Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Chuyên gia ADB: GDP Việt Nam sẽ tăng mạnh vào 2 quý cuối năm
Kỳ Thành - 30/03/2016 13:11
 
Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GDP quý I/2016 tăng trưởng thấp là xu hướng thông thường của Việt Nam và sẽ tăng mạnh vào những quý cuối năm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại buổi Họp báo ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2016 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng 30/3, nhận định của ADB về tăng trưởng GDP quý I/2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% (theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Quốc gia của ADB cho rằng, GDP quý I/2016 tăng trưởng thấp là xu hướng thông thường của Việt Nam và sẽ tăng mạnh vào những quý cuối năm.

Ông Aaron Batten lý giải, năm 2015, GDP quý I chỉ đạt 6,03% và tăng mạnh vào quý III và IV, trong đó quý IV/2015 tăng trên 7%. Điều này đã giúp GDP năm 2015 vượt mục tiêu 6,2% đặt ra trước đó. “Chúng tôi cho rằng năm nay cũng vậy”, Chuyên gia kinh tế Quốc gia của ADB khẳng định.

“Nền kinh tế dự kiến sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017”, Báo cáo của ADB nêu rõ. So với dự báo tình hình kinh tế Việt Nam được ADB công bố các năm trước đều thấp hơn mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, GDP Việt Nam năm 2016 được ADB dự báo ngang bằng với mục tiêu của Chính phủ.

“Tôi cho rằng con số này phù hợp với nhận định của chúng tôi”, ông Aaron Batten cho hay.

3 động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam được ADB chỉ ra là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), niềm tin của người tiêu dùng và tín dụng, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Trong đó, chính sách tài chính và tiền tệ đều hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại và việc nới room sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp và nới lỏng quy định về sở hữu bất động sản.

Các chuyên gia ADB đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng còn có thể làm tốt hơn nữa. Cụ thể, Việt Nam cần phát triển xuất khẩu trong khu vực châu Á. Trung Quốc tăng trưởng chậm lại bởi họ đang chuyển dịch nền kinh tế, từ công nghiệp sang tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Đây là tín hiệu tích cực với Việt Nam bởi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là hàng tiêu dùng.

"Bên cạnh đó, ngành tài chính cần giải quyết nợ xấu. Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, khi doanh nghiệp nhà nước còn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, họ bóp nghẹt sự cạnh tranh và đổi mới", ông Aaron Batten đánh giá.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016 đã bày tỏ lo ngại, nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. 

GDP giảm tốc, tức tốc xây dựng kịch bản mới cho nền kinh tế
Bức tranh tổng thể của nền kinh tế quý I/2016 vừa được công bố cho thấy không mấy sáng sủa, ngay lập tức, Tổng cục Thống kê xây dựng 2 kịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư