưởng dự kiến 13 - 15% trong năm 2015.

Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia cao cấp thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán MB cho biết, định giá cổ phiếu niêm yết của Việt Nam tương đối rẻ so với các quốc gia khác trong khu vực, phản ánh qua chỉ số P/E (giá trên thu nhập) ở mức thấp là 10,8 lần (P/E của Philippines là 19 lần, Indonesia là 23 lần, Thái Lan là 17 lần). Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt trong quý IV/2015.

Thị trường chứng khoán kỳ vọng ‘sóng’ phục hồi sau nghỉ lễ
Sau đợt tụt giảm diễn ra từ cuối tháng 8, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện và động thái này đặt ra kỳ vọng về đợt sóng đi lên sau kỳ nghỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư