Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh
Bảo Giang - Thùy Vinh - 07/02/2022 10:38
 
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn là một trong những người tham gia đặt nền móng cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ông luôn có trăn trở để xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh.

Ông Huỳnh Bửu Sơn là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt - người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ. Ông còn là một trong những người tham gia đặt nền móng cải tổ hệ thống ngân hàng, đưa ngành ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới. Trong câu chuyện chia sẻ với Báo Đầu tư, ông đã bộc bạch những suy nghĩ, trăn trở để chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh. 

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Thưa ông, chúng ta đang hướng đến mốc lịch sử quan trọng: kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025. Là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt - người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ, chắc hẳn, ông vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ lại thời khắc lịch sử của đất nước?

Sáng 30/4/1975, từ khuôn viên Trường đại học Dược Sài Gòn (ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng hiện nay), cách Đại sứ quán Mỹ chỉ vài trăm mét, tôi lặng lẽ nhìn chiếc trực thăng cuối cùng từ sân thượng tòa Đại sứ Mỹ bay lên. Tôi cũng từng trăn trở với câu hỏi: đi hay ở? Nhưng, số phận đã chọn tôi ở lại và cho tôi tận mắt chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước.

Nếu được chọn lựa lại, ông có thay đổi quyết định?

Bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy mình may mắn. Nếu ra đi vào thời điểm đó, một mình, cuộc sống của tôi, của gia đình tôi chắc chắn sẽ thay đổi theo một chiều hướng khác, không chắc tốt đẹp như bây giờ.

Ở lại như hàng triệu người dân miền Nam đã lựa chọn, trên đất nước của mình, bởi chúng tôi có niềm tin, đất nước cần những người dân Việt Nam chung tay xây dựng.

Có những người đã ở lại, nhưng rồi sau đó cũng ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Điều gì đã khiến ông không thay đổi quyết định và thôi thúc ông cống hiến hết mình cho đất nước?

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Bất cứ người dân nào khi có cơ hội được đóng góp cho đất nước mình, dù nhỏ, cũng đều sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Những điều tôi làm cũng bình thường như tất cả những người dân Việt, không có gì đặc biệt.

Gần đây, các chuyên gia kinh tế đề cập nhiều tới các biện pháp kiểm soát lạm phát, khi một lượng tiền rất lớn chuẩn bị được “bơm” vào thị trường để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sau khi chịu tác động nặng nề của Covid-19. Còn nhớ, cách đây 35 năm, ông đã cùng với các thành viên trong “Nhóm thứ Sáu” đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả của chương trình giá - lương - tiền…

Năm 1982, TP.HCM có phong trào hình thành các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đơn giản vì giai đoạn ấy, Thành phố bị ngăn sông, cấm chợ, cần luân chuyển hàng hóa để có ngoại tệ.

Đến năm 1985, Việt Nam thực hiện đổi tiền lần thứ 3, giá cả tăng vọt, hàng hóa khan hiếm... Lúc đó, anh Phan Chánh Dưỡng là Phó giám đốc Công ty Cholimex đã hình thành Nhóm công tác nghiên cứu chuyên đề khai thác hàng xuất khẩu. Năm 1986, tôi tham gia Nhóm.

Bất cứ người dân nào khi có cơ hội được đóng góp cho đất nước mình, dù nhỏ, cũng đều sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Những điều tôi làm cũng bình thường như tất cả những người dân Việt, không có gì đặc biệt.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau khi đổi tiền, nên ông Hai Chí (ông Võ Trần Chí - PV), khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề nghị Nhóm nghiên cứu hậu quả và đề xuất giải pháp. Tôi được phân công làm chủ nhiệm đề tài. Sau khi hoàn thành, chúng tôi báo cáo đề tài với ông Hai Chí và được ông yêu cầu trực tiếp trình bày với Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt.

Tôi gặp ông Võ Văn Kiệt lần đầu tiên khoảng đầu năm 1987, tại Hà Nội. Ông Võ Văn Kiệt gây ấn tượng rất mạnh mẽ với tôi ngay từ lần gặp đầu tiên bởi sự quyết đoán, tinh thần nói là làm, lắng nghe những lời phản biện...

Dịp đó, tôi cùng anh Phan Chánh Dưỡng và anh Trần Bá Tước trình bày đề cương về giải pháp khắc phục hậu quả “giá - lương - tiền” năm 1985. Chuyên đề được ông Võ Văn Kiệt đánh giá cao. Một trong những đề xuất của chúng tôi trong đề cương được ông tán đồng là giải tỏa các trạm kiểm soát hàng hóa giữa các địa phương để chấm dứt tình trạng ngăn sông, cấm chợ. Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi giải pháp đó được ông chỉ đạo thực hiện ngay.

Từ đó, Nhóm sinh hoạt thường xuyên hơn và mở rộng số người tham gia, sau được gọi là “Nhóm thứ Sáu”, chỉ vì anh em hay họp vào thứ Sáu. Nhóm của chúng tôi không có trưởng nhóm, cũng không có thành viên nào là trụ cột, không lương, không biên chế, không trụ sở... Mọi người cùng nhau làm việc, đóng góp nhiệt tình như nhau.

Chúng tôi đã thực hiện các đề tài nghiên cứu về nhiều lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, ngoại thương, kinh tế vùng. Đề án Thành lập Khu chế xuất Tân Thuận - mô hình thử nghiệm khu chế xuất đầu tiên của cả nước cũng ra đời trong bối cảnh đó.

Ông Huỳnh Bửu Sơn (ngoài cùng, bên trái) trong một chuyến đi với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Và, cũng không thể không nhắc đến những đóng góp của ông trong việc xây dựng Đề án Cải tổ hệ thống ngân hàng và dự thảo Pháp lệnh Ngân hàng… Ông tâm đắc nhất điều gì khi xây dựng pháp lệnh này?

Trong nỗ lực thực hiện chủ trương lớn Đổi mới và mở cửa, năm 1989, ông Võ Văn Kiệt muốn cải tổ hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, nên chỉ thị thành lập Tổ nghiên cứu trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng do anh Phan Văn Tiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá làm Tổ trưởng. Thành viên của Tổ nghiên cứu chủ yếu là các chuyên gia kinh tế - tài chính - ngân hàng ở Hà Nội. Tôi cũng được mời tham gia.

Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thành lập một tổ nghiên cứu do ông Cao Sĩ Kiêm, Thống đốc NHNN làm Tổ trưởng. Tháng 8/1989, tôi ra Hà Nội để làm việc với Tổ nghiên cứu trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng thì được anh Nguyễn Văn Đạm, Phó thống đốc thường trực NHNN đề nghị tham gia Tổ nghiên cứu của NHNN.

Tham gia cả hai tổ, tôi trở thành cầu nối của hai bên, nhờ đó, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong Đề án Cải tổ hệ thống ngân hàng do hai bên soạn thảo đã được giải tỏa nhanh chóng và đi đến thống nhất. Sau đó, ông Võ Văn Kiệt đã cho gọi tôi cùng ông Lâm Võ Hoàng và yêu cầu dự thảo Pháp lệnh Ngân hàng.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, tôi phải tham khảo các văn bản pháp luật hiện hành về NHNN, đề cương cải tổ mà hai tổ nghiên cứu đã nhất trí, sắc lệnh về ngân hàng của Việt Nam Cộng hòa, của Pháp, Mỹ và các nước… Sau khoảng 1 tháng, bản thảo được đưa ra hai tổ để các thành viên góp ý, phản biện, chỉnh sửa… với các cuộc tranh luận đôi khi diễn ra “nảy lửa”.

Tháng 10/1989, với sự tài trợ của 2 ngân hàng Indo Suez và BFCE (Pháp), ông Võ Văn Kiệt đồng ý cho phép 3 thành viên của cả hai tổ là anh Nguyễn Thiệu, anh Lê Văn Tư và tôi sang Pháp và Thái Lan để tham khảo ý kiến của chuyên gia ngân hàng ở các nước này.

Tại Paris, chúng tôi đến gặp và trao đổi với ông Berth, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Pháp. Ông Berth rất ngạc nhiên và phấn khởi khi thấy Việt Nam đang đi dúng hướng trong việc xây dựng cơ chế thị trường. Ông nhận một bản sao Dự thảo Pháp lệnh và chuyển ngay về trụ sở IMF tại Mỹ. Ngay khi nhận tài liệu, IMF đã lên lịch làm việc và đầu năm 1991, một phái đoàn IMF đã bay sang Việt Nam làm việc với các chuyên gia NHNN để chuẩn bị cho ra đời Pháp lệnh Ngân hàng.

Pháp lệnh Ngân hàng ra đời đã luật hóa sự tách biệt vai trò quản lý của NHNN và kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng thương mại (các tổ chức tín dụng). Trước đây, NHNN vừa làm quản lý, vừa kinh doanh, hay nói cách khác là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Pháp lệnh Ngân hàng đã tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh mẽ một hệ thống ngân hàng thương mại, gồm quốc doanh, cổ phần, hợp tác xã tín dụng và cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cùng nhau xây dựng nền kinh tế Việt Nam.

Như vậy, sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng đã góp phần hình thành thị trường ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy thị trường hoạt động sôi nổi và hội nhập với thị trường tài chính - ngân hàng quốc tế. Qua đó, thế giới thấy được Việt Nam đang tích cực đổi mới, mở cửa, sẵn sàng hội nhập để phát triển.

Trên hành trình hội nhập và phát triển, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn khao khát được đóng góp sức mình để đưa đất nước “hóa rồng”, như tựa đề một cuốn sách của ông: “Giấc mơ hóa rồng”. Theo ông, vì sao đến nay Việt Nam vẫn chưa nắm được cơ hội để “hóa rồng”?

Tôi cho rằng, cơ hội chính là thời gian. Nếu những điều chúng ta làm được hiện nay đã được thực hiện trước đây 10 năm, 20 năm, thì Việt Nam có thể đã “hóa rồng”. Chúng ta bị chậm vì đã không thể làm ngay những điều đáng làm, mà trở ngại lớn nhất là từ trong suy nghĩ, nhận thức. Điển hình là vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.

Tiềm năng của kinh tế tư nhân trong nhiều lĩnh vực là rất lớn, như công nghiệp phụ trợ, nhằm tạo ra sản phẩm nội địa hóa. Nhưng trên thực tế, kinh tế tư nhân chưa được hỗ trợ đầy đủ, nhất là chưa được hỗ trợ đúng lúc.

Hay như với lĩnh vực xuất khẩu, chúng ta luôn nói đẩy mạnh xuất khẩu, vì xuất khẩu là con đường phù hợp của Việt Nam. Nếu quan sát kỹ trong hoạt động xuất khẩu, có thể thấy, khu vực tư nhân giữ vai trò rất lớn, nhưng việc hỗ trợ chính sách còn hạn chế. Một thời gian dài, chúng ta loay hoay “nuôi” doanh nghiệp nhà nước mà “quên” thúc đẩy hỗ trợ khu vực tư nhân, làm mất đi khá nhiều cơ hội. Đáng ra, việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phải làm sớm hơn.

Để tăng tốc và hiện thực hóa các mục tiêu sớm hơn, theo tôi là khó, mà cũng rất dễ. Nếu đưa ra mục tiêu mà không tập trung, thì rất khó thực thi. Ngược lại, nếu huy động được nguồn lực và tất cả đoàn kết một lòng, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thấy rằng, phải chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh, thì chúng ta sẽ làm được. Người Việt Nam rất giỏi, bản tính chịu khó, tự cường, là tiền đề để xây dựng đất nước cường thịnh, bền vững.

Trong những năm qua, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân đã được khẳng định và ngày càng được coi trọng. Ngày 3/6/2017, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông, cần phải làm gì để khối tư nhân có thể bứt phá, sớm đưa đất nước tới cường thịnh?

Trong một lớp học về quản trị, khi nhận câu hỏi từ một vị giám đốc: “Tôi rất thương nhân viên, nhưng tôi không biết làm cách nào để nhân viên thương tôi?”, thầy giáo đã trả lời rằng: “Nếu bạn chân thành, thì chắc chắn họ sẽ biết”.

Nói cách khác, điều gì xuất phát từ trái tim sẽ được đón nhận bằng trái tim. Nếu chúng ta chân thành với nhau, tạo được sự tin tưởng, thì chắc chắn không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà khối tư nhân cũng sẽ cống hiến hết mình. Nhiều doanh nghiệp từng chia sẻ với tôi, ngoài chính sách, doanh nghiệp rất cần thêm sự chân thành trong thực thi, họ muốn được các lãnh đạo chia sẻ và biết lắng nghe để đồng hành cùng họ. Nếu làm được như thế, sẽ tạo động lực để khối tư nhân cống hiến nhiều hơn và Việt Nam sẽ sớm “hóa rồng”, thực sự trở thành một quốc gia cường thịnh.

Công nghệ AI định hình tương lai ngành ngân hàng
Giới chuyên gia nhận định, sự “bùng nổ” xu thế ứng dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu, ước tính đem lại giá trị gia tăng lên tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư