Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
"Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh"
Tú Ân - 28/05/2024 19:04
 
Chiều 28/5, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số” đã diễn ra tại Hà Nội.

Các nước trên thế giới và các doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số đi kèm cùng chuyển đổi xanh vô cùng mạnh mẽ. Báo cáo của Boston Consulting Group - BCG: 80% các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư cho ESG, và 60% doanh nghiệp coi ESG là trọng tâm chủ chốt hoặc tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số. (Báo cáo của Boston Consulting Group - BCG).

Còn Báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC, 45% CEO toàn cầu không tự tin liệu doanh nghiệp có thể sống sót được trong thập kỷ tới hay không nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay. Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%. Việc thay đổi là bắt buộc trước sự biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu. Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh là hướng tới mô hình phát triển thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất, tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, từ đó tạo nên một nền kinh tế xanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chuyển đổi số là hướng tới mô hình phát triển thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu hao phí tài nguyên, năng lượng, tạo ra giá trị mới, từ đó tạo nên một nền kinh tế xã hội số.

Tại Việt Nam, từ năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ quốc tế giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai cam kết COP26 được thành lập và Đề án triển khai COP26 được phê duyệt ngay sau đó. 

Chính phủ đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững". 

Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP (Báo cáo của EconomySEA). Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Về chuyển đổi xanh, Việt Nam đã triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030"; đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu héc-ta, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai… 1.912 doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Làn sóng chuyển dịch dòng vốn xanh với gần 7 tỷ USD ưu tiên danh mục  tín dụng xanh giai đoạn 2021 – 2022 của các ngân hàng trong nước. Các doanh nghiệp hàng đầu coi ESG là mục tiêu song hành cùng chiến lược kinh doanh.

ộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Sơn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Chia sẻ tại Vietnam DX Summit 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của thế kỷ 21.

"Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Và cùng năm này kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023 thì kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm. Hai chuyển đổi số và xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2-4 lần", ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA chia sẻ: "Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh đang là cặp song sinh chuyển đổi quan trọng nhất. Muốn số phải xanh - Muốn nhanh phải số.

Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này"

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chuyển đổi xanh, có 2 vấn đề khi ứng phó với biến đổi khí hậu là: Thích nghi (Adaptation) với biến đổi và Giảm thiểu (Mitigation) biến đổi. Muốn chuyển đổi xanh buộc phải chuyển đổi số, vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích nghi và giảm thiểu. Bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi Kép chỉ ra, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).

"Chúng ta vẫn còn chuyển dịch số - xanh rất chậm so với khu vực", ông Bình nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư