Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
Chứng khoán Việt đứng vững trước tuần bão tin tức, chủ tịch doanh nghiệp chốt lời cổ phiếu
Thanh Thuỷ - 20/12/2021 06:08
 
VN-Index tăng 1,11% trong tuần, dù không nhiều nhưng vẫn đủ để đưa Việt Nam lọt vào nhóm 10 thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực nhất. Thanh khoản tăng cao cũng là điểm đáng chú ý.

VN-Index lình xình trước ngưỡng 1.480 điểm, cá nhân lại đỡ lực bán từ khối ngoại

Trong tuần thứ ba của tháng 12, nhiều thông tin vĩ mô đáng chú ý được công bố, đặc biệt giới đầu tư đổ dồn về động thái mới của các ngân hàng trung ương. Trong đó, Fed quyết định giữ lãi suất cận 0% sau cuộc họp chính sách trong hai ngày 14 - 15/12. Chương trình mua trái phiếu dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2022, theo đó, lãi suất dự kiến sẽ tăng lần lượt 3 lần 2022, 2 lần 2023 và 2 lần 2024.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, lãi suất cơ bản tăng từ 0,1% lên 0,25% giữa lúc lạm phát ngày càng tăng. Ngoài ra, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này cho biết mức nợ toàn cầu đã tăng 28.000 tỷ USD, lên 226.000 tỷ USD vào năm 2020, mức tăng mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến thứ hai và phần lớn tập trung ở các nước phát triển. Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng đã lần lượt thông qua thông qua dự luật nâng trần nợ công thêm 2.500 tỷ USD lên 31.400 tỷ USD trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản Chính phủ Mỹ vỡ nợ.

Giữa “bão” thông tin vĩ mô, đặc biệt sau phiên họp Fed, thị trường tài chính toàn cầu nhìn chung không ghi nhận biến động quá lớn khi giới đầu tư cũng đã phần nào chuẩn bị cho xu hướng thu hẹp dần chính sách nới lỏng đã thực hiện thời gian qua để hỗ trợ tăng trưởng. Chứng khoán Hồng Kông, Ấn Độ giảm trên 3%, là các thị trường giảm mạnh nhất trong tuần này. VN-Index dù giao dịch khá lình xình với mức tăng 1,11% nhưng vẫn nằm trong nhóm 10 thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực nhất. 

Chỉ số sàn HoSE có 3/5 phiên tăng điểm, kết tuần ở mức 1479,79 điểm, tăng 16,25 điểm so với tuần trước. Trong hầu hết các phiên, VN-Index đều vượt qua mốc 1.480 điểm nhưng đều lùi lại mốc này tại thời điểm đóng cửa. HNX-Index kết tuần tăng 5,45 điểm (+1,21%) lên 456,2 điểm. Cả hai chỉ số trên sàn HoSE và HNX đều tăng mạnh phiên thứ Hai và giằng co ở các phiên còn lại. Riêng UPCoM-Index lình xinh cả tuần, giảm 0,21 điểm so với tuần trước về còn 111,6 điểm.

Thanh khoản tiếp tục tăng lên trong tuần này. Tại phiên giao dịch ngày 17/12, giá trị giao dịch trên ba sàn đã vọt lên gần 41.800 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 28.181,38 triệu đơn vị/phiên, tăng 20,21% so với tuần trước.Thanh khoản sàn HNX tăng 5,92% lên 3.489 tỷ đồng/phiên.

Các nhà đầu tư trong nước là bên mua chính, trong đó mua ròng mạnh nhất là nhóm nhà đầu tư cá nhân, tiếp đến tổ chức trong nước. Khối tự doanh ngược lại bán ròng. Sự trở lại của dòng vốn ngoại tuần liền trước không thể tiếp tục duy trì, các nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ròng thu về 2.034 tỷ đồng trên ba sàn. Trong đó, chỉ riêng tại cổ phiếu VPB, giá trị bán ròng đã vọt lên 1.226 tỷ đồng trong tuần này. Khối ngoại cũng mạnh tay bán HPG (699 tỷ đồng), GEX (215 tỷ đồng) hay một số cổ phiếu bất động sản như NVL, NLG… Ở chiều ngược lại, bộ ba cổ phiếu nhà Vin lại được các nhà đầu tư ngoại mua vào mạnh mẽ, gồm VIC (389 tỷ đồng), VRE (177 tỷ đồng) và VHM (130 tỷ đồng). Trong tuần chốt giao dịch cho kỳ tái cơ cấu danh mục quý IV, khối ngoại nhất là hai quỹ ETF cũng đẩy mạnh mua DGC (155 tỷ đồng), DIG (102 tỷ đồng) hay ITA, VPI…

Dòng cổ phiếu bất động sản trở thành tâm điểm này. Cổ phiếu CEO là nhân tố chính góp tới 3,8 điểm trong mức tăng 5,45 điểm của HNX-Index trong cả tuần. Trên sàn HoSE, top 3 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số đều ở dòng này gồm cổ phiếu của Vinhomes (VHM), Becamex (BCM) và DIC Group (DIG). Trong khi đó, dòng cổ phiếu ngân hàng lại có một tuần giao dịch tiêu cực. Top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index lần lượt là VCB, VPB, VIC, HPB và SHB. Ông lớn Vietcombank “bay hơi” 3,5% giá trị cổ phiếu và lùi xuống vị trí thứ ba về vốn hoá thị trường sau Vingroup và Vinhomes. Cổ phiếu VIC cũng có một tuần điều chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên ngôi vương của mình.

Thibidi và PTC rao bán cổ phiếu quỹ

Bên cạnh giao dich sôi động của cổ đông nội bộ, đặc biệt ở chiều bán, nhiều doanh nghiệp cũng đang tranh thủ bán cổ phiếu quỹ. CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) cho biết sẽ bán 1,7 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn kinh doanh. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 27/12/2021 - 25/01/2022. Nếu thành công, công ty này còn nắm giữ khoảng 115.700 cổ phiếu quỹ. Giá cổ phiếu PTC đã tăng gấp 3 lần chỉ sau một tháng. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu này rất thấp với khối lượng giao dịch chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

CTCP Thiết bị Điện (Thibidi) - công ty con của Gelex đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, cũng nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động. Doanh nghiệp này sẽ rao bán 4,8 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 27/12/2021 đến ngày 25/01/2022. Ước tính theo mức giá đóng cửa ngày 17/12 (29.000 đồng/cổ phiếu), Thibidi có thể thu về hơn 137 tỷ đồng.

Nhà Louis “nhộn nhịp” mua bán cổ phần

CTCP Louis Capital (HOSETGG) đã bán xong 4,85 triệu cổ phiếu DDV của CTCP DAP – VINACHEM. Sau giao dịch, công ty này không còn là cổ đông lớn và chỉ còn sở hữu 2,5 triệu cổ phiếu tương đương 1,71% vốn.

Cũng trong tuần, CTCP Louis Holdings – cổ đông sở hữu hơn 27% vốn Louis Capital đã bổ sung thêm CTCP Dược Lâm Đồng vào danh mục đầu tư. Cụ thể, Louis Holdings mua hơn 1.3 triệu cổ phiếu LDP, còn Louis Capital mua 1,3 triệu cổ phiếu LDP. Cả hai giao dịch đã được thực hiện từ 8/12. Theo thông báo, tỷ lệ sở hữu của nhó cổ đông này đã tăng lên 20,62%. Trước đó, cả hai không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Ladophar.

Chủ tịch loạt doanh nghiệp chốt lời cổ phiếu

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MWG cho biết đã bán xong 1 triệu cổ phiếu trong vỏn vẹn một tuần (3/12-10/12). Với mức giá quanh 133.000 đồng/cổ phiếu, ước tính vị chủ tịch này đã thu về hơn trăm tỷ đồng sau giao dịch trên. Số lượng cổ phiếu hiện tại của ông Nguyễn Đức Tài giảm còn gần 17,1 triệu cổ phiếu.

Ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG bán thành công 3 triệu cổ phiếu LDG, cũng là toàn bộ lượng đã đăng ký trước đó. Giao dịch thực hiện qua các hình thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 29/11 đến 13/12. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông tại Công ty giảm từ 12,54% (hơn 30 triệu cổ phiếu) xuống còn 11,29% (hơn 27 triệu cổ phiếu).

Trước đó, thông báo đăng ký thoái vốn của ông Hưng là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu LDG đã lao dốc mạnh với 4 phiên giảm điểm liên tiếp (từ 19-24/11).  trong đó có 3 phiên giảm sàn. Tuy nhiên, sự hồi phục sau đó và phiên tăng trần ngày 17/12 lại đưa LDG xác lập đỉnh giá mới (16.350 đồng/ cổ phiếu). Trong khoảng thời gian ông Hưng giao dịch, giá cổ phiếu LDG giao dịch quanh khoảng 14.000 – 15.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong tuần qua, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch CTCP FECON (HOSE: FCN) đăng ký bán gần 1,5 triệu cổ phiếu FCN từ ngày 20/12-18/01/2022. Nếu thực hiện thành công, só lượng cổ phiếu do ông Khoa nắm giữ sẽ giảm còn 5 triệu cổ phiếu. Tương tự trường hợp của LDG, trước chủ tịch, nhiều cổ đông nội bộ trong hội đồng quản trị FECON cũng đã bán ra cổ phiếu FCN.

Bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An vừa đăng ký bán 7 triệu cổ phiếu TAR với mục đích cá nhân. Số cổ phiếu trên tương đương hơn 15% vốn doanh nghiệp này. Tỷ lệ sở hữu của bà Tuyết sau giao dịch dự kiến giảm còn 10%. Giao dịch được thực hiện từ 17/12/2021 - 14/01/2022.

UBCKNN tiếp tục phạt nặng vi phạm công bố thông tin

Chủ tịch HĐQT cũng là CEO Tập đoàn Everland bị phạt do kiêm nhiệm chức vụ. Vi phạm quy định tại Nghị định 71 về quản trị công ty đại chúng, ông Lê Đình Vinh đã nhận án phạt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước do kiêm nhiệm cả hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Everland. Mức phạt tiền là 85 triệu đồng (mức trung bình của khung phạt từ 70-100 triệu đồng) theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Đồng thời, ông còn bị phạt tiền 85 triệu đồng do Chủ tịch Hội đồng quản trị thực hiện hợp đồng, giao dịch khi chưa được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận theo quy định của pháp luật. Uỷ ban chứng khoán Nàh nước (UBCKNN) cho biết ông Lê Đình Vinh đã đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Everland ký, thực hiện Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Bất động sản Thiên Minh có giá trị lớn hơn 35% tổng tài sản Everland khi chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Em trai chủ tịch HĐQT Licogi 13 bị phạt 190 triệu đồng vì giao dịch cổ phiếu. UBCKNN đã phạt tiền 80 triệu đồng do ông Bùi Văn Sinh giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin; 80 triệu đồng do không công bố thông tin về kết quả thực hiện giao dịch và thêm 30 triệu đồng do người có liên quan của người nội bộ thực hiện đồng thời mua và bán chứng khoán của công ty đại chúng trong thời gian đăng ký giao dịch.

Án phạt trên liên quan đến đợt giao dịch hồi cuối tháng 5 của nhà đầu tư này. Ông Bùi Văn Sinh – người có liên quan đến ông Bùi Đình Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 13 đã đăng ký giao dịch mua 200.000 cổ phiếu LIG với thời gian giao dịch Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố thông tin là từ ngày 26/5/2021 đến ngày 31/5/2021. Nhưng ông đã mua 129.100 cổ phiếu LIG vào ngày 21/5/2021 và sau đó HNX không nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Bùi Văn Sinh. Đồng thời, ngày 27/5/2021, ông tiếp tục giao dịch bán 129.100 cổ phiếu LIG.

Cũng trong tuần qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam, một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX từ năm 2006 nhận án phạt vì vi phạm công bố thông tin vì thiếu hàng loạt báo cáo từ năm 2016. Hình phạt áp dụng là mức phạt hành chính 100 triệu đồng. Cụ thể, công ty đã không nộp báo cáo tài chính riêng năm 2016 được kiểm toán, Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 đã được soát xét; công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của SGDCK HN không đúng thời hạn các tài liệu: Báo cáo tài chính riêng quý I/2017, Báo cáo thường niên năm 2019, Thông báo ngày đăng ký cuối cùng họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020; không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019, thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020; công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN các tài liệu: Giải trình chênh lệch 5% lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán năm 2019, Báo cáo thường niên năm 2019.

Lập chợ cho trái phiếu riêng lẻ; TPBank, KB Kookmin Card, AFS ngắm mua công ty tài chính
Thông tin về các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vướng mắc số hóa ngân hàng... là tâm điểm nổi bật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư