Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chương trình phục hồi kinh tế sẽ kéo dài ít nhất 2 năm
Thanh Huyền - 06/12/2021 14:30
 
Để phục hồi và lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế sẽ hội đủ 3 yếu tố là giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: Nhật Bắc)

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế đã qua nhiều vòng thảo luận, cho ý kiến và sẽ lên bàn nghị sự Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề cuối năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nội dung cơ bản của chương trình phục hồi đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011. Từ đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển.

Nội dung cơ bản của chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

"Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch", ông Phương khẳng định.

Thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của nền kinh tế, một số giải pháp có thể sẽ phải kéo dài thêm.

“Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm”, ông Phương dẫn chứng.

Chương trình phục hồi sẽ đảm bảo "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn", bởi 3 yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau. Theo Thứ trưởng Phương, nếu đề án phục hồi và phát triển kinh tế này được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quy mô của Chương trình chính sách tài khóa, tiền tệ đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, song có thể khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo tính toán của các chuyên gia, quy mô gói kích thích lần này cần đạt tương đương 6% GDP. Tuy nhiên, với lượng lớn tiền được tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để kiểm soát lạm phát.

Trao đổi tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam khá chần chừ đưa ra gói kích thích để phục hồi nhanh nền kinh tế, không có “nhúc nhích” đáng kể gì trong chính sách tài khóa mà vẫn chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, các nước như Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với 2 thách thức. Đó là lạm phát chi phí đẩy (do thiếu cung) và lạm phát cầu kéo, tức là số tiền bỏ ra cách đây 2 năm giờ phát huy tác dụng. Các quốc gia này hy vọng lạm phát giảm xuống thông qua việc tăng cung để từ đó hạ nhiệt giá cả.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, chính sách tài khóa cần đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Thậm chí, Việt Nam cần chấp nhận tăng nợ công và bội chi trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Lạm phát không phải là nỗi lo khi tính toán gói phục hồi kinh tế
Lạm phát khó có khả năng bùng phát, nhưng không phải là lý do để đưa ra các gói chính sách phục hồi kinh tế quá lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư