Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Chuyển đổi số nông nghiệp để bắt kịp xu thế thị trường
Tú Ân - 24/09/2021 09:30
 
Chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ là giải pháp tình thế trong dịch bệnh, mà còn là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành kho nông sản của thế giới.
Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp, thì Việt Nam sẽ trở thành một nước nông nghiệp có tiềm năng cạnh tranh rất lớn.

Trụ đỡ của nền kinh tế

Tại Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Hải Dương có 75.000 ha đất nông nghiệp đang chuyển dịch ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Trong đợt dịch Covid-19 thứ ba, Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm của tỉnh lên các kênh thương mại điện tử, nên vẫn đảm bảo tiêu thụ, giữ giá, đặc biệt với vải thiều.

Còn PGS-TS Trần Đăng Xuân, Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản) cho hay, tại Nhật Bản, các ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất đã được đưa vào ngành nông nghiệp, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot… Bình quân một người nông dân Nhật Bản xuất khẩu nông sản trị giá 40.000 USD, trong khi ở Việt Nam, con số này là 1.000 USD.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông chia sẻ, Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống, đi lên từ nông nghiệp. Trong đại dịch hiện nay, càng thấy rõ vai trò của nông nghiệp đối với đời sống xã hội. “Phát triển nông nghiệp là nền tảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đại dịch xảy ra cũng đã chứng minh tính cấp thiết, hiệu quả và xu thế tất yếu của chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng”, ông Dũng nhận xét.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp, thì Việt Nam sẽ trở thành một nước nông nghiệp có tiềm năng cạnh tranh rất lớn.

“Covid-19 là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi số, ghi tên mình trong bản đồ cung ứng nông nghiệp quốc tế. Việt Nam có thể trở thành kho nông sản của thế giới”, ông Bình nhận định.

Số hóa ngành nông nghiệp

Từ bước đi đầu tiên ứng dụng chuyển đổi số, ông Thăng cho rằng, Hải Dương đã nhận thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu ích làm tăng năng suất lao động. Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Mở rộng thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chúng ta phải đưa hộ nông dân lên nền tảng điện tử, phải có tên gọi, hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Để làm được, phải có thiết chế để thực hiện, thiết chế ngân hàng, thiết chế giao dịch... Tiếp theo, phải đào tạo người nông dân thích ứng và sử dụng công nghệ phục vụ chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Huy Dũng, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Phát động chuỗi sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2021
Các ý tưởng, dự án chất lượng, có tính khả thi cao trong quá trình phát triển dự án sẽ được hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư từ 50.000 đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư